Đồng bằng sông Cửu Long đối diện nguy cơ cạn kiệt nguồn cát

04/10/2023 | 07:24 GMT+7

(HG) - Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) vừa phối hợp cùng các đối tác công bố kết quả nghiên cứu ngân hàng cát cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đây là ngân hàng cát đầu tiên trên thế giới được thực hiện trên quy mô toàn đồng bằng.

Chính nhu cầu sử dụng cát sông ngày một lớn tại vùng ĐBSCL nên nơi đây sẽ đối mặt với khả năng cạn kiệt nguồn cát trong khoảng 10 năm tới.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiện trữ lượng cát ở đáy sông đo đạc được tại vùng ĐBSCL là 367-550 triệu m3. Đây là lượng cát đã được tích lũy từ hàng trăm năm qua, có vai trò quan trọng đối với sự ổn định của đồng bằng. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là qua khảo sát mới đây của cơ quan chức năng cho thấy, hiện chỉ có khoảng 0,6 triệu m3 cát đổ ra vùng ven biển mỗi năm; trong khi đó, lượng cát đổ về vùng ĐBSCL từ thượng nguồn đã giảm xuống còn 2-4 triệu m3/năm, do phần lớn bị giữ lại ở các đập thủy điện ở thượng nguồn. Như vậy, với tốc độ khai thác cát như hiện nay tại vùng ĐBSCL là từ 35-55 triệu m3/năm thì trữ lượng cát tích lũy từ hàng trăm năm qua ở ĐBSCL được dự báo sẽ cạn kiệt trong khoảng 10 năm tới, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định hình thái và khả năng chống chịu của đồng bằng.

Minh chứng cụ thể của việc khai thác cát sông quá mức được xem là một trong những tác nhân chính gây ra việc thâm hụt trầm tích, dẫn đến gia tăng xói mòn lòng sông, sạt lở bờ sông, bờ biển, khuếch đại thủy triều và gia tăng xâm nhập mặn vào mùa khô. Theo kết quả gần nhất là đến cuối năm 2022, toàn vùng ĐBSCL có đến 596 vị trí sạt lở bờ sông (với tổng chiều dài 582,7km) và 48 vị trí sạt lở bờ biển (tổng chiều dài 221,7km), trong đó có 99 điểm được phân loại đặc biệt nguy hiểm. Riêng tại tỉnh Hậu Giang, tính từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 63 điểm sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài sạt lở là 1.550m, diện tích mất đất là 9.362m2. So với cùng kỳ thì số vụ sạt lở tăng 46 điểm, chiều dài sạt lở tăng 1.089m, diện tích mất đất tăng 6.528m2. Tình trạng sạt lở như trên đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của hàng triệu người dân ở ĐBSCL, đe dọa trực tiếp hệ sinh thái, môi trường tự nhiên của vựa lúa lớn nhất Việt Nam.

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>