Tỉ mỉ nghề may màn

12/10/2016 | 08:03 GMT+7

Cũng là nghề may, nhưng may màn cửa đòi hỏi kỹ năng, kỹ thuật rất riêng và khác biệt so với may vá thông thường. Cũng chính vì điều này, hiện nay nghề may màn không phải ai cũng theo được.

Cơ sở may màn Thanh Bình khá có tiếng ở thành phố Vị Thanh.

Dù không nằm ngay ở mặt đường lớn như các cửa hàng buôn bán khác nhưng cửa hàng may màn Thanh Bình, trên đường Trần Quốc Toản, phường I, thành phố Vị Thanh, ngày nào cũng đông khách hàng ra vào, những người làm tại đây lúc nào cũng tất bật cho công việc của mình, để kịp hoàn thành đơn đặt hàng cho các ngôi nhà mới xây. Từ những cây vải đủ hoa văn, màu sắc, qua chiếc máy may, máy vắt sổ cùng bàn tay khéo léo của các chị may màn, từng tấm màn cửa rực rỡ đã được ra đời. Hơn 19 năm gắn bó với nghề may màn, bà Cao Kim Sánh, chủ cửa hàng may màn Thanh Bình, chia sẻ: “Trước đây, màn chủ yếu được may bằng vải thun nên giá cả cũng rẻ. Hồi đó, chủ yếu tôi chỉ may nhỏ lẻ chứ ít có đơn đặt hàng lớn lắm. Còn giờ, màn cửa rất phổ biến nên lúc nào cũng có đơn đặt hàng chứ không phân biệt theo mùa nào hết. May màn cửa này khác so với may quần áo ở chỗ đường may rất dài vì kích thước của mỗi tấm màn thường luôn rộng và lớn. Khi may màn, đòi hỏi phải chú trọng rất nhiều đến những chi tiết như họa tiết, hoa văn trên thân màn. Do đó, người thợ may phải hết sức khéo léo lựa chọn từng kiểu may, đường kim mũi chỉ thích hợp với từng mặt vải, có vậy bộ màn mới đẹp. Đặc biệt, may màn này, phải luôn hướng đến sự tổng thể, đa dạng, hoàn chỉnh của cả một ngôi nhà”.

Màn cửa một phần không thể thiếu trong mỗi ngôi nhà, từ những thiết kế cổ điển đến hiện đại, màn cửa vẫn là điểm nhấn giúp ngôi nhà thêm mềm mại và sang trọng. Chị Nguyễn Thị Thu Ngọc, chủ tiệm màn Dủ Hưng, ở đường Phó Đức Chính, phường I, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Một chiếc màn cửa có thể đa dạng về sắc màu, do đó việc lựa chọn màu chỉ may sao cho phù hợp với từng loại vải là rất quan trọng. Nếu may chỉ không đúng với sắc vải sẽ tạo nên sự thô kệch cho tấm màn. Đường may phải thẳng, không bị nhăn, không bị co rúm dù là chi tiết nhỏ nhất, may màn luôn đòi hỏi người thợ luôn phải tỉ mỉ. Bên cạnh đó, để may được một chiếc màn đẹp ngoài những kỹ thuật cần có về may vá, người thợ may cũng phải có sự sáng tạo, biết tính toán may chi tiết nào trước, chi tiết nào sau, sao cho thật hợp lý. Gia đình tôi theo nghề may màn này cũng được 15 năm rồi nên khách quen nhiều lắm”.

Trước đây, màn cửa được may với chất liệu chủ yếu là thun và xốp, các kiểu may thường khá đơn giản. Chất liệu vải thường là nguồn hàng trong nước nên giá cả khá rẻ chỉ từ khoảng 140.000 đồng/m2 tùy loại. Còn hiện nay, các loại màn với chất liệu như gấm, nhung, vải bố, vải chống nắng… Bên cạnh đó, các loại màn cửa buồng từ chuỗi, hạt châu, pha lê… với mức giá dao động từ 700.000 đồng/m2 trở lên, thậm chí có loại tiền triệu đang được rất nhiều người sử dụng. Nếu những năm trước, màn vốn thịnh hành loại nhôm kéo có thời gian sử dụng khoảng 10 năm, thì giờ loại màn gỗ đang chiếm ưu thế hơn, vì nếu lựa chọn gỗ và vải tốt có thể sử dụng được rất lâu. Theo đó, màn cửa ngày nay, ngoài để trang trí trong gia đình, tại các cơ quan, màn còn được dùng để trang trí tại các nhà hàng, khách sạn hay những quán cafe… Do mỗi ngôi nhà sẽ có kết cấu khác nhau nên mỗi bộ màn từ khâu đo tỷ lệ các khung cửa đến cắt vải, ráp và hoàn thành sản phẩm là cả một quá trình công phu.

Chị Nhan Hồng Diễm, chủ cửa hàng màn cửa Thùy Linh, thành phố Vị Thanh, nói: “Khách may màn giờ không thích cầu kỳ nên các mẫu đơn giản với màu xám, trắng kem luôn được nhiều khách lựa chọn. Thường các loại vải nhập sẽ mắc hơn các mẫu vải trong nước. Theo đó, vải gấm, bố, bố dệt kim, vải chống nắng… với thiết kế trang nhã đang bán rất chạy trên thị trường. Đối với nhà ở bình thường, khách sẽ chọn các loại vải chống nắng làm màn cửa, còn nhà dùng màn cửa với mục đích để trang trí sẽ chủ yếu sử dụng vải voan. Xu hướng hiện nay, các gia đình ở nông thôn thường sử dụng loại màn cửa vải bông hoa nhiều hơn, còn ở thành thị chủ yếu sử dụng màn vải màu lồng một ít hoa văn là chính. Thường một bộ màn khách đặt sẽ có hàng trong vòng từ 7-10 ngày. Khi màn may xong, chúng tôi sẽ đến tận nhà lắp ráp và điều chỉnh màn treo sao cho phù hợp với nhu cầu của khách. Theo đó, thị trường màn cửa từ tháng 10 đến tháng 2 qua tết vẫn bán rất được”…

Nghề may màn bây giờ giống như sản xuất khép kín theo chu trình công nghiệp. Khách hàng chỉ đến đặt hàng, sau một thời gian sẽ có thợ đến tận nhà treo màn. Có cơ sở may màn tạo công ăn việc làm cho cả chục người dân. Bởi vậy, so với những nghề khác, may màn không quá thông dụng, ngoài tay nghề cao, đòi hỏi vốn liếng cũng không nhỏ…

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>