Tất bật ứng phó với bão

25/12/2017 | 10:33 GMT+7

Thực hiện theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, những ngày qua, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh và các địa phương trong tỉnh đã tích cực thực hiện nhiều công việc ứng phó với bão số 16 (Tembin) trên tinh thần đảm bảo tính mạng con người là trên hết.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, từ đêm ngày 25 đến 26-12, bão số 16 sẽ đổ bộ vào địa bàn tỉnh với đường đi tâm bão từ tỉnh Sóc Trăng đến thị xã Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp, huyện Long Mỹ, huyện Vị Thủy và thành phố Vị Thanh. Các địa phương có vùng tâm bão đi qua sẽ xuất hiện mưa lớn kèm theo gió cấp 9-10, giật cấp 13, phạm vi bán kính ảnh hưởng của bão từ 80-100km. Như vậy, ngoài tâm bão đi qua thì các địa phương khác trong tỉnh cũng đều bị ảnh hưởng bão. Xác định bão có sức gió mạnh từ cấp 9-10 sẽ làm đổ ngã cây, nhà cửa, cột điện… nên rất nguy hiểm đến tính mạng con người. Do đó, công tác phòng, chống đang diễn ra quyết liệt tại các địa phương.

Lãnh đạo xã Hỏa Tiến đến nhiều doanh nghiệp để trưng dụng phương tiện hỗ trợ công tác ứng phó với bão.

Chủ động từ địa phương

Ghi nhận tại huyện Phụng Hiệp trong những ngày qua cho thấy, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã phối hợp tích cực cùng chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình bão, cũng như cấp độ rủi ro khi bão đi qua để người dân biết mà có biện pháp chủ động phòng tránh. Đồng thời, phân công lực lượng giúp dân chằng chống nhà cửa, tổ chức kiểm ra, rà soát hệ thống đê bao vùng mía, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản… để hướng dẫn bà con khắc phục những đoạn có nguy cơ nước tràn vào do mưa lớn nhằm tránh thiệt hại. Đặt biệt, địa phương đã tổ chức rà soát những đối tượng cần phải di dời ra khỏi vùng tâm bão đến nơi trú ẩn an toàn nhằm đảm bảo tính mạng con người.

Ông Nguyễn Thế Tự, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, thông tin: Qua rà soát, toàn huyện có 1.224 hộ dân cần di dời ra ngoài vùng tâm bão, đa phần các hộ này đều sống trên kênh, rạch nội đồng. Hiện chính quyền các xã tích cực vận động bà con di dời nhằm đảm bảo tính mạng khi có bão vào. Ngoài công tác di dời, địa phương còn phối hợp cùng người dân phát quang cây xanh tại nhiều tuyến đường, xung quanh nhà nhằm hạn chế tình trạng cây đổ ngã do gió mạnh đe dọa đến tính mạng con người. Bên cạnh đó, địa phương cũng phân công cán bộ trực bão 24/24 giờ để theo dõi sát sao diễn biến của bão và báo cáo về tình hình thực tế tại địa phương đến cấp trên khi có bão đổ bộ vào để nhận được sự chỉ đạo kịp thời với mọi tình huống xảy ra.

Còn huyện Long Mỹ là một trong 4 địa phương được dự báo sẽ chịu tác động khi cơn bão số 16 đi qua. Nhất là 4 xã Lương Tâm, Lương Nghĩa, Vĩnh Viễn và Vĩnh Viễn A có khả năng bị ảnh hưởng trực tiếp. Vào sáng ngày 24-12, số nhà bán kiên cố ở các địa phương này được huyện chỉ đạo khẩn trương thống kê lại để có phương án bố trí, di dời, chằng chống nhà cửa phù hợp. Huyện chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, bố trí chỗ nơi, phương tiện di dời dân sẵn sàng ứng phó. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Long Mỹ đã tổ chức họp khẩn cấp vào 9 giờ 30 phút sáng qua. Trên cơ sở đó, nắm lại các trụ ở xã, trạm y tế, nhà dân, trường học kiên cố để đảm bảo phục vụ cho công tác di dời theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh, “bằng mọi giá phải đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân”.

Ông Lê Văn Khởi, Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, cho biết: Qua làm việc, trong 8 đơn vị, chỉ có xã Vĩnh Viễn A là khó khăn nhất với khoảng 1.600 hộ. Chiều ngày 24-12, huyện đã chỉ đạo cho xã nắm lại hết những cơ sở kiên cố để bố trí di dời dân. Ngoài ra, còn chỉ đạo cho Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện nắm lại vấn đề lương thực như mì gói, nước uống sẵn sàng đáp ứng cho người dân trong cơn bão. Về điện lực, phải có biện pháp ngắt điện khi có tình huống cấp bách. Về y tế, chuẩn bị lực lượng và cơ số thuốc để sơ cấp cứu cho người dân. Lực lượng công an, quân đội giúp dân bảo vệ tài sản và di dời.

Đối với xã Vĩnh Viễn A, sáng ngày 25-12, Chủ tịch UBND huyện đã trực tiếp xuống địa phương rà soát, nắm tình hình để có chỉ đạo trực tiếp, cũng như bố trí lực lượng, phương tiện di dời dân đến nơi kiên cố, an toàn. Theo rà soát từ UBND xã Vĩnh Viễn A, trên địa bàn hiện có 3 trường kiên cố, số lượng nhà dân bán kiên cố khá đông. Xã đã phân công từng cán bộ bám sát địa bàn để hỗ trợ giúp dân. Ông Trịnh Bạch Duyên, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn A, cho biết: “Trong kinh nghiệm phòng chống bão rất ít, chủ yếu là qua thông tin từ báo, đài. Xã sẽ cố gắng thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Tuy nhiên, số lượng nhà bán kiên cố, rất đông nên đã cho nắm lại để khi có phát lệnh sẽ khẩn trương chuyển bà con đến nơi an toàn, không để xảy ra nguy hiểm đến tính mạng cho người dân.

Ở thị xã Long Mỹ, chính quyền địa phương cũng đã tích cực kiểm tra những nơi dự báo bão đi qua để giúp dân chằng chống nhà cửa, thống kê số hộ dân có nhà ở không kiên cố để có hướng di dời. Đối với xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh cũng lường trước được mức độ nguy hiểm của bão nên đã tập trung cho công tác ứng phó. Ông Lê Hoàng Khiêm, Bí thư Đảng ủy xã Hỏa Tiến, cho biết: Khi nghe thông báo và chỉ đạo của cấp trên, xã đã tập trung lực lượng đi thống kê rà soát lại lượng nhà cửa có nguy cơ bị đổ sập. Qua thống kê có khoảng hơn 500 căn nhà sẽ bị ảnh hưởng, chiếm gần một nửa số nhà ở xã. Ngoài ra, dự báo sẽ có hơn 200 căn trong tình trạng nguy hiểm vì cất dọc tuyến sông Cái Lớn và sông Nước Đục.

Tiếp tục thực hiện theo tinh thần quyết liệt chống bão, UBND xã đã chỉ đạo trưởng ấp của 5/5 ấp báo cáo tình hình, tìm nơi trú ẩn cho người dân. Theo báo cáo rà soát, mỗi ấp đều có ít nhất 3 điểm trú ẩn an toàn. Trong đó, có trụ sở UBND xã, trường mẫu giáo, khu căn cứ Tỉnh ủy, một số nhà dân nóc bằng được cất kiên cố. Ông Nguyễn Văn Công, Trưởng ấp Thạnh Hòa 2, cho biết: “Chúng tôi đã cùng lực lượng công an, quân sự, tự vệ túc trực từ chiều ngày 24-12 đến nay. Ngoài ra, ấp còn trưng dụng được xe chở nước đá của một doanh nghiệp để phụ chở đồ đạt cho người dân đến nơi trú ẩn”.

Còn tại ấp Thạnh Xuân thì có nhiều hộ sống ven tuyến sông Cái Lớn nên cũng rất lo ngại vì ảnh hưởng của bão. Ông Lê Thanh Tòng, Trưởng ấp Thạnh Xuân, cho hay: “Ấp này có hơn 50 hộ sống ven sông Cái Lớn mà toàn là nhà tiền chế nên chúng tôi rất sợ sẽ bị bão cuốn đi vì kết cấu yếu. Vì vậy, chúng tôi đã đến từng nhà thông báo, hiện tại bà con cũng đã chủ động thu gom đá, cát, dây chì để chằng kéo nhà cửa cho chắc chắn”. Nhận được thông báo tình hình bão nên ông Lê Văn Đạt, ở ấp Thạnh Xuân, đã huy động các con trai chằng chống nhà cửa. Chỉ vào căn nhà kê ở mé sống của mình, ông Đạt lo lắng: “Bây giờ, chỉ biết làm hết sức để cột dây chì các góc nhà cho chắc hơn, chứ nhà tôi ở sát mé sông, bão đến là chắc chắn khó giữ được. Hy vọng bão không tới hoặc nhẹ lại để người dân không bị ảnh hưởng”.

Để đảm bảo xử trí các tình huống, Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến Trương Minh Truyền đã chỉ đạo công an, quân sự xã trực 100% lực lượng để kịp ứng phó các tình huống, hỗ trợ lẫn nhau nếu có tình huống xấu xảy ra. Theo đó, những phương án ứng phó đã được đưa ra với tính chủ động cao. Ông Truyền cho hay: “Xã đã chủ động mua áo mưa, đèn pin, xăng dầu để hỗ trợ các ấp thực hiện nhiệm vụ. Trạm y tế phải trực 100% nhân lực để sơ cấp và chuẩn bị cơ số thuốc đảm bảo. Ngoài ra, chúng tôi đã cử lực lượng dân quân tự vệ đi dọn dẹp, hạ đổ những cây lớn có nguy cơ ngã đổ trong bão. Chúng tôi còn trưng dụng nhiều ghe lớn, xe tải lớn của các doanh nghiệp trên địa bàn để sử dụng khi cần thiết. Ngoài ra, sắm thêm 1 loa tay để cho truyền thanh xã đi thông báo tận các ấp, nhất là khu vực xã xôi, nơi mà loa truyền thanh không tới”.

Khẩn cấp ứng phó

Cùng với các địa phương, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã ban hành kế hoạch khẩn cấp về ứng phó với bão cho các địa phương, UBND tỉnh cũng có công văn hỏa tốc gửi đến các sở, ban, ngành tỉnh và huyện, thị xã, thành phố về các nhiệm vụ ứng phó với bão số 16. Bên cạnh đó, trong ngày 24-12 vừa qua, với sự chủ trì của ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh đã có cuộc họp với các ngành liên quan của tỉnh, chính quyền các địa phương để bàn giải pháp ứng phó, hậu cần trước, trong và sau bão, thành lập ban chỉ huy tiền phương tại thị xã Long Mỹ và phân công nhiệm vụ hỗ trợ các địa phương cho từng thành viên của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh cũng họp trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ để nghe dự báo về tình hình bão và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về công tác ứng phó.

Phát biểu tại cuộc họp vào chiều ngày 24-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng chung nhận định với các bộ, ngành liên quan của Trung ương rằng: Đây là cơn bão mạnh, trái quy luật (đổ bộ vào cuối năm), tốc độ di chuyển rất nhanh, khả năng bão đổ bộ vào vùng rất ít xảy ra bão như ĐBSCL. Điều đáng lo ngại là cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm ứng phó với bão của bà con vùng này còn rất hạn chế, tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển nhiều, nhất là tàu thuyền ven bờ và trên sông. Hơn nữa, dân cư vùng cửa sông, ven biển khu vực này đông đúc, trong khi nhiều ngôi nhà chưa thật sự kiên cố để chống chọi với bão có sức gió cấp 9, cấp 10, thậm chí một số nơi còn có tư tưởng chủ quan; đồng thời hoạt động kinh tế vùng này cũng khá lớn, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản, trồng lúa, du lịch sẽ bị thiệt hại nặng nếu không có giải pháp ứng phó hiệu quả.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương nằm trong vùng tâm bão đi qua cần có những động thái tích cực hơn trong việc ứng phó với bão, đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông để người dân biết được cấp độ nguy hiểm của bão mà chủ động phòng tránh. Ngay trong ngày hôm nay (25-12), Thủ tướng cử đoàn công tác của Trung ương do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm trưởng đoàn sẽ vào miền Nam để hỗ trợ và trực tiếp chỉ đạo ứng phó bão cùng với các địa phương.          

Sau khi thủ tướng kết luận tại cuộc họp trực tuyến, Chủ tịnh UBND tỉnh Lữ Văn Hùng đã ký ngay thông báo khẩn về việc yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh thông báo cho học sinh các cấp từ mầm non đến trung học và sinh viên nghỉ học 2 ngày để tránh bão (bắt đầu từ ngày 25-12 đến hết ngày 26-12). Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh cho các bên đò ngang, đò dọc trên địa bàn tỉnh tạm dừng hoạt động từ 11 giờ trưa ngày 25-12 đến khi bão đi qua. Đồng thời, công tác di dời hơn 15.000 hộ dân phải hoàn thành trước 17 giờ chiều ngày 25-12, các địa phương dừng ngay các cuộc họp để tập trung ứng phó bão. Và trong sáng nay (25-12), Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên cùng một số sở, ngành liên quan của tỉnh sẽ trực tiếp đi kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó bão tại một số địa phương trong tỉnh.

Báo Hậu Giang sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về tình hình bão và công tác ứng phó tại các địa phương đến với bạn đọc…

HỮU PHƯỚC - KỲ ANH - TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>