Thực hiện thắng lợi “trụ cột phát triển nông nghiệp”

27/12/2023 | 10:21 GMT+7

Với quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 04-NQ/TU của tỉnh, trong đó trên lĩnh vực nông nghiệp huyện Vị Thủy đã nỗ lực đạt nhiều kết quả ấn tượng.

Gia đình anh Khanh chuẩn bị thu hoạch các luống cải ngọt để cung cấp cho người tiêu dùng.

Nhiều kết quả nổi bật

Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo và Kế hoạch số 213/KH-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2021 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND huyện Vị Thủy đã ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2022 về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

Ông Trương Văn Trí, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Thủy, cho biết: Trên cơ sở nghị quyết, kế hoạch của tỉnh, đối với lĩnh vực phát triển nông nghiệp, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi mang hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt là thực hiện các giải pháp theo chỉ đạo của UBND huyện và ngành nông nghiệp tỉnh, từ đó sản xuất nông nghiệp đã đạt được những kết quả phấn khởi, chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng tích cực. Điển hình là giá trị sản xuất theo giá so sánh 2010 (một số ngành chủ yếu) đạt trên 4.169 tỉ đồng, đạt 104,66% kế hoạch, tăng 6,59% so với cùng kỳ, trong đó khu vực I trên 2.378 tỉ đồng, đạt 102,37%.

Cụ thể, đối với cây lúa trong năm 2023, toàn huyện đã gieo sạ được 43.932ha, đạt 102,07% kế hoạch giao, tổng sản lượng thu được 296.742 tấn, đạt 102,24% kế hoạch giao. Trong các vụ, tỷ lệ diện tích sử dụng giống xác nhận chiếm trên 90%, diện tích còn lại nông dân tự sản xuất giống nông hộ, chia sẻ giống trong cộng đồng. Tỷ lệ nhóm các giống lúa chất lượng cao như OM5451, OM18, Đài thơm 8 được gieo trồng ngày càng tăng, đặc biệt trong vụ Hè thu và Thu đông vừa qua chiếm trên 90%. Bên cạnh đó, cơ giới hóa trong sản xuất ngày càng được nâng lên, khâu làm đất đạt 100%, khâu gieo sạ gần 50% và triển khai thực hiện phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái trên 5% diện tích gieo sạ.

Đối với cây hoa màu, tổng sản lượng thu ước được 49.120 tấn, đạt 123,88% kế hoạch giao. Trồng nhiều các loại rau ăn lá, dưa hấu, họ bầu bí và rau, màu các loại khác. Đặc biệt có 11,4ha sản xuất dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đối với cây ăn trái đều đạt về diện tích và sản lượng, với tổng diện tích 2.417ha, đạt 106,49% kế hoạch, tổng sản lượng thu ước đạt 34.187 tấn, đạt 110,15% kế hoạch giao, chủ yếu là cây có múi, cây xoài, cây mít và các loại cây trồng khác. Trong đó, có trên 10ha sản xuất xoài cát hồng đạt chuẩn OCOP.

Huyện cũng chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng dần tỷ trọng; phát triển chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm, bền vững môi trường, an toàn sinh học và dịch bệnh, từng bước giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ. Đối với thủy sản cũng đạt về diện tích thả nuôi và sản lượng.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng cánh đồng lớn và liên kết thu mua được huyện đặc biệt quan tâm, nhằm tạo đầu ra sản phẩm nông nghiệp cho người dân được ổn định và phát triển kinh tế. Ngành nông nghiệp đã tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp với nông dân để trao đổi, liên kết sản xuất trong các vụ lúa trong năm, kết quả toàn huyện liên kết được 8.029ha, giúp 8.271 hộ nông dân ổn định đầu ra.

Tiếp tục chuyển đổi cây trồng hiệu quả

Nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả giúp đời sống người dân thay đổi. Đặc biệt chuyển từ đất lúa sang trồng rau màu, đây là loại cây trồng ngắn ngày mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn huyện. Anh Trần Văn Khanh, ở ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Tường, bộc bạch: “Từ khi chuyển đổi 3.000m2 đất trồng lúa sang trồng rau ăn lá các loại trong nhà lưới đã giúp gia đình tôi mỗi tháng có thu nhập từ 15 triệu đồng, lợi nhuận cao hơn nhiều so với trồng lúa. Qua 4 năm trồng rau màu và lúa, gia đình tôi cất được căn nhà khang trang, đời sống thoải mái hơn trước rất nhiều”.

Ông Hồng Phước Trung, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Tường, cho hay: Việc mạnh dạn chuyển đổi mô hình hiệu quả, cộng với sự hỗ trợ cây, con giống, kỹ thuật, trang thiết bị, vốn vay ngân hàng đã giúp nhiều hội viên nông dân trên địa bàn ấp có thu nhập ổn định, đời sống vật chất, tinh thần tốt hơn. Có được kết quả này không chỉ góp phần cho xã cũng như huyện đạt mục tiêu phát triển lĩnh vực nông nghiệp, mà còn giúp nhiều hộ dân vươn lên khá, giàu.

Ông Trương Văn Trí, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Thủy, cho biết: Sẽ tiếp tục chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả cao hơn hoặc chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Tập trung quy hoạch tổng thể các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực và các nông sản đặc trưng của huyện phù hợp với yếu tố thổ nhưỡng của từng vùng, từng địa phương và nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Phát triển trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản ở 3 tiểu vùng dựa theo quy hoạch phát triển của ngành được phê duyệt giai đoạn 2018-2025, định hướng 2030. Xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến và thị trường; hình thành các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao giá trị gia tăng của nông sản, nhằm tăng thu nhập cho nông dân…

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>