Cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động các cơ quan tố tụng

09/01/2024 | 07:33 GMT+7

Năm 2023, thông qua sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các cơ quan trong khối nội chính tỉnh, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững ổn định, không để phát sinh, hình thành điểm nóng.

Lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh báo cáo tình hình công tác xét xử trong năm 2023.

Theo Ban Nội chính Tỉnh ủy, ngay từ đầu năm, các cơ quan trong khối đã triển khai hiệu quả công tác phối hợp và thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Từ đó, công tác quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định; tình hình an ninh trong dân tộc, tôn giáo, an ninh nông thôn không phát sinh vấn đề phức tạp.

Năm qua, tỉnh đã tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh; các sự kiện quan trọng của tỉnh như Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo - Hậu Giang 2023, Lễ Kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh, đều diễn ra an toàn, thành công. Các cơ quan trong khối cũng đã chủ động phối hợp, làm tốt công tác dự báo, nắm tình hình, không để hình thành các điểm nóng. Từ đó, năm qua, tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án hình sự trong toàn tỉnh đạt trên 86%. Các cơ quan tư pháp đã thụ lý, xét xử các loại án đạt trên 93,6%; phối hợp xác định được 89 vụ án trọng điểm để điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nhanh, phục vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Đại tá Nguyễn Văn Giá, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết, năm 2023, tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh dù có nhiều nỗ lực kiềm chế, song vẫn gia tăng so 2022. Trong đó, một số loại tội phạm có diễn biến phức tạp như trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, tàng trữ trái phép chất ma túy…

Theo đại tá Giá, hiện nay tội phạm trộm cắp tài sản diễn ra với thủ đoạn tinh vi, tuy nhiên, qua công tác điều tra, nhận thấy rằng phần lớn các vụ việc có một phần nguyên nhân xuất phát từ yếu tố người bị hại bất cẩn trong việc bảo vệ tài sản; đối với các vụ án cố ý gây thương tích thường xuất phát từ mâu thuẫn nhất thời, sau khi sử dụng rượu bia,… các vụ việc xảy ra trong thời gian ngắn, bộc phát nên công tác phòng ngừa cũng trở nên khó khăn hơn.

“Về phía Công an tỉnh, thời gian tới sẽ triển khai, thực hiện quyết liệt các giải pháp đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. Từ nay đến dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, chúng tôi ra quân nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trong lĩnh vực giao thông, nhất là xử lý các vi phạm về nồng độ cồn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định”, đại tá Nguyễn Văn Giá nhấn mạnh.

Đối với công tác thi hành án dân sự, theo ông Lê Phước Toàn, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thời gian qua, ngành đã triển khai nhiều giải pháp thi hành án, qua đó trong năm đã hoàn thành 2 chỉ tiêu quan trọng được Bộ Tư pháp giao, tuy nhiên hiện vẫn còn một số vụ việc tồn đọng với số tiền phải thi hành rất lớn, ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn ngành.

“Đơn cử như vụ Võ Thanh Long lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 160 tỉ đồng nhưng có đến trên 800 bị hại, hoặc một số vụ việc tài sản bán đấu giá lớn trên 600 tỉ đồng, nhưng hiện chưa có người mua, gây nhiều khó khăn cho cơ quan thi hành án. Vậy nên, trong năm 2024, ngành sẽ tập trung các giải pháp để có thể thi hành dứt điểm các vụ việc trên, phấn đấu đạt chỉ tiêu về tiền được giao”, ông Toàn cho biết thêm.

Còn trong công tác xét xử, ông Trương Đình Nghệ, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thông tin, trong năm Tòa án nhân dân tỉnh chủ động phối hợp với viện kiểm sát tổ chức 87 phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp để nâng cao chất lượng tranh tụng; cùng với đó, tòa án hai cấp tổ chức được 54 phiên tòa xét xử trực tuyến theo nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, khó khăn của ngành là số lượng thư ký giúp việc của tòa án hai cấp đang còn thiếu so với biên chế được giao, trong khi khối lượng công việc khá lớn, trang thiết bị phục vụ công tác xét xử trực tuyến chưa được trang bị đầy đủ, khiến công tác xét xử gặp khó khăn,…

Ban Nội chính Tỉnh ủy dự báo, năm 2024 tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội sẽ còn tiềm ẩn nhiều phức tạp về các loại tội phạm như ma túy, tội phạm công nghệ cao; tình hình khiếu nại, tố cáo phát sinh trong quá trình triển khai các dự án lớn trên địa bàn tỉnh sẽ gia tăng, tham nhũng vặt trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính có thể xảy ra… Từ đó, đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan trong khối.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành, công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, làm nền tảng, tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, để phát huy hiệu quả, khắc phục những hạn chế hiện nay trong công tác nội chính, thời gian tới, phải mở rộng phạm vi trách nhiệm, đặt công tác nội chính song hành với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trên tinh thần đó, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, trong năm 2024, các cơ quan trong khối nội chính cần phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án, nhất là các vụ án do Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo, đảm bảo đúng tiến độ, thời gian, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chống oan sai, đồng thời không để lọt tội phạm. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tố tụng; quan tâm xây dựng ngành, kiện toàn nhân sự, đào tạo đội ngũ cán bộ các cơ quan khối nội chính có bản lĩnh vững chuyên môn, tâm huyết, nghiêm minh. Riêng các ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan trong khối nội chính hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bài, ảnh: Đ.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>