Đóng góp các dự thảo luật: Nhiều ý kiến thiết thực

12/09/2017 | 05:41 GMT+7

Lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật Thủy sản (sửa đổi) vừa qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận nhiều đóng góp thiết thực của lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm:

- Về tên gọi, tôi đề xuất điều chỉnh tên gọi là Luật Lâm nghiệp thay vì Luật Bảo vệ và phát triển rừng, vì hiện nay chúng ta đang hướng đến phát triển rừng từ khâu trồng đến khai thác, bảo vệ và tiến đến xuất khẩu. Do đó, với tên gọi Luật Lâm nghiệp sẽ có ý nghĩa bao quát và hợp lý hơn.

Tại Điều 9 của dự thảo về những hành vi bị nghiêm cấm, quy định cấm săn bắt, bẫy, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng, theo tôi, nếu luật dùng cụm từ “động vật rừng” thì nên quy định thêm trong các văn bản hướng dẫn bao gồm động vật hoang dã để công tác quản lý và xử lý vi phạm rõ ràng hơn.

Trên thực tế, nhiều trường hợp người dân săn bắt, bán động vật là chim trời nhưng không thể xử phạt, do đây là động vật hoang dã không sinh sống tại các khu vực rừng, trong khi văn bản luật chỉ cho phép xử phạt đối với hành vi săn bắt động vật rừng.

Điều 54 về khai thác lâm sản trong rừng đặc dụng, tôi đề nghị nên cho phép khai thác các loại dược liệu trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Bởi thực tế trong các khu bảo tồn có rất nhiều loại dược liệu quý hiếm với chất lượng cao, nếu khai thác cũng không ảnh hưởng đến các loại cây khác. Do đó, luật nên cho phép khai thác để không gây lãng phí nguồn dược liệu quý.

Tuy nhiên, trong văn bản dưới luật có thể bổ sung thêm các điều kiện chặt chẽ hơn để được vào khai thác nhằm đảm bảo an toàn cho khu vực bảo vệ nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, tôi đề nghị nên quy định thêm một điều khoản về bồi thường nhà nước trong quá trình chữa cháy rừng.

Về quy định tại Điều 106, luật hiện hành không giao nhiệm phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm, còn dự thảo luật sửa đổi quy định lực lượng kiểm lâm là lực lượng chuyên ngành phòng cháy, chữa cháy rừng. Thế nhưng, điều kiện cơ sở vật chất hiện nay đối với lực lượng kiểm lâm không thể đảm bảo như lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp nên tôi khá băn khoăn với quy định này.

Bà Lê Kim Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản:

- Đối với Điều 3 về giải thích từ ngữ đối với dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi), tôi đề nghị cần bổ sung thêm một số cụm từ như “loài thủy sản có giá trị kinh tế”, “loài thủy sản bản địa”, “loài thủy sản đặc hữu” vào nội dung của dự thảo.

Về những hành vi bị cấm trong hoạt động thủy sản quy định tại Điều 7, khoản 7 có quy định cấm sử dụng hóa chất cấm, chất nổ, xung điện, ngư cụ có tính hủy diệt,… Đối với cụm từ “sử dụng hóa chất cấm”, thực tế trong việc khai thác, đánh bắt thủy sản cho thấy, nhiều trường hợp sử dụng các loại hóa chất mặc dù không nằm trong danh mục cấm nhưng các loại hóa chất này lại gây hại rất lớn lên nguồn nước, nguồn lợi thủy sản. Vì thế, tôi đề xuất nên quy định nghiêm cấm sử dụng hóa chất để khai thác thủy sản sẽ hợp lý hơn. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về cấm sử dụng hóa chất là kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản và chế tạo sản xuất các loại ngư cụ cấm trong khai thác thủy sản nhằm hạn chế người dân sử dụng các loại ngư cụ này.

Tại Điều 41 dự thảo quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản, tại điểm c, khoản 1 quy định “được cơ quan chuyên ngành thủy sản thông báo về tình hình môi trường, dịch bệnh vùng nuôi thủy sản”, quy định này liên quan đến ít nhất 2 cơ quan. Nếu dùng cụm từ “cơ quan chuyên ngành thủy sản” thì công tác quản lý chỉ có Chi cục Thủy sản, tuy nhiên, đối với vấn đề dịch bệnh lại thuộc quản lý của cơ quan thú y nên tôi đề xuất sửa đổi thành “cơ quan chuyên ngành thủy sản, thú y” nhằm đảm bảo rõ nghĩa hơn.

Bà Phạm Thanh Tuyền, Giám đốc Sở Tư pháp:

- Đối với dự thảo Luật Thủy sản, tại Điều 7 quy định hành vi cấm đưa tạp chất vào thủy sản nhằm mục đích gian lận thương mại, theo tôi không nên chỉ cấm vì mục đích thương mại mà nên bổ sung thêm các mục đích khác như gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, uy tín doanh nghiệp… sẽ bao quát hơn.

Tại Điều 26 quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, ươm dưỡng giống thủy sản, theo tôi cần bỏ hẳn quy định tại điểm c “được bồi thường thiệt hại, khiếu nại, tố cáo theo quy định pháp luật” bởi đây là quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật chuyên ngành. Bên cạnh đó, tại Điều 32 về điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, chưa đề cập đến quy định về đảm bảo mùi hôi nên tôi đề xuất đưa thêm quy định này vào dự thảo.

Đối với dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng, khoản 2, Điều 49 quy định đối với rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay “phải thiết lập các đai rừng… rộng tối thiểu 20m kết hợp với các đai rừng phụ tạo thành ô khép kín”, theo tôi nên xem xét có cần quy định cụ thể độ rộng trong luật hay không?, vì các độ rộng tối thiểu này có thể thay đổi theo tự nhiên dẫn đến việc phải điều chỉnh luật.

Điều 71 quy định về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam, theo tôi chỉ cần ghi gỗ hợp pháp là đã rõ nghĩa...

Đ.B ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>