Phong trào kickboxing Hậu Giang dần phát triển

03/08/2023 | 10:00 GMT+7

Hình thành câu lạc bộ ở cơ sở, tạo điều kiện nâng chất lượng huấn luyện viên là những trợ lực giúp kickboxing Hậu Giang từng ngày phát triển.

Hậu Giang đăng cai môn kickboxing Đại hội Thể thao đồng bằng sông Cửu Long lần thứ IX là cơ hội để môn võ này tiếp cận gần hơn với người dân.

Kích thích phong trào cơ sở

Đầu năm 2022, kickboxing chính thức có mặt trong hệ thống thể thao thành tích cao tỉnh, do còn nhiều khó khăn về nguồn lực, cơ sở vật chất tập luyện nên các thành viên bộ môn đều được gửi đào tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh. Với nỗ lực học hỏi, phấn đấu, kickboxing Hậu Giang đã mang về nhiều thành tích nổi bật ở các giải trong và ngoài nước, có vận động viên giành huy chương đồng tại SEA Games 32…

Kickboxing được tỉnh xác định là mũi nhọn để đầu tư, phát triển từ Đề án Phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Do đó, ngoài mục tiêu tiếp tục giữ vững thành tích ở các giải quốc gia, quốc tế, ngành thể thao tỉnh đang từng bước mở rộng và phát triển phong trào từ cơ sở thông qua việc thành lập câu lạc bộ. Việc không có câu lạc bộ phong trào nên vận động viên kickboxing Hậu Giang hiện chủ yếu được chiêu mộ từ các tỉnh, thành khác, chưa mang yếu tố bền vững. Khi muốn phát triển một môn thể thao nào đó thì cần có động tác kích thích phong trào ở cơ sở.

Với nhiều cố gắng, từ tháng 4 đến nay, đã có 2 câu lạc bộ kickboxing tại huyện Châu Thành A và thị xã Long Mỹ hoạt động, thu hút khoảng 30 võ sinh tham gia. Anh Hồ Thanh Liêm, huấn luyện viên trưởng đội kickboxing Hậu Giang, cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực phát triển thêm câu lạc bộ tại huyện Vị Thủy và thành phố Ngã Bảy trong quý III này. Qua các lớp phong trào có thể phát hiện vận động viên năng khiếu để giới thiệu, bổ sung cho bộ môn kickboxing tỉnh. Đây là nguồn nhân lực rất đáng quý đối với công tác đào tạo khi hướng tới mục tiêu phát triển ổn định, lâu dài”.

Đưa kickboxing gần hơn với mọi người

Có mặt tại câu lạc bộ kickboxing ở huyện Châu Thành A, được mở ngay Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam, không khí tập luyện khá nghiêm túc, võ sinh đều nỗ lực thực hiện từng động tác dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của huấn luyện viên. Em Nguyễn Khánh Vy, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tập luyện tại câu lạc bộ được hơn 2 tháng, chia sẻ: “Trước kia, thông thường em chỉ đánh cầu lông, bóng chuyền chứ chưa học võ. Khi nghe mở lớp kickboxing, em cũng tìm hiểu thử thêm thông tin trên internet thấy khá thú vị, mới lạ so với những môn võ khác nên đăng ký học. Ban đầu về người rất mệt do chưa quen thực hiện các động tác đấm, đá mạnh mẽ, dứt khoát nhưng giờ cũng ổn hơn và em thấy rất thích khi học”.

Thời gian tập luyện của câu lạc bộ từ 8 giờ đến 10 giờ, thứ hai tới thứ bảy hàng tuần. Các võ sinh bước đầu khi đăng ký học sẽ phải thông qua bài kiểm tra về độ bật xa tại chỗ đạt hơn 1,5m, chống đẩy đúng kỹ thuật 20 lần trở lên, chạy 1.500m dưới 7 phút. Nếu đạt 3 yêu cầu này, võ sinh sẽ được miễn hoàn toàn học phí. Anh Lâm Từ Hải, huấn luyện viên phụ trách câu lạc bộ, cho biết: “Những ngày đầu chỉ có 2 võ sinh, nhiều người khuyên nên ngừng hoạt động nhưng bản thân tôi lại nghĩ khác, đến nay thì được 7 em. Do là bộ môn mới chưa có nhiều người biết đến, mình phải cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn để tìm kiếm nguồn lực cho tỉnh, như vậy mới gầy dựng được phong trào. Các em hiện được hướng dẫn những kỹ thuật cơ bản, đòn đánh, đấm, đá, tôi hy vọng sẽ phát hiện thêm nhiều bạn có tố chất”.

Còn tại câu lạc bộ kickboxing ở thị xã Long Mỹ, anh Phạm Hiếu Thời, phụ trách câu lạc bộ thông tin: “Có khoảng 20 em tham gia tập luyện thường xuyên, là những võ sinh võ cổ truyền có tố chất phù hợp được điều chuyển sang, độ tuổi từ 13-18 tuổi. Ban đầu các em hơi lạ lẫm do một số điều luật quy định khác nhau, nhưng tập dần cũng quen, bắt nhịp nhanh vì võ cổ truyền và kickboxing cơ bản cũng có những nét tương đồng. Phong trào võ cổ truyền ở tỉnh phát triển tương đối mạnh nên tôi nghĩ tận dụng nguồn lực sẵn có sẽ phù hợp hơn vì kickboxing còn mới, khó thu hút được người tập”.

Mới đây, tỉnh đăng cai môn kickboxing tại Đại hội Thể thao đồng bằng sông Cửu Long được xem là giải pháp để đưa môn võ này có thể tiếp cận với người dân địa phương, giúp mọi người hiểu và biết đến nó nhiều hơn. Ngoài ra, nhân cơ hội, lực lượng huấn luyện viên được giao phụ trách phát triển kickboxing cũng có dịp trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với những trọng tài, huấn luyện viên trong khu vực và quốc gia. Kickboxing là môn võ thuật đầy sức mạnh, vừa giúp tạo ra nền tảng thể lực lại rèn luyện sự linh hoạt, tốc độ, khéo léo, kiên trì và bền bỉ. Các động tác, thế võ của kickboxing giúp người tập rèn luyện sức khỏe một cách toàn diện, do đó, càng tập sẽ càng yêu thích.

 Kickboxing Hậu Giang đã đạt những thành công nhất định ở đấu trường quốc gia, có nhiều vận động viên thi đấu với trình độ chuyên môn tốt. Chứng tỏ Hậu Giang đã không bị lỡ nhịp với các tỉnh, thành trong việc tiếp cận môn thể thao này nhưng về lâu dài việc chuyên môn hóa là điều cần được tính toán. Với định hướng phát huy tố chất người Hậu Giang trong tập luyện, thi đấu kickboxing, tỉnh sẽ phải cần nỗ lực nhiều hơn để phát triển. Dần dần, tổ chức thêm những giải đấu thường niên để kích thích phong trào tập luyện tại các địa phương, góp phần phát hiện nhân tố mới để đầu tư đường dài.

Bộ môn kickboxing tỉnh hiện có 16 vận động viên (10 tuyển, 6 trẻ). Một vài thành tích nổi bật của kickboxing Hậu Giang thời gian qua: huy chương đồng SEA Games 32; huy chương vàng Đại hội Thể thao toàn quốc 2022; dẫn đầu tại Đại hội Thể thao đồng bằng sông Cửu Long lần thứ IX - Hậu Giang 2023 với 6 vàng, 5 bạc, 15 đồng…

 

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>