Ở xã nông thôn mới: Pháp luật được thực hiện nghiêm

14/06/2019 | 07:34 GMT+7

Những năm gần đây, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) ở xã NTM, huyện Phụng Hiệp có những chuyển biến rõ nét.

Tuyên truyền về tác hại của bia, rượu; tác hại của thuốc lá… ở huyện Phụng Hiệp.

Ấp Phú Xuân, xã Thạnh Hòa có 10 tổ tự quản và 2 liên tổ, Chi bộ có 7 đảng viên đều là tuyên truyền viên pháp luật của ấp.

Để PBGDPL hiệu quả, Chi bộ, ban dân chánh ấp phân công thành viên tham gia họp cùng các tổ chức đoàn thể để lồng ghép tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên và người dân các quy định về hình sự, dân sự, đất đai, hôn nhân - gia đình, nghĩa vụ quân sự, bình đẳng giới, phòng, chống bạo hành gia đình. Cũng từ đây, ấp nắm thêm về tình hình trật tự xã hội…

Gắn chặt như vậy mà 6 tháng đầu năm, khi ấp xảy ra 2 vụ bạo hành gia đình, 2 vụ tranh chấp đất đai đã được hòa giải kịp thời, ổn thỏa.

Ông Bùi Văn Nguyên, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp Phú Xuân, chia sẻ: “Tuyên truyền pháp luật được chúng tôi rất quan tâm nâng chất, mở rộng đối tượng. Các cuộc họp dân đa số đều mời liên tổ, mượn nhà dân tổ chức, qua đó tạo điều kiện rất thuận lợi cho bà con tham gia. Trong phổ biến luật, chúng tôi lồng ghép nội dung gắn kết tình làng nghĩa xóm và mọi thắc mắc của dân đều được giải đáp thỏa đáng”.

Ở xã nông thôn mới, ông Lê Văn Thanh, ấp Phú Xuân, nhận thức rõ về chấp hành nghiêm các quy định. Ông Thanh nói: “Thông qua các cuộc họp, chi tổ hội luôn nhắc nhở những hành vi chưa đúng; ở xã nông thôn mới thì người dân càng phải nghiêm túc hơn. Bây giờ, ấp không còn xảy ra tệ nạn xã hội như trước. Tôi thấy, cần tăng cường phổ biến pháp luật hơn nữa để ấp thêm phát triển lành mạnh”.

Ở ấp Tân Long B, xã Bình Thành, hiểu biết và chấp hành nghiêm pháp luật cũng không kém khi có trường hợp hoàn lương, chí thú làm ăn.

Sau khi chấp hành xong án phạt tù, ông H. càng thấm thía lỗi lầm của mình nên rất tập trung cho kinh tế gia đình. Hiện ông đang chăm sóc 17 công vườn trồng mít Thái và xoài Đài Loan, cuộc sống rất khá và đang có định hướng mở rộng thêm diện tích trồng trọt.

Ông H. nói: “Lúc mới về, nhờ cán bộ địa phương đến động viên, tuyên truyền, giải thích về cái đúng, cái sai và xem báo, đài nên tôi quyết chí hoàn lương, đồng thời, dặn con em tránh những vi phạm đạo đức, pháp luật”.

Xã Bình Thành cũng là đơn vị làm tốt công tác đổi mới, tuyên truyền pháp luật phù hợp. Cụ thể là có sự phối hợp đồng bộ giữa các tổ chức hội, đoàn thể nên mỗi cuộc có từ 50-100 hội viên, đoàn viên, người dân tham dự. Quan trọng là đoàn viên, hội viên gương mẫu làm trước thì Nhân dân tích cực làm theo.

Ông Trần Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Bình Thành, nói qua PBGDPL, xã rút ra được bài học kinh nghiệm là các văn bản luật phải được biên soạn lại ngắn gọn, chú thích rõ ràng, đầy đủ nội dung, dễ hiểu, dễ nhớ; phát huy tối đa vai trò gương mẫu của các cán bộ, đảng viên trong chấp hành pháp luật.

Huyện Phụng Hiệp hiện có 200 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, có 15 ban hòa giải, 129 tổ hòa giải với 1.025 hòa giải viên; đặc biệt, có 15 câu lạc bộ pháp luật ở các xã nông thôn mới hoạt động hiệu quả.

Công tác tuyên truyền, PBGDPL ở các xã nông thôn mới tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức, hành động của Nhân dân; bà con không chỉ chủ động tìm hiểu pháp luật mà còn tự giác đóng góp ý kiến, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình trong quá trình thực hiện pháp luật. Ông Đào Ngọc Điền, Trưởng phòng Tư pháp huyện, cho biết: “Thể hiện rõ nhất là trẻ em được quan tâm chăm sóc, học tập; các sự kiện hộ tịch phát sinh được đăng ký kịp thời; hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo…”.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Phụng Hiệp sẽ nhân rộng các mô hình tuyên truyền, PBGDPL hiệu quả ở xã nông thôn mới ra các địa phương khác; thành lập mô hình pháp luật phù hợp với thực tế địa phương; đổi mới hơn nữa nội dung tuyên truyền; tập trung phổ biến sâu rộng những sự kiện liên quan đến chấp hành pháp luật. Qua đó, nâng cao hơn nữa ý thức tự giác chấp hành quy định, luật pháp trong toàn xã hội…

Tháng 5 vừa qua, huyện Phụng Hiệp tổ chức ra mắt mô hình “Câu lạc bộ tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và giúp nhau phát triển kinh tế trong đồng bào dân tộc”, mô hình có 20 thành viên, trong đó có hơn 80% là người dân tộc thiểu số (ở xã Hòa An).

Mục tiêu của mô hình là nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc về các quy định liên quan đến cuộc sống, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm. Mô hình còn gây quỹ hùn vốn, sau đó cho mượn theo hình thức xoay vòng để giúp đỡ các thành viên từng bước phát triển kinh tế hộ.

 

Bài, ảnh: T.THỨC - T.TRÚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>