Mưu sinh từ nghề bắt ốc

26/07/2016 | 08:39 GMT+7

Là đối tượng gây hại mùa màng, ốc bươu vàng từng là nỗi ám ảnh của không ít nông dân. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu sử dụng ốc để chế biến các món ăn được ưa chuộng thì ốc bươu vàng đem lại nguồn thu nhập tương đối khá đối với người dân nông thôn.

Nghề lể ốc góp phần giải quyết lao động ở nông thôn.

Thuộc diện hộ nghèo, không ruộng đất, ba thành viên của gia đình ông Trần Ánh Đông, ở ấp Tân Hưng, thị trấn Búng Tàu, huyện Phụng Hiệp, quanh năm sinh sống bằng nghề bắt và lể ốc mướn. Hàng ngày tranh thủ lúc sáng sớm, ông Đông ra đồng bắt ốc bươu vàng đem về bán, còn vợ và con gái phụ lể ốc cho một điểm thu mua ốc gần nhà. Trung bình một ngày, ba thành viên có thu nhập trên 200.000 đồng từ nghề làm ốc. Ông Đông chia sẻ: “Trước đây, ai thuê gì làm nấy, nhưng từ khi phong trào bán ốc bươu vàng phát triển thì gia đình lại bám lấy nghề này. Do đây là nghề dễ làm, không cần vốn đầu tư, nhưng thu nhập đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày. Biết mình sinh sống bằng nghề này, nhiều chủ ruộng trong xóm còn kêu cho bắt ốc trong ruộng, để góp phần bảo vệ mùa màng”. 

Khoảng 2 tháng trở lại đây, do nhu cầu dùng ốc chế biến thức ăn ngày càng phổ biến nên đã làm cho giá ốc tăng mạnh. Hiện nay, giá ốc ở mức 4.500 đồng/kg (còn vỏ) tăng hơn 2.000 đồng/kg so với trước đây, nếu qua sơ chế giao cho điểm thu gom với giá 19.000 đồng/kg. Do hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, nên ở huyện Phụng Hiệp ngày càng xuất hiện nhiều điểm thu mua ốc. Anh Nguyễn Văn Phát, chủ điểm thu mua ốc ở xã Tân Phước Hưng, cho biết: “Hiện nay, ở Thành phố Hồ Chí Minh người dân có nhu cầu sử dụng ốc làm thức ăn nên nguồn hàng rất hút. Mỗi ngày điểm thu mua ốc của gia đình thu vào khoảng 1 tấn ốc, qua sơ chế còn lại khoảng 300kg ốc thịt, giao cho đầu mối ở thị xã Ngã Bảy”.

Nghề làm ốc ở Phụng Hiệp phát triển mạnh đã góp phần tạo công ăn việc làm cho không ít lao động nông thôn. Theo thống kê trên địa bàn huyện, hiện nay có khoảng 30 điểm thu mua sơ chế ốc, mỗi điểm thu hút từ 3-7 nhân công lao động nông thôn. Anh Phát cho biết thêm: “Dù chỉ là điểm thu mua nhỏ, nhưng hàng ngày ở đây cần từ 3-5 nhân công lao động để lể ốc. Việc làm này không cần có tay nghề, chỉ cần chịu khó và siêng năng, từ trẻ em đến người lớn tuổi đều có thể làm được. Mỗi ngày điểm chỉ hoạt động khoảng 5 tiếng (từ 8-12 giờ), mỗi người cũng kiếm được 50.000- 70.000 đồng, những lúc ốc nhiều thu nhập cũng lên cả trăm ngàn đồng/người”.

Cũng chính từ nguồn thu nhập ổn định, mà gần 4 năm nay bà Trần Thị Lệ, ở thị trấn Búng Tàu, đã gắn bó với nghề lể ốc. Hàng ngày, bà tranh thủ buổi sáng ra điểm lể ốc làm, buổi chiều về lo cho công việc gia đình. Bà Lệ cho hay: “Lúc trước còn sức khỏe đi làm thuê làm mướn, nhưng giờ lớn tuổi lao động vất vả không thể làm được nên mới gắn bó với nghề lể ốc. Thu nhập hàng ngày không nhiều nhưng cũng đủ để lo cho hai bữa cơm hàng ngày”.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Nghề bắt ốc bươu vàng bán ở huyện đã có từ nhiều năm nay, tuy nhiên gần đây do giá ốc tăng mạnh nên đã thu hút nhiều nông hộ ở nông thôn tham gia. Ốc bươu vàng là một đối tượng phá hoại mùa màng, trong khi ở Phụng Hiệp diện tích đất sản xuất lúa trên 20.000ha, cho nên lượng ốc rất lớn. Việc người dân bắt ốc bán vừa giảm thiểu được tác nhân gây hại cho sản xuất, vừa có thu nhập kinh tế gia đình”.

Thời gian qua, nghề ốc ở Phụng Hiệp phát triển mạnh, tuy nhiên người dân chỉ bắt ốc để bán. “Ở Phụng Hiệp, hiện nay chưa phát hiện trường hợp nào nuôi hay dự trữ ốc bươu vàng. Tuy nhiên, nếu vì lợi ích kinh tế mà người dân nuôi hay dự trữ ốc để bán, khi phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Tuấn khẳng định. 

Bài, ảnh: T.D

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>