Nghĩa vụ chứng minh khi khiếu nại, khởi kiện

29/08/2017 | 08:44 GMT+7

Ở Hậu Giang có xảy ra trường hợp: Ông A có phần đất 700m2 tại thành phố Vị Thanh được Nhà nước cấp giấy CNQSDĐ, ông B có phần đất 1.200m2 cũng được Nhà nước cấp giấy CNQSDĐ. Hiện nay, phần đất của ông A và ông B giáp ranh nhau. Quá trình sử dụng khoảng 10 năm thì phát sinh tranh chấp.

Phần đất tranh chấp hiện nay các bên sử dụng liền kề nhau (ảnh minh họa).

Ông B cho rằng ông A lấn chiếm chiều ngang 2m chạy dài hết đất khoảng 70m, còn ông A khẳng định đất của ông đã sử dụng trên 10 năm, ông B vẫn biết và không ngăn cản, nay ông không đồng ý trả đất theo yêu cầu của ông B. Do hai bên không thỏa thuận được nên ông B làm đơn khởi kiện, yêu cầu buộc ông A phải trả diện tích đất lấn chiếm cho ông. Theo cơ quan chuyên môn, hai bên đều sử dụng diện tích dư so với giấy CNQSDĐ đã cấp, phần đất hai bên tranh chấp đều không nằm trong giấy CNQSDĐ của bất cứ bên nào.

Ông Lê Bình Dân, Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân tỉnh:

- Đối với trường hợp này, nếu đất chưa có giấy CNQSDĐ thì thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện. Nếu trên đất có cây lâu năm thì căn cứ vào Nghị quyết 02/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Xét về tình: Động viên hòa giải thỏa thuận hai bên cho ổn định và tiếp tục sử dụng, sau đó phân chia ranh cố định; xét về lý: Nếu phần đất tranh chấp mà hai bên dư so với giấy CNQSDĐ, bên nào có trồng cây lâu năm hoặc xây dựng công trình… ổn định thì bên đó tiếp tục sử dụng. Xem xét quá trình sử dụng đất bên nào có thời gian sử dụng nhiều hơn để đánh giá đó là chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện hay yêu cầu phản bác của bị đơn nếu có. Xác minh bàn cận tứ cận để biết quá trình canh tác và sử dụng đất, đồng thời tra cứu trích lục tàn thư đăng ký QSDĐ của các bên xem quá trình đăng ký có đúng thủ tục chưa, để làm cơ sở giải quyết vụ án.

Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp:

- Khi phát sinh tranh chấp, quá trình giải quyết về nguyên tắc phải đo đạc lại diện tích đất của hai bên và xác định nguyên nhân tranh chấp, đối chiếu với hồ sơ địa chính để xác định vị trí cũng như diện tích thực tế sử dụng. Trên thực tế, khi thiết lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận thì các bên có ranh đất tứ cận phải ký xác nhận. Ngoại trừ trường hợp phần đất nằm giữa hai phần đất cần cấp giấy là lộ nông thôn, kênh thủy lợi bởi phần này thường là Nhà nước quản lý.  

Trong công tác đo đạc kiểm tra diện tích của các hộ thường phát sinh tình huống, diện tích đất thực tế kiểm tra không đúng diện tích đất được ghi trên giấy CNQSDĐ. Do các trường hợp này được đo đạc bằng phương pháp kéo dây thủ công nên một số hình thể đất, ranh đất không thẳng dẫn đến tính toán thiếu chính xác, nay kiểm tra lại bằng máy thì có sai số, cá biệt có một số trường hợp sai số đến 10%. Ngoài ra trong giai đoạn đo đạc cấp giấy, việc xác định ranh đất là hết sức quan trọng, nếu xác định ranh không đúng cũng dẫn đến sai số rất lớn. Trường hợp đo lại diện tích của hai bên thừa so với giấy CNQSDĐ thì hai bên phải tự thỏa thuận để xử lý phần đất thừa đó. Nếu không thỏa thuận được thì có đơn đến chính quyền địa phương hòa giải. Nếu hòa giải không thành thì thực hiện yêu cầu giải quyết hoặc khởi kiện theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai năm 2013.

Theo quy định, nếu cơ quan chức năng giải quyết công nhận diện tích đất tranh chấp cho bên  A hoặc bên B mà bên A hoặc bên B đã sử dụng ổn định trước ngày 15-10-1993 và diện tích đất bên A hoặc bên B phù hợp với hạn mức công nhận đất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân thì sẽ không phải nộp tiền sử dụng đất theo Nghị định 45 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh:

- Khi phát sinh tranh chấp thì các bên đương sự có quyền khởi kiện đến tòa án nhân dân theo quy định. Theo Bộ luật Tố tụng dân sự thì đương sự có yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Bên nào cung cấp chứng cứ chứng minh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình thì bên đó sẽ “thắng kiện”. Nếu đương sự không cung cấp được tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và tòa án không thể thu thập chứng cứ có được thì tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc.

Như vậy nghĩa vụ chứng minh đối với các đương sự là một trong những nội dung quan trọng trong tố tụng dân sự, nhằm làm cơ sở cho các đương sự xác định những nghĩa vụ của mình khi đưa ra yêu cầu, thực hiện tranh tụng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự; xác định sự thật khách quan của vụ án; giúp cho việc giải quyết vụ án được đúng đắn, khách quan.

Luật sư Trần Văn Độ, Trưởng Văn phòng Luật sư Hữu Nhân - Đoàn Luật sư Hậu Giang:

- Căn cứ theo Luật Đất đai 2013 thì tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã không thành sẽ được giải quyết như sau: Tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy CNQSDĐ hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do tòa án nhân dân giải quyết. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy CNQSDĐ hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định. Một là, nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai. Hai là khởi kiện tại tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Do đó, trường hợp đương sự không có giấy tờ hợp pháp, hợp lệ thì theo quy định, đương sự được khởi kiện ngay tại tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp đất đai (bằng một vụ án dân sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự) hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền (theo thủ tục khiếu nại hành chính của vụ án hành chính). Khi đương sự khởi kiện hoặc khiếu nại thì nghĩa vụ của các bên là cung cấp chứng cứ, chứng minh quá trình sử dụng đất liên tục để làm cơ sở giải quyết.

PHI YẾN ghi

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>