Thể thao Hậu Giang - Nốt trầm ở các môn đồng đội

16/11/2023 | 09:16 GMT+7

Những môn thể thao đồng đội như bóng chuyền, bóng đá, bóng rổ ở tỉnh dù được duy trì trong hệ thống thành tích cao lẫn phong trào nhưng khá nhọc nhằn để phát triển, lý do thì có rất nhiều...

Dù có cố gắng nhưng bóng chuyền Hậu Giang vẫn chưa gặt hái được thành tích như mong muốn ở các giải đấu lớn.

Khó khăn về kinh phí

Trong 13 môn thể thao thành tích cao tỉnh đang đào tạo tập trung, chỉ có bóng rổ và bóng chuyền là môn đồng đội, các môn còn lại đều thi đấu cá nhân hoặc phối hợp. Những năm qua, thể thao Hậu Giang dù kinh phí chưa bao giờ vào hàng dư dả nhưng vẫn nỗ lực đào tạo vận động viên tốt, gặt hái nhiều thành tích. Để đáp ứng được nhu cầu phát triển chuyên môn và đạt chỉ tiêu đề ra, thể thao tỉnh phải “liệu cơm gắp mắm”, bằng cách tập trung nhiều môn thi đấu cá nhân.

Việc chen chân vào tốp có huy chương ở môn đồng đội thuộc cấp độ quốc gia, khu vực là một khó khăn lớn cho thể thao Hậu Giang khi các tỉnh, thành, ngành trong cả nước đã xây dựng bề dày phát triển lâu và giữ được thành tích ổn định. Ông Nguyễn Phước Hưng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh, cho biết: “Điều kiện cơ sở vật chất và nguồn đầu tư kinh phí hạn chế là những trở ngại cho Hậu Giang khi muốn phát triển các môn thể thao đồng đội. Từ nguồn lực con người đến kinh phí đều rất lớn nên tùy vào thực tế mà chúng tôi có sự uyển chuyển trong đầu tư cho phù hợp”.

Thể thao đồng đội muốn phát triển đòi hỏi nhiều trợ lực, trước hết là tìm kiếm huấn luyện viên, vận động viên tài năng, phù hợp để tạo nên một tập thể ổn định, có sự gắn kết, thực hiện đúng và đồng điệu trong phối hợp chiến thuật. Chỉ cần một vị trí không ổn định có thể ảnh hưởng đến quá trình thi đấu của tập thể. Chuyện xa hơn nếu muốn nâng tầm thành tích cần thuê vận động viên, bổ sung ngoại binh, tham gia nhiều chuyến tập huấn, du đấu trong và ngoài nước…

Ông Phạm Văn Tài, huấn luyện viên đội bóng chuyền nữ Hậu Giang, cho biết: “Bộ môn chưa gầy dựng được đội ngũ tuyển chọn ở cấp cơ sở, còn việc tuyển sinh ngày càng khó khăn do nguồn vận động viên khan hiếm. Chúng tôi vẫn đau đáu suy nghĩ giúp vận động viên có chế độ, thu nhập tốt hơn như vậy mới giúp họ yên tâm gắn bó”.

Ngoài hệ thống thành tích cao, các môn thể thao đồng đội cũng chưa phát triển ổn định ở cơ sở, khi tỉnh rất ít mở lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, tổ chức giải thi đấu. Chỉ một vài địa phương như thị xã Long Mỹ tạo nguồn vận động viên bóng đá từ lớp năng khiếu, huyện Long Mỹ mở các giải bóng chuyền nội bộ xã, huyện để giúp thúc đẩy phong trào… Lực lượng không được đầu tư tập trung, thời gian tập luyện thi đấu ít nên khi bước ra đấu trường lớn gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Tại Đại hội Thể thao đồng bằng sông Cửu Long vừa qua, ngoài bóng rổ thi đấu thành công, còn hai môn bóng đá, bóng chuyền của Hậu Giang dù đã nỗ lực nhưng vẫn nhận những thất bại khá nặng nề.

Đau đáu tìm hướng giải quyết

Xuất phát từ việc không có nhiều nguồn lực đầu tư vẫn là chủ đề được quan tâm cho sự phát triển thể thao của tỉnh, đáng tiếc lại chưa có hướng khắc phục hiệu quả. Đặc biệt, môn đồng đội rất cần được các doanh nghiệp tiếp sức, cùng đồng hành để có thêm khoản hỗ trợ trực tiếp cho vận động viên, bổ sung lực lượng, tạo điều kiện tập luyện…

Như đội bóng rổ tỉnh, những năm qua dưới sự hỗ trợ của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Hậu Giang đã được đầu tư về điều kiện cơ sở vật chất, chiêu mộ lực lượng, tiếp tục duy trì thế hệ kế thừa vững chắc. Ông Nguyễn Sơn Điền, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh thành phố Ngã Bảy, chia sẻ: “Hàng năm, từ nguồn kinh phí của công ty, chúng tôi cân đối chế độ vận động viên, đặc biệt là tạo điều kiện cho đội đi tập huấn, thi đấu tất cả các giải trong hệ thống quốc gia. Mỗi chuyến đi chưa hẳn là giành được huy chương nhưng mang lại nhiều kinh nghiệm nâng tầm chuyên môn”.

Việc không có sự đầu tư khiến các đội dễ dàng bị trồi sụt phong độ, rớt hạng thậm chí là giải tán. Thể thao luôn cần sự đầu tư, vận động phát triển nên phải thay đổi mạnh mẽ để tiếp tục vươn lên bảng thành tích mới. Hậu Giang hiện nay cũng chưa xây dựng được mạng lưới các trung tâm bóng đá, bóng chuyền hay bóng rổ cộng đồng, không tăng số lượng các giải phong trào, chưa có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư… Tầm nhìn và giải pháp phát triển chỉ ở vòng lẩn quẩn.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: “Qua nhìn nhận ở Đại hội Thể thao đồng bằng sông Cửu Long, với các môn thi đấu đồng đội như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền rất ít đơn vị tham gia nên các tỉnh, thành cần quan tâm đầu tư phát triển nhằm tạo vị thế cho khu vực. Riêng Hậu Giang đang tiếp tục các phần việc xây dựng đề án phát triển đội bóng chuyền nữ tỉnh theo ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy”.

Thể thao đồng đội ở tỉnh vẫn chưa có sự đổi mới, đột phá và cần những định hướng phát triển một cách lâu dài để tránh nhọc nhằn trong tuyển chọn, đào tạo vận động viên. Khi các trung tâm đào tạo, câu lạc bộ ra đời và hoạt động thường xuyên mới đáp ứng nhu cầu tập luyện của người dân. Hàng trăm giải với quy mô lớn, nhỏ được tổ chức hàng năm cũng tạo cơ hội để vận động viên giao lưu thi đấu, tranh tài. Từ những sân chơi này, địa phương sẽ tuyển chọn ra những gương mặt mới, trẻ, tài năng để chuẩn bị thi đấu giải cấp tỉnh, khu vực, quốc gia khi có nhu cầu.

Đầu năm đến nay, môn bóng rổ đem về 1 huy chương vàng Đại hội Thể thao đồng bằng sông Cửu Long lần thứ IX; 1 huy chương vàng, 2 huy chương đồng ở Giải vô địch bóng rổ U23 quốc gia; 2 huy chương bạc Giải vô địch bóng rổ trẻ 3x3 U16 và U18 quốc gia.

Môn bóng chuyền chỉ giành được vé vào vòng chung kết Giải bóng chuyền hạng A quốc gia.

 

HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>