Một đời đeo mang

07/12/2018 | 09:23 GMT+7

Ông đã vào câu chuyện thật nhẹ nhàng bên cốc trà nóng: “Ngồi xuống đi rồi tôi kể cho mà nghe. Ngày xưa, thấy thích, má nói ráng câu nhiều cá cho má làm mắm đi rồi má mua cho. Vậy là câu miết để có được cây đờn và nó gắn bó với tôi đến tận bây giờ”. Ông là nghệ nhân Nguyễn Văn Nhạc (ảnh), ở khu vực 1, phường IV, thành phố Vị Thanh.

Nghệ nhân được sinh ra trong gia đình có mấy đời theo nghiệp đờn, nhưng không chọn để mưu sinh, mà chỉ là thú chơi tao nhã. Ông nội ông đờn cò, ba ông đờn kìm. Còn ông chọn gắn bó với cây đờn ghi-ta phím lõm. Ông kể, ba ông theo cách mạng từ thời kháng Pháp, phải đi nhiều nơi, nhưng lúc nào cũng mang theo cây đờn kìm. Có lẽ niềm đam mê và chất tài tử ấy ông được hưởng trọn vẹn. Thời chiến tranh, gia đình ông phải mấy bận chạy giặc, hết ở An Giang rồi về vùng Bảy Ngàn (Châu Thành A). Đi đến đâu là cả gia đình cùng xúm xít bên nhau cùng lao động cật lực để sống. Đêm xuống, hình ảnh ông khắc sâu đến tận bây giờ là nhìn thấy cha mình ôm cây đờn kìm ra gảy. Những âm thanh du dương làm day dứt lòng người…

Thấy ông đam mê, cha ông thích lắm, má thì tích góp mua cho ông cây đờn. Rồi ông theo học thầy đờn Trần Văn Mười được một thời gian ngắn, sau đó, tự mày mò học. Niềm đam mê đã giúp ông không ngại khó, mà luôn dành thời gian để luyện cho ngón đờn ngày một hay. Việc học cũng bị ngắt quãng cùng với những lần cả gia đình phải chạy giặc. Ấn tượng nhất với ông là những năm tháng ở vùng đất Bảy Ngàn. Dù thời chiến, nhưng những người dân ở đây yêu văn nghệ lắm, hễ có dịp là tụ tập lại cùng đờn hát cho nhau nghe để quên hết những nhọc nhằn trong cuộc sống. “Hồi đó hổng có biết nhiều bài bản tài tử đâu. Sau này, khoảng năm 2000, khi phong trào đờn ca tài tử phát triển mạnh, tôi mới có điều kiện tìm hiểu các bài bản tài tử. Càng tìm hiểu, tôi càng say mê và quyết tâm đờn được tất cả các bản đờn”.

Ông còn khiến người khác cảm phục bởi cách giữ gìn gia đình hạnh phúc, chăm chút nuôi dạy các con nên người. Ông nói muốn dạy con, cha mẹ phải làm gương. Vì thế, ông bà luôn bảo nhau phải yêu thương, và giữ được ngọn lửa hạnh phúc. Từ đó, các con sẽ noi theo, tiếp tục xây dựng những gia đình nhỏ rộn tiếng cười… Những người con của ông giờ đã trưởng thành, có cơ ngơi riêng và tiếp tục noi gương cha mẹ xây dựng và gìn giữ mái ấm hạnh phúc… Ông nói, ông mãn nguyện vì có được người vợ hiểu chồng, cùng ông chịu đựng nhiều cực khổ để nuôi dạy con cái nên người. Bà còn thấu hiểu và chia sẻ, động viên ông theo đuổi đam mê của ông. Còn ông thì cật lực chăm lo cho cuộc sống, hễ rảnh là tìm bạn cùng sở thích để đờn ca, làm cho cuộc sống thêm phong phú, nhiều màu sắc, xua tan bao nỗi nhọc nhằn…

Nhắc tới ông, nhiều nghệ nhân đờn ở Hậu Giang đều biết, bởi ông không chỉ giỏi nghề, mà còn tích cực tham gia phong trào ở địa phương. Giờ, ông vẫn tham gia sinh hoạt một số câu lạc bộ đờn ca tài tử trên địa bàn thành phố Vị Thanh. Không chỉ gắn bó với cây đờn ghi-ta phím lõm, hơn 10 năm nay, ông còn tập luyện và gắn bó thêm cây đờn kìm. Đây là cây đờn của cha ông để lại. Ông còn tập luôn cây đờn cò của ông nội mình. Với ông, đây là những bảo vật quý giá, mà thế hệ trước đã tin tưởng giao cho ông cất giữ… 73 tuổi, đã có hơn 50 năm gắn bó với tài tử, đến giờ, nhìn lại, ông vẫn hạnh phúc với quyết định của mình vì đã được sống trọn niềm đam mê. Ông nói, mấy chục năm gắn bó với cây đờn rồi, sao mà bỏ được. Ông còn ghi chép, giữ gìn những quyển sách về tài tử để ai muốn học là ông sẵn lòng truyền nghề, miễn sao học cho đàng hoàng, điệu nào hát và đờn đúng điệu đó, mới thấy hết được cái hay, mới ra chất tài tử.

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>