Tăng thu nhập từ nghề đan đát

14/04/2016 | 08:04 GMT+7

Cùng với các nghề đan lục bình, bó chổi, thì nghề đan đát cũng được khá nhiều lao động ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy ưa chuộng. Nhờ nghề này mà nhiều gia đình có cuộc sống ổn định, vươn lên khấm khá.

Nghề đan đát đã giúp nhiều gia đình ổn định cuộc sống.

Men con đường đal nhỏ dẫn vào làng nghề đan đát ở ấp 10, xã Vị Thắng chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đống tre, trúc nằm la liệt trước sân, những chiếc rổ, chiếc xề… làm bằng tre, trúc được xếp gọn bên hông nhà. Gia đình có ruộng, có vườn thì tranh thủ đan đát lúc nông nhàn, nhà ít đất có thời gian thì đan được nhiều hơn, còn những gia đình không đất canh tác thì quanh năm thu mua tre, trúc rồi xúm xít chẻ trúc, chuốt nan, đan xề, đan rổ, ít thấy ai nhàn rỗi, thất nghiệp...

Nhìn đôi bàn tay thoăn thoắt hoàn thành từng chiếc mê vừa đều, vừa đẹp của bà Hồ Thị Duyên, ở ấp 10 khiến chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ. Khi chúng tôi hỏi bà đan đều và đẹp như vầy chắc bà làm nghề lâu lắm. Cầm chiếc mê vừa hoàn thành trên tay, bà Duyên, cho biết: “Tôi làm nghề từ dạo mới về làm dâu xứ này, ngót nghét cũng gần 40 năm rồi. Tuy nói là nghề phụ, nhưng thu nhập cũng được lắm”. Hiện nay, không chỉ bà Duyên, mà chồng, con trai và con dâu hễ rảnh cũng bắt tay vào đan rổ, đan xề. Cứ khoảng 3 ngày thì gia đình bà đan được 100 rổ và xề. “Bình quân mỗi tháng, gia đình tôi cũng kiếm được vài triệu đồng từ nghề này, nhờ đó cuộc sống ổn định và có bước phát triển”. Tiếp chuyện cùng bà Duyên, chúng tôi được biết, nhờ nghề đan đát mà gia đình bà mới có được cuộc sống như ngày hôm nay. Bà Duyên kể, lúc trước hoàn cảnh gia đình khó khăn chỉ có 1,5 công ruộng, trong khi năm đứa con thơ dại, do đó, vợ chồng bà đã bám nghề đan rổ, đan cần xé gia truyền để kiếm sống. Nghề không phụ lòng người, sau bao năm gắn bó đến nay đời sống kinh tế gia đình bà đã ổn định, con cái đều yên bề gia thất và tiếp tục theo nghề của cha ông. Bà Duyên cho biết thêm: “Nghề thủ công dễ học, dễ làm, không đòi hỏi nhiều áp lực về vốn liếng đầu tư. Do đó, người dân xóm này hầu như ai cũng biết đan”.

Hiện nay, sản phẩm từ tre, trúc như rổ, xề hút hàng, được thị trường tiêu thụ quanh năm, không ngại tồn đọng hàng. Bà Nguyễn Thị Dư, ở ấp 10, cho biết: “Chúng tôi đang làm gấp để kịp ngày mai giao 30 cái xề cho mối ở thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng”. Hiện nay, mỗi ngày vợ chồng bà Dư làm khoảng 20 cái xề, thậm chí làm thêm buổi tối mà vẫn không đủ hàng để cung ứng cho thị trường. Mặc dù, năm nay bà Dư đã 68 tuổi, nhưng vẫn chưa có ý định bỏ nghề “Còn sức khỏe tôi sẽ tiếp tục gắn bó với công việc này. Cũng nhờ có nó mà góp phần trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình”, bà Dư cho biết thêm.

Còn bà Nguyễn Thị Sơn, cũng ngụ cùng ấp 10, bộc bạch: “Tuy nghề này khó làm giàu nhưng có đồng vô đồng ra, mỗi tháng tôi cũng kiếm được gần 3 triệu đồng, ở nông thôn thu nhập vậy là quý, lại có thời gian chăm sóc gia đình. Mặc dù nghề đan rổ, đan xề yêu cầu phải chịu khó ngồi một chỗ, nhưng nếu đầu ra sản phẩm ổn định như bây giờ, thì chúng tôi vẫn tiếp tục gắn bó với nghề”. Được biết, lúc trước gia đình bà Sơn thuộc diện cận nghèo, thu nhập bấp bênh, nhờ gắn bó với nghề đan đát mà đời sống được cải thiện, thoát được cảnh nghèo.

Quả thật, nghề đan đát đã giúp không ít gia đình tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Ông Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thắng, cho biết: “Toàn xã hiện có hơn 200 hộ dân gắn bó với nghề đan đát truyền thống. Nhìn chung, nhờ nghề này nhiều gia đình đã ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để nghề đan đát tiếp tục phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con”.

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>