Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2-2018

05/02/2018 | 09:20 GMT+7

Quy định về chữ ký số trên văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước; hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo, hay học sinh phổ thông được tư vấn tâm lý,... là những chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng 2-2018.

Từ ngày 2-2-2018, học sinh phổ thông sẽ được hỗ trợ tư vấn tâm lý từ theo quy định tại Thông tư số 31/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo có hoàn cảnh khó khăn

Theo Nghị định 06/2018 quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo, kể từ ngày 20-2-2018, trẻ em đang học tại lớp mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non được hỗ trợ ăn trưa khi bảo đảm một trong những điều kiện sau:

Có cha mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ, hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; không có nguồn nuôi dưỡng được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; là nhân khẩu trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Mức hỗ trợ tiền ăn trưa bằng 10% mức lương cơ sở/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.

Học sinh phổ thông được tư vấn tâm lý

Tại Thông tư 31/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 2-2-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn về việc thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông.

Theo đó, học sinh trong các trường phổ thông sẽ được tư vấn tâm lý về giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên; tư vấn kỹ năng ứng xử, phòng, chống bạo lực và xâm hại; tư vấn khả năng giải quyết vấn đề phát sinh trong quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè; tư vấn kỹ năng, phương pháp học tập hiệu quả, hướng nghiệp,…

Hình thức tư vấn bao gồm: tư vấn trực tiếp tại phòng tư vấn hoặc qua trang thông tin điện tử của nhà trường, email, mạng xã hội, điện thoại và phương tiện thông tin truyền thông khác; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, câu lạc bộ, diễn đàn,…

Sử dụng chữ ký số trên văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước

Thông tư 41/2017 của Bộ Thông tin - Truyền thông quy định sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước sẽ có hiệu lực từ ngày 5-2-2018.

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, bao gồm: các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp, các đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước và tổ chức, cá nhân liên quan sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử của cơ quan nhà nước.

Về nguyên tắc sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử, thông tư nêu rõ: Chữ ký số phải gắn kèm văn bản điện tử sau khi ký số. Văn bản điện tử được ký số phải đảm bảo tính xác thực, tính toàn vẹn xuyên suốt quá trình trao đổi, xử lý và lưu trữ văn bản điện tử được ký số.

Về quản lý khóa bí mật cá nhân và khóa bí mật con dấu: Người có thẩm quyền ký số có trách nhiệm bảo quản an toàn khóa bí mật cá nhân. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giao cho nhân viên văn thư quản lý, sử dụng khóa bí mật con dấu theo quy định. Thiết bị lưu khóa bí mật con dấu phải được cất giữ an toàn tại trụ sở cơ quan, tổ chức.

Cũng theo thông tư, việc ký số được thực hiện thông qua phần mềm ký số; việc ký số vào văn bản điện tử thành công hoặc không thành công đều phải được thông báo thông qua phần mềm.

6 trường hợp cần trưng cầu giám định trong vụ án kinh tế

Thông tư liên tịch 01/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp quy định ngoài những trường hợp bắt buộc theo Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể trưng cầu giám định trong vụ án kinh tế với trường hợp cần thiết như: Xác định chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của tài sản, hàng hóa, hàng giả, hàng thật, hàng cấm; truy nguyên về tài liệu, đồ vật, chữ ký, chữ viết, con dấu, dấu vết, dữ liệu điện tử; xác định tính chính xác của các dụng cụ cân, đo, đong, đếm và các máy móc, thiết bị khác; xác định hành vi vi phạm trong lĩnh vực đầu tư; gặp khó khăn khi xác định mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm trong lĩnh vực đầu tư gây ra; xác định hành vi vi phạm về thuế, tài chính,… và các lĩnh vực khác xét thấy cần thiết phải thực hiện giám định.

Việc trưng cầu giám định trong những trường hợp trên chỉ thực hiện khi chưa có đủ chứng cứ để chứng minh hành vi, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Khuyến khích sử dụng vật liệu không nung trong xây dựng

Theo quy định của Bộ Xây dựng tại Thông tư 13/2017, có hiệu lực từ ngày 1-2-2018, các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây.

Bên cạnh đó, công trình xây dựng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung. Tại các tỉnh, thành còn lại, phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây dựng. Đối với các công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng vật liệu xây không nung thì phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận. Đồng thời, Nhà nước cũng khuyến khích sử dụng vật liệu xây không nung vào các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, số tầng.

ĐÌNH BẢO tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>