Thắp lên hy vọng cho trẻ khuyết tật

10/06/2016 | 07:43 GMT+7

Dạy nghề là một trong những giải pháp tạo cơ hội cho trẻ khuyết tật tham gia lao động, cống hiến và thực hiện những ước mơ tưởng chừng không bao giờ thành hiện thực.

Lớp học nghề may công nghiệp tại Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh.

Đang ngồi may tại lớp may công nghiệp do Trung tâm Dạy nghề huyện Châu Thành A phối hợp với Trường Trung cấp nghề tỉnh mở tại Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh, em Trần Thị Anh Thư (19 tuổi) học sinh lớp khiếm thính của trường đang tỉ mỉ với từng đường may của mình. Được theo học lớp dạy nghề may công nghiệp là mơ ước bấy lâu của Anh Thư. Anh Thư bị khiếm thính từ thuở lọt lòng, vượt lên mặc cảm khuyết tật bản thân, em đã có nhiều cố gắng vươn lên trong học tập. Chính vì vậy, trong suốt 5 năm học tại Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh, em luôn chăm ngoan, học giỏi. Thế nhưng, Anh Thư cũng hiểu rằng, với những người khuyết tật như em thì để tìm kiếm việc làm là điều không dễ. Vì vậy, khi lớp dạy nghề may công nghiệp cho học sinh khuyết tật được mở tại trường em rất vui mừng và đăng ký học nghề. Bằng ngôn ngữ ký hiệu, Anh Thư cho biết: “Được học nghề em mừng lắm, từ nay em có thể tìm kiếm việc làm để nuôi sống bản thân, không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội”.

Lớp học không ồn ào, từng động tác, hướng dẫn của giáo viên được các em chăm chú tiếp thu bằng ánh mắt. “Khi mới hay thông tin có lớp nghề may công nghiệp cho học sinh khuyết tật, chúng em mong đợi từng ngày. Nói thật chứ, nếu không có lớp học nghề này, em cũng không biết khi trở về nhà mình sẽ làm gì để nuôi sống bản thân”, em Nguyễn Trường Giang (26 tuổi), học sinh lớp khiếm thính bộc bạch qua ngôn ngữ ký hiệu. Hoàn cảnh của Trường Giang rất đáng thương, cha mẹ em qua đời khi em còn nhỏ, trong khi bản thân em lại bị khuyết tật. Chính vì vậy, khi được tham gia học nghề là cơ hội để Trường Giang có thể tự nuôi sống bản thân, do đó, trong mấy ngày học vừa qua, em luôn chăm chỉ, cố gắng thực hành thuần thục từng động tác mà giáo viên hướng dẫn.

Được học nghề không chỉ học sinh vui mừng mà phụ huynh cũng hết sức phấn khởi. Chị Trần Thị Hồng Quyên, ở ấp Tư Sáng, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh (phụ huynh em Phan Thu Hương), cho biết: “Thấy con được học nghề tôi mừng lắm, nếu không có lớp nghề này thì sau khi ra trường, con Hương sẽ tiếp tục ở nhà với chúng tôi. Với trình độ chỉ học hết lớp 5, cộng thêm khiếm khuyết trên cơ thể thì khó lòng mà tìm được việc làm, nhất là trong thời buổi hiện nay”.

Do hầu hết các em học sinh tham gia lớp học nghề là khiếm thính, không thể nghe, nói được, nên để đảm bảo việc dạy nghề đạt hiệu quả, thầy cô của trường đã phối hợp với giáo viên dạy nghề cùng đến lớp để chỉ dẫn các em. Cô Lê Thị Ngọc Hân, giáo viên lớp khiếm thính, chia sẻ: “Bị khuyết tật các em phải chịu nhiều thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa, do đó, dù là trong thời gian nghỉ hè nhưng chúng tôi vẫn đến trường để trợ giúp cho lớp học nghề, mong muốn các em có được tay nghề vững chắc, để tự tin bước vào đời”.  

Quả thật, muốn làm tốt công tác dạy nghề cho học sinh khuyết tật thì người giáo viên cần phải có tình yêu thương, đặc biệt tính kiên nhẫn được đặt lên hàng đầu. Cô Nguyễn Thanh Xuân, giáo viên dạy nghề Trung tâm Dạy nghề huyện Châu Thành A, cho biết: “Với những học viên ở đây, chúng tôi phải hướng dẫn từ từ, “cầm tay chỉ việc” cho các em. Dẫu công việc có vất vả hơn so với những lớp nghề khác, nhưng thấy các em ham học, yêu mến nghề nên chúng tôi cảm thấy phấn khởi lắm”.

Dạy nghề cho học sinh khuyết tật là vô cùng cần thiết và có nhiều ý nghĩa. Hiện nay, Công ty Cổ phần May Nhà Bè - Hậu Giang là đơn vị sẽ thu mua sản phẩm của các em. Tuy nhiên, để tạo việc làm lâu dài cho các em và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm cần phải có những chính sách ưu tiên cũng như quan tâm của các cấp, các ngành, tổ chức…

Thầy Trần Văn Thiên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Học sinh ở trường chủ yếu là khiếm thính, khiếm thị. Tuy nhiên, nhà trường chỉ dạy đến lớp 5 vì vậy sau khi ra trường hầu hết các em đều quay về nhà trong sự đùm bọc của gia đình, chưa có khả năng tìm kiếm việc làm, tự nuôi sống bản thân. Vì vậy, khi các ngành, các cấp tạo điều kiện mở lớp dạy nghề may công nghiệp cho học sinh khuyết tật tại trường, không chỉ học sinh mà giáo viên chúng tôi ai cũng lấy làm phấn khởi, vì từ nay cuộc đời các em sẽ bước sang trang mới, có điều kiện vươn lên hòa nhập cộng đồng”.

Được biết, đây là lớp dạy nghề may công nghiệp cho đối tượng khuyết tật đầu tiên của tỉnh. Theo đó, có 18 học viên tham gia, được chia thành 2 lớp. Trong đó, học sinh lớp 5 có 15 em, còn lại là lớp 2, 3, 4.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>