An ninh quân đội bóc gỡ đường dây “cò” bán sách

09/10/2018 | 17:14 GMT+7

Hiện tượng mạo danh, giả danh các cơ quan Trung ương để chèo kéo, lừa dối các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mua sách những năm gần đây có xu hướng gia tăng, kéo dài, gây phiền hà và bức xúc ở nhiều nơi. Tuy nhiên, để phát hiện, xử lý các đối tượng này không đơn giản. Mới đây, một số đối tượng giả danh người của các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng để bán sách và thủ đoạn tinh vi của các đối tượng đã bị phát hiện, bóc gỡ.

Giả danh để bán sách “nghiệp vụ an ninh”

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, đại diện Cục Bảo vệ An ninh Quân đội (ANQĐ), Tổng cục Chính trị cho biết, hiện tượng lừa dối, mạo danh để bán sách xảy ra nhiều năm nay, đối tượng mạo danh nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức, bộ, ngành Trung ương, các doanh nghiệp… Các cơ quan chức năng, như cơ quan quản lý xuất bản, quản lý thị trường, công an từng vào cuộc xác minh, điều tra nhưng chưa bóc gỡ được những đường dây "cò" bán sách tinh vi…

Từ thông tin phản ảnh của một số đơn vị cơ sở, lãnh đạo Cục Bảo vệ ANQĐ chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc. Thông qua nguồn tin từ các đơn vị trình báo, lực lượng ANQĐ tiến hành điều tra, xác minh và phát hiện đối tượng “cò” cho dù thủ đoạn của chúng rất tinh vi. Cụ thể, tháng 8-2018, một số đối tượng thường xuyên gọi điện đến trực ban của Học viện Hải quân và bộ CHQS các tỉnh: Long An, Tây Ninh, Khánh Hòa… xưng danh là Hải, Thắng, Tuấn-người của cơ quan Bộ Quốc phòng và các cục toàn quân để hỏi tên, số điện thoại của các đơn vị trên. Sau đó, đối tượng này gọi điện trực tiếp cho chỉ huy Phòng Chính trị Học viện Hải quân và giới thiệu mình đang công tác tại Tổng cục Chính trị rồi đề nghị đơn vị mua sách “Nghiệp vụ công tác an ninh quân sự năm 2018”.

Để tìm hiểu, làm rõ đường dây, Cục Bảo vệ ANQĐ đã hướng dẫn một số đơn vị mua sách. Tuy nhiên, đối tượng bán sách theo phương thức rất tinh vi. Các đơn vị mua sách đều nhận sách qua bưu kiện được đóng gói gửi từ Bưu điện huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình theo hình thức người nhận sách trả tiền thông qua bưu điện. Một cán bộ quân đội công tác tại đơn vị ở phía Nam cho biết: “Đối tượng "cò" chào mời, giới thiệu sách nghiệp vụ an ninh và chúng tôi đã đặt hàng mua. Song, tài liệu mà chúng tôi nhận hoàn toàn không liên quan đến an ninh mà chỉ là một quyển sách về Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam với giá 350.000 đồng; một cuốn sách khác về Luật Hành chính giá cũng tương tự”.

Ảnh minh họa: TTXVN.

Tại một đơn vị khác thuộc Quân chủng Hải quân, một cán bộ chính trị đã mua hai cuốn sách về Luật Xử lý hành chính và Hướng dẫn tham khảo soạn thảo văn bản với giá tiền là một triệu đồng. Điểm chung của các gói hàng này là người gửi đều có tên Nguyễn Văn Hải, ngoài bì ghi “Sách nghiệp vụ công tác an ninh quân sự năm 2018, sách pháp luật, sách hướng dẫn về chuyên ngành…”.

Thủ đoạn tinh vi bị phát hiện, bóc gỡ

Từ những kiện hàng trên, cơ quan ANQĐ đã điều tra và phát hiện đối tượng không phải quê ở Kim Sơn, Ninh Bình mà từ Thanh Hóa. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng đã tìm ra thủ phạm có tên là Nguyễn Hữu Phi, sinh năm 1991, quê quán và chỗ ở tại: Thôn Nội 2, xã Nga Giáp, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Thủ đoạn của Phi là ký hợp đồng cung ứng dịch vụ bưu chính chuyển phát với bưu điện ở địa phương khác để tránh bị phát hiện. Khi liên hệ chào mời bán sách, Phi sử dụng số điện thoại mang tên người và doanh nghiệp ở địa phương khác. Phi lấy tên người gửi là Nguyễn Văn Hải và tên giao dịch khách hàng của vợ. Vì vậy, khi người mua nhận được sách, dù bị phát hiện sách không đúng như giới thiệu, muốn trả lại sách cũng không được vì không tìm được địa chỉ cần liên lạc.

Làm việc với cơ quan bảo vệ ANQĐ, Phi khai: Do thường xuyên đến nhà Nguyễn Văn Quang, người cùng thôn chơi, biết Quang nhập sách từ TP Hồ Chí Minh về giao cho mọi người bán, Phi nảy sinh ý định bán sách kiếm lời. Đầu năm 2018, Phi lấy sách của Quang với giá từ 85.000 đến 90.000 đồng/cuốn (giá trên bìa sách từ 250.000 đồng trở lên) bán cho một số trường phổ thông và UBND các xã thuộc tỉnh Bắc Kạn... Sau đó, Phi tìm cách tiếp cận các đơn vị quân đội để lừa bán sách trục lợi. Phi tìm số điện thoại dân sự của các đơn vị quân đội trên internet và điện thoại đến trực ban của các đơn vị giới thiệu bán sách. Bị triệu tập, làm việc với cơ quan ANQĐ, Phi thừa nhận, khai báo mọi hành vi sai trái và nhận thức rõ hành vi mao danh cán bộ của các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng. Hiện, cơ quan chức năng thuộc Cục Bảo vệ ANQĐ đang tiếp tục phối hợp xác minh, làm rõ và xử lý.

Qua vụ việc trên, Cục Bảo vệ ANQĐ khuyến cáo các cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan, đơn vị trong quân đội cần nâng cao cảnh giác, không tiếp nhận và xử lý thông tin đề nghị mua sách qua điện thoại, mạng xã hội. Khi gặp vụ việc tương tự hoặc có thông tin liên quan đến đối tượng “cò” bán sách, các cơ quan, đơn vị cần báo ngay với cơ quan chức năng và thủ trưởng đơn vị để kịp thời có biện pháp xử lý.

Theo NGUYỄN MINH - VĂN PHÒNG/qdnd.vn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>