Sản xuất nông nghiệp thời biến đổi khí hậu

04/06/2018 | 08:46 GMT+7

Hậu Giang là vùng trũng của ĐBSCL, những năm gần đây luôn chịu tác động của biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng hạn hán, nước mặn xâm nhập ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân, làm chậm quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tiềm năng kinh tế của Hậu Giang khá đa dạng, trong đó nông nghiệp được xem là thế mạnh và giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh, tham gia với cả nước về an ninh lương thực và xuất khẩu. Ngoài cây lúa, tỉnh còn có nhiều mặt hàng nông sản chủ lực khác như mía, trái cây, thủy sản. Hiện nay, tỉnh đang đẩy nhanh tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là mạng lưới giao thông thủy bộ, các công trình văn hóa - xã hội, nhằm tạo điều kiện hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Thời gian qua, Hậu Giang rất quan tâm đến phát triển vùng lúa chất lượng cao của tỉnh.

Xây dựng vùng sản xuất trọng điểm

 Với mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa nông sản trên thị trường, tỉnh Hậu Giang đã xây dựng 10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực và tập trung phát triển bền vững theo chuỗi liên kết sản xuất 4 nhà. Ngoài ra, tỉnh đã thông qua đề án Chương trình phát triển nông sản chủ lực giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020 nhằm xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung nông sản theo hướng thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng; phát triển thương hiệu, tạo kênh tiêu thụ để nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng hiệu quả sản xuất, tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập và góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn. Theo đó, cây lúa giữ ổn định diện tích khoảng 78.000ha, trong đó có 32.000ha lúa chất lượng cao, với diện tích gieo trồng 200.000 ha/năm, tổng sản lượng đạt 1,2 triệu tấn/năm. Cây mía ổn định diện tích từ 10.000-12.000ha, năng suất bình quân 90-95 tấn/ha, tổng sản lượng từ 1,1-1,2 triệu tấn/năm. Nhóm cây ăn trái 14.500ha gồm bưởi Năm Roi diện tích 2.000-2.500ha; cam sành 6.000-8.000ha; chanh không hạt 2.000ha; quýt đường Long Trị 1.000ha; khóm Cầu Đúc 2.000-2.500ha; cây xoài 3.000ha.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, cho biết bên cạnh phát triển nông sản chủ lực là hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung có sản lượng lớn, ổn định thì gắn kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị và theo quy trình sản xuất tiến bộ cũng được hoàn thiện dần. Trong đó, có 80% số nông dân được đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp. Có từ 10-15% diện tích cây ăn trái sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; nhiều diện tích sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm; tỷ lệ dùng lúa giống cấp xác nhận hoặc tương đương hơn 80%. Đối với nhóm cây có múi, mía, hoa màu, khóm sử dụng từ 90-100% giống sạch bệnh, có năng suất, chất lượng cao; bảo đảm hơn 80% giống phục vụ nuôi trồng thủy sản là giống sạch bệnh. Đồng thời, xây dựng hoàn thành 10 nhãn hiệu nông sản, trong đó có 3-5 loại nông sản là bưởi, cam sành, khóm, cá thát lát, cá rô đồng thực hiện đạt tiêu chuẩn GAP, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, Chương trình phát triển nông sản chủ lực giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020 đã hoàn thành các bước khởi đầu và chính thức đi vào sản xuất từ đầu năm 2014. Để chương trình đạt hiệu quả cao và bền vững, trong đó tỉnh chú trọng giải pháp xây dựng và đổi mới quy trình sản xuất như giống, kỹ thuật canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến, đồng thời tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là cần thiết để góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Cải thiện sinh kế cho người dân

Tỉnh Hậu Giang đã và đang chịu tác động của biến đổi khí hậu, khi xảy ra tình trạng hạn hán, nước mặn theo sông Cái Lớn qua khỏi địa bàn tỉnh Kiên Giang đã xâm nhập đến huyện Long Mỹ, huyện Vị Thủy và thành phố Vị Thanh làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân. Do vậy, khi xảy ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn thì tình hình lưu mặn rất lâu trong các vùng trũng tại xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, đã gây trở ngại lớn trong canh tác nông nghiệp.

PGS.TS Bùi Thị Nga, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Khảo sát thực tế cho thấy, xâm nhập mặn tại huyện Long Mỹ đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là canh tác lúa vụ Hè thu. Do vậy, chuyển đổi cơ cấu canh tác, sử dụng đất thích hợp được xem là một biện pháp quan trọng nhằm giúp nông dân thích ứng với xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, cơ cấu sản xuất nông nghiệp chưa được thay đổi rõ nét, canh tác vụ lúa Hè thu còn nhiều bấp bênh, dịch bệnh nhiều nên chi phí đầu vào trong canh tác vụ lúa này cao mà nhiều rủi ro do giá thu mua lúa thấp.

Trong nhiều mô hình cải thiện sinh kế nông hộ vùng ảnh hưởng xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang, bên cạnh mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng thích hợp cho vùng đất trũng và phèn nhẹ trên địa bàn huyện Long Mỹ, còn có mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa là hình thức canh tác kết hợp giữa trồng trọt và thủy sản. Phương thức nuôi này không những làm giảm việc cạnh tranh diện tích sản xuất mà còn góp phần tăng thu nhập trên một mảnh đất, nuôi tôm trong ruộng lúa không chỉ không giảm năng suất lúa mà còn có sản phẩm tôm. Gia đình ông Nguyễn Văn Khải, ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ là một trong những hộ thực hiện mô hình thời gian qua đã cho hiệu quả khá cao. Theo ông Khải, nuôi tôm - lúa so với làm 2 vụ lúa nhàn hơn nhiều, bởi nuôi theo hình thức quảng canh không cho ăn thì đỡ công chăm sóc. Với lại, tôm là loại được thị trường ưa chuộng, sau khi thả nuôi 3 tháng là bắt đầu tuyển bán với giá 190.000 đồng/kg, có thu nhập hàng ngày cũng vài trăm ngàn đồng trong suốt 3 tháng.

Qua thực tế mô hình tôm - lúa cho thấy loại hình sản xuất này đã chứng minh được hiệu quả, cho thu nhập gấp 2-3 lần so với độc canh cây lúa. Đặc biệt, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, vùng chuyên canh lúa của tỉnh ngày càng bị mặn xâm nhập nghiêm trọng thì mô hình tôm - lúa mở ra hướng sản xuất bền vững hơn. Kỹ sư Nguyễn Hoàng Tâm, Chi cục Thủy sản Hậu Giang, cho biết: Các hộ trong mô hình đã được tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa với giống chịu phèn, mặn. Ngoài ra, đơn vị còn mở rộng tập huấn cho nhiều nông dân trong khu vực để nhân rộng mô hình. Hy vọng, không chỉ có hộ trong dự án phát triển mà còn giúp người dân trong khu vực tăng thu nhập, cải thiện sinh kế với mô hình sản xuất thích ứng với điều kiện xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu.

Bài, ảnh: HOÀI THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>