Đưa lao động đi làm việc nước ngoài: Từ khoảng lặng... và quyết tâm tạo sự chuyển biến !

27/08/2023 | 11:45 GMT+7

Xác định đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập người dân, gần 20 năm qua tỉnh luôn xem công tác này như một giải pháp hiệu quả, góp phần giảm nghèo bền vững, hành trình gần 20 năm của công tác này có những khoảng lặng...

Gia đình chị Trân có cuộc sống ổn định nhờ chồng chị đi lao động ở Nhật Bản.

Khi đi còn khó, khi về có dư

Từ ngày anh Phạm Thành Ri (chồng chị Trần Huyền Trân), ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy sang Nhật Bản để lao động, cuộc sống của gia đình chị đã bước sang trang mới. Trò chuyện cùng mọi người, chị Trân cho biết: “Nhờ chồng tôi quyết tâm sang Nhật Bản nên giờ mới có cuộc sống như hôm nay. Nếu lúc đó chần chừ, do dự, chắc gia đình vẫn mãi trong vòng lẩn quẩn túng thiếu”.

Trước đây, anh Ri làm tiếp thị, lương mỗi tháng vài triệu đồng, còn chị làm cán bộ bán chuyên trách tại xã. Tuy có nguồn thu nhập hàng tháng, nhưng cha chị chẳng may bị bệnh hiểm nghèo, hai con chị còn nhỏ, trong khi phải lo tiền thang thuốc cho cha, sữa cho con, tiền gạo, tiền điện, tiền nước… Nguồn thu nhập ấy không đủ xoay sở, cuộc sống túng thiếu trăm bề.

Anh Ri quyết định đi lao động ở nước ngoài, để kiếm tiền hỗ trợ gia đình. Anh chọn Nhật Bản làm nơi nuôi dưỡng ước mơ đổi đời của gia đình. Sau thời gian học ngoại ngữ và thi phỏng vấn các đơn hàng, đến tháng 3-2018 anh Ri xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc. “Ở nước bạn, chồng tôi làm thi công máy móc xây dựng, lương trên 30 triệu đồng mỗi tháng, chưa tính tiền làm thêm. Ảnh chi tiêu tiết kiệm lắm, để gửi về quê cho mẹ con tôi”, chị Trân chia sẻ.

Tiền lương anh Ri gửi về trong năm đầu tiên, chị Trân trả khoản nợ mượn người thân, vay ngân hàng để làm các thủ tục đi lao động ở nước ngoài của anh. Qua năm thứ hai, gia đình bắt đầu gửi tiết kiệm và tu sửa lại căn nhà nhỏ trước đây. Đồng thời, có điều kiện lo cho hai con ăn học đàng hoàng.

Sau 4 năm làm việc nước ngoài, đến tháng 4-2022 anh Ri về nước với số tiền tiết kiệm hàng trăm triệu đồng. Anh dự tính ở lại quê hương để tìm việc làm mới, nhưng phía công ty ở Nhật Bản đã nhiều lần liên hệ, muốn anh trở sang làm việc, vì vậy tháng 2 vừa qua anh tiếp tục trở sang nước bạn lao động. Đây là cơ hội để gia đình nâng cao hơn nữa thu nhập, phát triển kinh tế. Chị Trân bộc bạch: “Tôi không dám nghĩ sẽ có được cuộc sống như bây giờ. Lúc đó, con còn nhỏ, chúng tôi cứ do dự mãi, thấy cuộc sống túng thiếu quá, chồng tôi quyết định phải đi để có cơ hội đổi đời. Ở nước ngoài, ảnh được quản lý, người trong công ty quý mến, đối xử đàng hoàng, làm việc có bảo hộ lao động đầy đủ, tôi ở bên đây cũng yên tâm”. 

Từ những điển hình như anh Ri, cho thấy đi lao động ở nước ngoài mang đến nhiều cái lợi, nhất là chuyện nâng cao thu nhập cho gia đình. Từng huyện, thị, thành phố luôn tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về lợi ích của đi lao động ở nước ngoài. Bà Võ Thị Hết, ở ấp Nhơn Thuận 1A, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, cho biết: “Qua tìm hiểu thông tin, chúng tôi được biết nhiều người sau khi đi lao động ở Nhật Bản có nguồn thu nhập ổn định. Bởi vậy, con gái tôi đã sang nước này để lao động, hy vọng kinh tế gia đình khá giả với người ta”.

Về mặt kinh tế, có thể thấy rõ nhất người lao động đi làm việc ở nước ngoài là giúp tăng thu nhập cho gia đình. Trung bình 3 năm làm việc, người lao động có thể tích lũy được vài trăm triệu đồng. Nhờ đó, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang, đầu tư vào sản xuất kinh doanh, mở của hàng, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Cấp chi phí hỗ trợ ban đầu đến đại diện gia đình có người thân đã xuất cảnh sang nước ngoài lao động trong năm 2023.

Khoảng lặng và quyết tâm tạo sự chuyển biến

Nếu như những năm mới thành lập tỉnh, Malaysia được xác định là thị trường trọng tâm, kết quả trong giai đoạn 2004-2006 toàn tỉnh có trên 1.000 lao động sang Malaysia làm việc. Tuy nhiên, hiệu quả chưa đạt được theo kỳ vọng, ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động trong suốt thời gian gần 10 năm (khoảng năm 2007 đến năm 2016). Trong khoảng thời gian đó, mỗi năm chỉ có khoảng 50 người lao động xuất cảnh sang nước ngoài làm việc, chủ yếu đi theo chương trình của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc đi theo hình thức người thân bảo lãnh.

Khắc phục những khó khăn và để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 44 về việc đẩy mạnh hoạt động đưa lao động Hậu Giang đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn đến năm 2025. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09, Nghị quyết số 23 Quy định chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Theo Nghị quyết số 23, người lao động sẽ được hỗ trợ một phần chi phí ban đầu không hoàn lại với mức từ 7,5-15 triệu đồng và được vay 100% chi phí xuất cảnh.

So với những năm 2018 trở về trước, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Điều đó được minh chứng khi năm 2019 toàn tỉnh có 121 người đi lao động nước ngoài, năm 2020 có 216 người, năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chỉ có 23 lao động xuất cảnh, năm 2022 có 397 người và từ đầu năm đến nay là 500 người.

Ông Nguyễn Ngọc Phước, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, cho biết: “Tỉnh xác định đưa người dân đi lao động ở nước ngoài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, vừa đem ngoại tệ về địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đào tạo nguồn lao động có trình độ kỹ năng tay nghề cao, có ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, biết ngoại ngữ, có sức khỏe… Vì vậy, đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu ý nghĩa chương trình. Nhờ đó, công tác này có những chuyển biến tích cực”.

Để thực hiện tốt công tác này, các cấp, các ngành, địa phương luôn có sự quan tâm và phối hợp với các công ty, doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tư vấn, giới thiệu về việc làm ở ngoài nước; ký kết đưa lao động đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp ở Hàn Quốc. Thực hiện tốt việc cấp chi phí ban đầu và vay vốn cho người đi lao động ở nước ngoài theo Nghị quyết số 23 của HĐND tỉnh. Bà Đoàn Thị Thùy Hương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vị Thủy, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, huyện đã đưa 92 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, vượt 12 người so với chỉ tiêu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giao. Những tháng cuối năm, chúng tôi tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin về thị trường lao động và chính sách hỗ trợ đi lao động nước ngoài của tỉnh. Qua đó, gia tăng số lượng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trong năm nay và tạo nguồn cho những năm tiếp theo”.

Để thực hiện tốt công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, ông Nguyễn Ngọc Phước, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, cho biết: “Những tháng cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, các quy định pháp luật của Nhà nước về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Phối hợp với các địa phương tổ chức các phiên giao dịch việc làm, chú trọng tư vấn những thị trường chất lượng cao, nhằm đem lại nguồn thu nhập cao cho người lao động…”.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, từ khi thành lập tỉnh đến nay, tỉnh đã đưa 2.960 người đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, Nhật Bản có 224 người, Đài Loan 410 người, Hàn Quốc 690 người, Malaysia 1.023 người, còn lại các thị trường khác.

Con số này so với nhiều tỉnh, thành là không cao nhưng so với thực tế tại tỉnh đã là sự cố gắng và những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực từ số lượng người dân tham gia đến chọn những thị trường lao động. Khi trước đó, khoảng năm 2007 đến năm 2016, mỗi năm chỉ có khoảng 50 người lao động xuất cảnh sang nước ngoài làm việc.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>