Nước sạch cho vùng nhiễm mặn

14/03/2018 | 07:37 GMT+7

Thời điểm này, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã tiến hành nâng cấp, sửa chữa các trạm cấp nước để đảm bảo cung ứng cho người dân, nhất là ở những vùng bị xâm nhập mặn.

Chắc hẳn không ai quên thời điểm nước mặn xâm nhập năm 2016 và Hậu Giang là địa phương bị bất ngờ nhất. Bởi nhiều huyện trước đây chưa từng có mặn mà năm ấy lại bị thiệt hại không nhỏ. Các xã của huyện Phụng Hiệp như Phương Phú, thị trấn Búng Tàu, hàng chục năm qua chưa có mặn cũng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi độ mặn rất cao. Nước mặn không chỉ gây thiệt hại đến diện tích lúa, hoa màu, cây ăn trái mà còn tác động trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của người dân trong khu vực.

Trạm cấp nước tập trung xã Phương Phú đang tiến hành nâng cấp.

Bà Nguyễn Thị Kim Cương, ở ấp Phương Bình, xã Phương Phú, nhớ lại: “Lúc đó, nước mặn với nồng độ khá cao. Hồi đó đến giờ, ở đây không có mặn nên không ai chuẩn bị, nước giếng cũng khoan thử nhưng xài không được nên hầu hết các hộ dân chỉ xài nước của trạm. Cũng may, lúc đó nhà tôi có bể chứa thêm nên không đến nỗi. Còn mấy hộ khác thì phải sống chung với nước mặn vì trạm cấp nước phải lấy từ nguồn nước mặt”.

Nhận thấy những khó khăn trên, trong năm 2017, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã tiến hành khoan 2 giếng ở trạm cấp nước tập trung xã Phương Phú với công suất 100m3/h để ứng phó nếu tình hình xâm nhập mặn xảy ra tương tự. Chưa dừng lại ở đó, chuẩn bị cho mùa khô năm nay cũng như ứng phó với tình hình xâm nhập mặn, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã tiếp tục nâng cấp Trạm cấp nước tập trung xã Phương Phú từ 25m3/h lên 50m3/h, với đường ống mới thêm 17km, nâng số hộ sử dụng từ 560 hộ lên 1.500 hộ. Song song đó, trạm cũng sẽ xây dựng thêm bể chứa để đảm bảo cung cấp nước ổn định cho các hộ dân ngay khi xảy ra sự cố. Theo dự kiến, trạm sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 4. Sau khi trạm hoàn thành sẽ cung cấp không chỉ trên địa bàn xã Phương Phú mà còn sang các vùng lân cận chưa được cung cấp nước.

Theo dự báo của ngành chức năng, năm nay độ mặn có thể tăng cao hơn so với mọi năm, diễn biến của xâm nhập mặn sẽ diễn ra hết sức phức tạp, có thể đi ngược với quy luật. Trước tình hình này, với sự chủ động ngay từ ban đầu, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã tiến hành đầu tư nâng cấp, sửa chữa các trạm cấp nước vừa mở rộng mạng lưới cấp nước, nâng cao chất lượng nước sạch vừa nâng cao số hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh ở vùng nông thôn lên đến 95% theo Nghị quyết của Tỉnh ủy đã đề ra.

Điển hình như Trạm cấp nước tập trung xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ có công suất thiết kế 25m3/h cung cấp cho 650 hộ sử dụng. Thế nhưng, do đầu tư đã lâu, trong khi nhu cầu sử dụng nước của người dân rất lớn nên trung tâm đã nâng cấp trạm lên 80m3/h có thể đáp ứng cho hơn 1.000 hộ sử dụng, với tổng chiều dài tuyến ống lên đến 31km nối liền xã Tân Phú, Long Phú. Chưa dừng lại ở đó, trạm còn khoan giếng với công suất thiết kế 100m3/h để phòng trường hợp xảy ra sự cố.

Mới lắp đồng hồ nước chưa được 1 tháng nay, ông Trần Văn Tiền, ở ấp 7, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, bộc bạch: “Từ hồi vô nước tới giờ, gia đình xài rất an tâm, nước trong veo, không có mùi hôi giống như cây nước hồi trước. Giờ đây, gia đình tôi đều sử dụng nguồn nước này trong sinh hoạt hàng ngày”.

Chỉ nguồn nước dưới sông, ông Tiền lo lắng: “Bây giờ cái gì cũng quăng xuống dưới, hỏi sao mà sạch được nên từ trước đến nay gia đình tôi không dám xài mà chỉ sử dụng nước giếng khoan. Nhưng chất lượng nước giếng ở đây luôn bị phèn và nhiễm mặn. Bây giờ có nước máy kéo ngang gia đình không cần suy nghĩ mà lắp đặt ngay”.

Ông Nguyễn Văn Lòng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, cho biết: Thời gian qua, trung tâm đã đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hàng loạt các công trình cấp nước để cung cấp cho các hộ dân. Hiện tại đang rơi vào đầu mùa khô nên công tác chuẩn bị cũng hết sức khẩn trương. Đối với các trạm cấp nước sử dụng nước mặt (vùng ảnh hưởng mặn), trung tâm đã có giếng khoan dự phòng. Đồng thời, tập trung cho công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên để đảm bảo tính ổn định của các công trình cấp nước. Đối với các trạm chưa thực hiện khoan giếng, sẽ thông báo các quản lý trạm canh theo con nước rồi tiến hành bơm ngay để đảm bảo cho người dân có nước sử dụng khi xâm nhập mặn xảy ra. Mặc dù thế, người dân cũng cần trữ nước sẵn để sử dụng khi có hạn hán kéo dài hay có mặn xâm nhập. Đặc biệt, khi phát hiện đường ống cấp nước gặp sự cố, cần thông báo đến trạm cấp nước hay trung tâm được biết để sửa chữa kịp thời, tránh lãng phí nước trong điều kiện hạn hán, nguồn nước đang thiếu hụt.              

Theo ông Lòng, trong thời gian tới trung tâm sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng mới, nâng cấp và mở rộng các trạm cấp nước từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để phục vụ nước sạch cho người dân. Phối hợp với chính quyền vận động người dân cùng tham gia mở rộng thêm tuyến ống bằng nguồn vốn tự có của trung tâm với hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm để tăng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch. Kêu gọi đầu tư từ các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn theo hình thức xã hội hóa cấp nước. Bên cạnh đó, cũng khuyến cáo các hộ dân nông thôn sống không tập trung tự đầu tư mô hình cấp nước quy mô hộ gia đình để có nước sạch sử dụng.

Bài, ảnh: THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>