Cần sửa đổi một số quy định về cán bộ, công chức, viên chức

11/06/2018 | 08:45 GMT+7

Đánh giá quá trình thi hành Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, UBND tỉnh kiến nghị bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp hơn.

UBND tỉnh đánh giá, quy định về cán bộ, công chức, viên chức được Hậu Giang thực hiện đúng.

UBND tỉnh đề nghị Bộ Nội vụ sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 27/2003 của Thủ tướng ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễm nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo, vì quy định tuổi bổ nhiệm lần đầu không thống nhất với các văn bản của Đảng, đồng thời cần nêu cụ thể các tiêu chuẩn, điều kiện để được bổ nhiệm.

Địa phương còn đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn xử lý kỷ luật đối với cán bộ nhằm thay thế Nghị định số 35/2005 về việc xử lý cán bộ, công chức.

Trước đó, quá trình áp dụng 2 luật này và các văn bản hướng dẫn thi hành, trên địa bàn tỉnh ghi nhận những hạn chế, bất cập.

Cụ thể, Điều 77 Luật Cán bộ, công chức, chưa khái quát hết được các trường hợp mà cán bộ, công chức được miễn trách nhiệm trong thực hiện công vụ, nhiệm vụ được giao. Cho biết, phải quy định trong luật hành vi phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết để miễn trách nhiệm; và trong văn bản hướng dẫn cần nêu rõ ràng hơn những trường hợp được miễn trách nhiệm.

UBND tỉnh còn nêu ý kiến, Nghị định số 35/2005 của Chính phủ về việc xử lý cán bộ, công chức căn cứ vào Pháp lệnh Cán bộ, công chức, nhưng pháp lệnh này đã được thay thế bằng Luật Cán bộ, công chức, và Chính phủ đã có nghị định hướng dẫn xử lý kỷ luật công chức nhưng xử lý cán bộ thì chưa quy định.

Ngoài ra, việc áp dụng các Nghị định số 29/2012, Nghị định số 24/2010 bị vướng bởi Nghị định số 158/2007 quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 150/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 158.

Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 14 Nghị định số 29 về xét tuyển đặc cách đối với viên chức, thì người có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 3 năm trở lên là đáp ứng được ngay yêu cầu vị trí việc làm cần tuyển dụng. Tuy nhiên, tại Nghị định số 158 (đã được sửa đổi, bổ sung) thì thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là 3 năm (đủ 36 tháng) đối với cán bộ, công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan đến việc quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân. Như vậy, 1 viên chức đã làm 1 công việc đủ 3 năm (đối với các vị trí thuộc danh mục phải chuyển đổi vị trí công tác) không thể có cơ hội để được tham gia xét tuyển đặc cách theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 14 Nghị định số 29 vì đã phải chuyển đổi vị trí công tác khác; và như thế sẽ không đảm bảo yêu cầu về kinh nghiệm trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng.

Tương tự, điểm c, khoản 1 Điều 19 Nghị định số 24 hướng dẫn về trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng: Người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 5 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu vị trí việc làm cần tuyển dụng thì sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển đối với công chức.

Như đã phân tích, trong trường hợp một công chức phải đảm nhận nhiệm vụ thuộc danh mục vị trí phải chuyển đổi vị trí công tác theo định kỳ thì khi chưa đủ thời gian 5 năm đã phải thực hiện việc chuyển đổi sang vị trí công tác mới và như vậy sẽ không thể đảm bảo yêu cầu về thời gian kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác để được xem xét tuyển dụng, tiếp nhận không qua thi tuyển (sau 3 năm đã phải chuyển đổi vị trí công tác và phải thực hiện nhiệm vụ tại vị trí công tác mới).

Việc quy định tại các văn bản trên còn chưa hợp lý, hạn chế trong quá trình áp dụng đối với một số trường hợp cụ thể như làm công tác kế toán, thanh tra; hạn chế quyền lợi thiết thực của các đối tượng được thụ hưởng...

UBND tỉnh kiến nghị, cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan theo hướng mở đối với đối tượng phải thực hiện chuyển đổi vị trí công tác. Giải pháp là nên quy định cộng dồn và bảo lưu thời gian mà trước đây công chức, viên chức đã thực hiện nhiệm vụ tại các vị trí trước khi thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác để làm cơ sở cho việc xem xét tuyển dụng không qua thi tuyển đối với các trường hợp này. Như vậy sẽ đảm bảo quyền lợi và chế độ, sự công bằng trong việc xét tuyển dụng giữa các trường hợp có liên quan.

Luật Cán bộ, công chức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010; Luật Viên chức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012. Từ khi 2 luật trên được ban hành, các cấp, các ngành trong tỉnh đã quán triệt đầy đủ, kịp thời cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành đến cán bộ, công chức, viên chức địa phương. Những quy định liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, đánh giá, nghỉ hưu,... được tỉnh thực hiện đúng.

 

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>