Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động tố tụng

04/04/2024 | 07:41 GMT+7

Trong những năm qua, hoạt động của các cơ quan tố tụng trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt, các đơn vị đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong tiến trình cải cách tư pháp.

TAND huyện Vị Thủy tổ chức xét xử trực tuyến vụ án hình sự đối với 3 bị cáo.

Tòa án nhân dân (TAND) huyện Vị Thủy vừa đưa ra xét xử vụ án hình sự đối với 3 bị cáo Đỗ Ngọc Vũ (sinh năm 1985), Đào Quang Huy (sinh năm 2005), Lê Văn Ngọ (sinh năm 2002) về tội trốn khỏi nơi giam giữ theo hình thức phiên tòa trực tuyến. Phiên tòa được tiến hành tại điểm cầu Trại tạm giam Công an tỉnh và tòa án huyện, trong không khí nghiêm túc, trật tự; có cán bộ kỹ thuật thường trực để kịp thời xử lý tình huống phát sinh.

Theo đó, các cơ quan tố tụng tiến hành đầy đủ thủ tục của phiên tòa theo quy định; bị cáo và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có mặt đúng giờ, nghe và trả lời rõ các câu hỏi, yêu cầu của Hội đồng xét xử. Tương tự, vào ngày 21-3 vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân (KSND) huyện Vị Thủy đã phối hợp với tòa án cùng cấp tổ chức phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với 1 trường hợp theo hồ sơ đề nghị của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vị Thủy.

Phiên họp lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 2 điểm cầu. Theo TAND tỉnh, thực hiện Nghị quyết số 33 của Quốc hội về phiên tòa trực tuyến, trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, tòa án hai cấp trong tỉnh đã tổ chức thành công trên 80 phiên tòa xét xử theo hình thức trực tuyến, tạo bước đột phá trong cải cách tư pháp của ngành tòa án.

Ông Dương Quốc Tuấn, Phó Chánh án TAND tỉnh, cho biết, đây là nỗ lực lớn của đơn vị trong thực hiện nghị quyết của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Cùng với đó, ngành cũng chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn, khi tích cực triển khai hiệu quả các phần mềm thống kê, phần mềm trợ lý ảo... nhằm thực hiện chiến lược chuyển đổi số, đổi mới thủ tục hành chính tư pháp, bảo đảm công khai, minh bạch hoạt động của TAND hai cấp.

Bên cạnh công tác xét xử, trong hoạt động công tố, thời gian qua, Viện KSND tỉnh cũng tích cực triển khai, thực hiện hiệu quả việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động của ngành. Đến nay, hai cấp kiểm sát đã thực hiện số hóa 100% các vụ án hình sự để phục vụ hoạt động xét hỏi, tranh tụng của kiểm sát viên tại tòa. Ngoài ra, hệ thống truyền hình hội nghị trực tuyến; việc cập nhật thông tin vào phần mềm quản lý và thống kê án hình sự, phần mềm quản lý và thống kê án dân sự, hành chính… cũng được thực hiện nghiêm túc.

Riêng Trang thông tin điện tử Viện KSND tỉnh luôn vận hành tốt, phục vụ hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của ngành kiểm sát. Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện KSND tỉnh, xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ trọng yếu, đột phá trong xây dựng Viện KSND hiện đại, nên lãnh đạo viện đã quán triệt các đơn vị tăng cường khai thác, sử dụng có hiệu quả các phần mềm ứng dụng của ngành. Đồng thời, chủ động phối hợp với ngành tòa án chuẩn bị tốt các điều kiện về trang thiết bị, âm thanh để tổ chức phiên tòa trực tuyến, phiên tòa “số hóa hồ sơ” nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tố tụng.

Còn theo ông Kiều Văn Thọ, Trưởng đoàn Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh, thực tế cho thấy, qua xét xử trực tuyến kết nối giữa các điểm cầu vẫn cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định. Hình thức này cũng giúp tiết kiệm chi phí trích xuất, dẫn giải bị cáo, bảo vệ an ninh trật tự phiên tòa. Quá trình xét xử được ghi âm, ghi hình và lưu giữ lại, tạo điều kiện cho các cơ quan có thẩm quyền giám sát.

Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh đánh giá, mặc dù có những khó khăn nhất định như hạn chế, thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhưng các cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh đã triển khai, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong hoạt động tố tụng. Qua đó, bảo đảm theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tư pháp không chậm trễ, tiết kiệm chi phí xã hội.

Theo ông Dương Quốc Tuấn, Phó Chánh án TAND tỉnh, sự chủ động ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin đã đẩy mạnh hiện đại hóa hoạt động xét xử, hòa chung với công cuộc chuyển đổi số của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>