Hậu Giang phát triển ấn tượng qua nửa nhiệm kỳ

10/07/2023 | 18:41 GMT+7

Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, Hậu Giang đạt nhiều kết quả ấn tượng qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.

Ông Nghiêm Xuân Thành (đứng), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đến thăm và làm việc với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TRƯỜNG SƠN

Giai đoạn phát triển bứt phá nhất trong gần 20 năm thành lập tỉnh

Theo dõi thông tin trên các phương tiện truyền thông, ông Nguyễn Hoàng, cán bộ hưu trí ở khu vực 5, phường IV, thành phố Vị Thanh, vui mừng khi thấy tỉnh nhà đạt được sự phát triển vượt bậc từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Ông Nguyễn Hoàng chia sẻ: “Lĩnh vực kinh tế của tỉnh phát triển rất khởi sắc. Ít ai nghĩ tới một tỉnh nhỏ, thành lập chưa lâu như Hậu Giang mà có tốc độ tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước (6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 14,21% dẫn đầu cả nước - PV). Nhiều chỉ số của tỉnh cũng thăng hạng, đặc biệt là Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 lần đầu tiên tăng 26 bậc lên hạng thứ 12 trong bảng xếp hạng”.

Niềm vui của ông Nguyễn Hoàng cũng là niềm vui chung của cán bộ, đảng viên và người dân trước sự phát triển vượt bậc của tỉnh nhà. Bởi từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kinh tế của tỉnh là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của cả nước, liên tục tăng trưởng cao hơn khu vực và cả nước, đánh dấu sự phát triển bứt phá nhất trong gần 20 năm thành lập tỉnh.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 đạt 3,28%, cao hơn 0,72% so với mức bình quân của cả nước (cả nước tăng trưởng 2,56%); năm 2022 đạt 13,94%, mức cao nhất kể từ khi thành lập tỉnh đứng thứ 4 cả nước, tăng 5,92% so với bình quân cả nước (cả nước tăng trưởng 8,02%); 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế vươn lên đứng đầu cả nước, đạt 14,21%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, thu nội địa tăng bình quân 1.000 tỉ đồng/năm, tăng 20,45%.

Theo ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, với tinh thần “Đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng”, Hậu Giang đã xây dựng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch bài bản và tập trung tuyên truyền tạo sự lan tỏa trong cả hệ thống chính trị, trong cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành Nghị quyết tập trung phát triển 4 trụ cột, đó là công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, du lịch để tập trung thực hiện. Trong đó, nông nghiệp là trụ đỡ và công nghiệp có vai trò nền tảng, dẫn dắt, lan tỏa - là trụ cột chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và gia tăng nguồn thu ngân sách.

Yếu tố để Hậu Giang thành công trong quá trình triển khai thực hiện các mặt công tác là tỉnh luôn chú trọng xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, trong đó có phân công, giao việc, có giao thời gian và có những cơ chế, chính sách về nguồn nhân lực, về kinh phí để hỗ trợ cho từng kế hoạch đã ban hành. Bên cạnh đó, tỉnh còn thành lập Ban chỉ đạo, các tổ giúp việc để triển khai, theo dõi thực hiện các kế hoạch và có sơ kết, đánh giá thường xuyên.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh cho biết: “Đặc biệt là những nội dung mà qua quá trình triển khai thực hiện mà còn vướng mắc thì chúng tôi kịp thời trao đổi trong tập thể Thường trực, thậm chí chúng tôi tổ chức hàng ngày có buổi trao đổi riêng để xử lý những vướng mắc đó giúp đỡ cho các tập thể, cá nhân kịp thời hoàn thành được những nội dung công việc được giao. Chúng tôi cũng ban hành kế hoạch khen thưởng cho thực hiện những nhiệm vụ đột xuất, qua đó tạo được tinh thần phấn khởi trong cán bộ và Nhân dân trong toàn tỉnh”.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

Trong công tác xây dựng Đảng, tỉnh nỗ lực đổi mới phương thức lãnh đạo, nhằm nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, khơi dậy và lan tỏa tinh thần “Đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng” trong toàn Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân.

Nổi bật phải kể đến công tác quán triệt và thực hiện nghị quyết của Đảng. Theo đó, thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã sớm ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền và thực hiện nghị quyết với phương châm “Hình thức tập trung, nội dung thiết thực, hành động quyết liệt, hiệu quả thực chất”.

Các hội nghị quán triệt được tổ chức nghiêm túc, bài bản, kịp thời, sáng tạo, tổ chức truyền hình trực tiếp trên sóng phát thanh - truyền hình, ghi hình phát lại (chiếu video), kết hợp linh hoạt giữa trực tiếp và trực tuyến, quy mô rộng, thời gian đồng thời; người đứng đầu cấp ủy đảng trực tiếp quán triệt, triển khai nghị quyết; điểm mới trong học tập, quán triệt nghị quyết là tổ chức thảo luận kỹ tại các tổ, góp ý các dự thảo văn bản, nghị quyết trình hội nghị nhằm phát huy dân chủ, trí tuệ trong toàn Đảng bộ.

Tỉnh còn tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, cuộc thi, hội nghị chuyên đề, phát động các phong trào hành động cách mạng, thi đua yêu nước để quán triệt, tuyên truyền đưa nghị quyết vào cuộc sống. Sau học tập, quán triệt, các cấp ủy, cán bộ, đảng viên đã nhận thức đầy đủ, nắm vững nghị quyết, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa triển khai thực hiện, tạo sự đồng thuận trong Đảng bộ và Nhân dân.

Việc lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ cũng có nhiều đổi mới, tạo sự chuyển biến về chất. Ông Nguyễn Thiện Nhơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho biết, tỉnh đã chủ động ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách, hệ thống các văn bản, thống nhất triển khai thực hiện, trong đó nhiều văn bản mang tính định hướng lớn và đột phá về mặt cơ chế như: Nghị quyết phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp; Đề án nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ chủ chốt cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025...

Đáng chú ý là các khâu trong công tác cán bộ như: tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đã có nhiều đổi mới, thực chất, đảm bảo tính khách quan, chặt chẽ, liên thông, bước đầu mang lại hiệu quả tốt. Cụ thể, đối với công tác quy hoạch, tỉnh đã ban hành các căn cứ, nguyên tắc lựa chọn cán bộ để đưa vào quy hoạch, mục tiêu lựa chọn cán bộ đúng quy định, đúng người, đúng việc. Công tác đánh giá cán bộ, tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá làm cơ sở việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị đi vào thực chất, khắc phục khâu yếu trong công tác cán bộ.

Trong công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra nguyên tắc để lựa chọn cán bộ đưa đi đào tạo, không tràn lan, đào tạo phải gắn quy hoạch. Trong công tác bổ nhiệm, bổ sung bước 2 trong quy trình 5 bước về bổ nhiệm cán bộ là cán bộ phải bảo vệ chương trình hành động tại hội nghị cán bộ chủ chốt bước 2, trước khi ghi phiếu giới thiệu bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ.

Cầu vượt Mương Lộ tiếp giáp giữa thành phố Vị Thanh và huyện Vị Thủy - một trong những điểm nhấn của sự phát triển không ngừng của Vị Thanh - Hậu Giang. Ảnh: TRUNG QUÂN

Kiên định thực hiện các cơ chế, chính sách của tỉnh

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho rằng từ năm 2021 đến những tháng đầu năm 2023 là giai đoạn phát triển bứt phá nhất trong 20 năm thành lập tỉnh, đây có thể coi là kỳ tích. Tăng trưởng kinh tế liên tục cao hơn khu vực và cả nước. Từ đó, khẳng định Hậu Giang đã thoát khỏi nguy cơ tụt hậu so với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước. Tỉnh đang hiện thực hóa việc vươn lên trở thành tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL.

Theo ông Nghiêm Xuân Thành, tỉnh phát triển như vậy là nhờ có được “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”; tỉnh rất nỗ lực, quyết tâm, đúng với tinh thần “Đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng”.

“Lãnh đạo tỉnh là một tập thể đoàn kết, thống nhất, có quyết tâm cao, có nỗ lực lớn, chung khát vọng để xây dựng Hậu Giang phát triển nhanh và bền vững. Rất ít tỉnh có cà phê Thường trực, đó là vào lúc đầu giờ chưa đến giờ làm việc thì các cơ quan thường trực của tỉnh sáng nào cũng ngồi với nhau uống cà phê với Thường trực để trao đổi các công việc cần giải quyết. Công việc liên quan đến sở, ngành nào thì lãnh đạo sở, ngành đó sẽ ngồi uống cà phê với Thường trực để trao đổi thực hiện”, Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ.

Có thể nói, với tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay thì Hậu Giang sẽ sớm trở thành tỉnh khá trong khu vực và cả nước. Đáng chú ý là từ đây đến năm 2025, tỉnh thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng 8-10%; sau năm 2025 tăng trưởng 10-12%; đến năm 2027 sẽ cân đối thu, chi ngân sách…

Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra từ đây đến cuối nhiệm kỳ, tỉnh sẽ bám sát và kiên định thực hiện các cơ chế, chính sách rất đồng bộ của tỉnh, nhất là Nghị quyết 4 trụ cột và sắp tới đây khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xong Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thì toàn tỉnh sẽ cụ thể hóa chương trình, phân công giao nhiệm vụ rất cụ thể để triển khai thực hiện quy hoạch. Bên cạnh đó, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thu hút các nhà đầu tư; tiếp tục cải cách hành chính, thường xuyên làm việc, tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp; chú trọng thực hiện an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân. Tỉnh đồng hành, cam kết mạnh mẽ cho sự phát triển của doanh nghiệp…

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong số 18 chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra, tỉnh thực hiện đạt và vượt 5 chỉ tiêu (trong đó có 4 chỉ tiêu vượt); 4 chỉ tiêu đạt trên 80%; 8 chỉ tiêu đạt trên 50% và 1 chỉ tiêu đạt dưới 50%.

 

TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>