Huyện Long Mỹ: Sơ kết mô hình sử dụng phân bón hữu cơ trong vụ lúa Đông xuân 2020-2024

16/04/2024 | 07:45 GMT+7

(HG) - Ngày 15-4, tại xã Thuận Hưng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ phối hợp Công ty Cổ phần GFA tổ chức Hội nghị sơ kết kết quả thực hiện Mô hình sử dụng phân bón hữu cơ trên lúa trong vụ Đông xuân 2023-2024 trên địa bàn huyện.

Vụ lúa Đông xuân 2023-2024, huyện Long Mỹ đã triển khai thực hiện 8 điểm trình diễn mô hình lúa chất lượng cao sử dụng phân bón hữu cơ Matsuda Organnic giảm 30% phân hóa học, mỗi mô hình có diện tích 1.000m2. Trong đó, mỗi điểm trình diễn, ruộng đối chứng 100% phân bón hóa học (theo tập quán, bón 3 lần/vụ). Ruộng mô hình, bón lót phân hữu cơ Matsuda Rich Farm (200kg/ha + 70% lượng phân bón hóa học so với ruộng đối chứng và bón cùng thời điểm với ruộng đối chứng). Cả 2 ruộng đều áp dụng giống nhau về giống lúa, mật độ sạ và cùng chế độ quản lý nước, chăm sóc. Riêng về quản lý sinh vật gây hại thực hiện theo trường hợp cụ thể.

Qua quá trình triển khai, kết quả ruộng mô hình phun 6 lần thuốc bảo vệ thực vật và ruộng đối chứng phun 9 lần thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sinh vật gây hại. Số bông lúa/m2 và số hạt chắc/bông của ruộng mô hình cao hơn ruộng đối chứng. Ruộng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ có tổng chi phí đầu tư giảm gần 2,6 triệu đồng so với ruộng đối chứng và tổng thu tăng 560.000 đồng/ha, từ đó lợi nhuận ruộng mô hình tăng hơn 3,1 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng. Ngoài ra, việc sử dụng phân bón hữu cơ còn mang lại nhiều hiệu quả về xã hội, môi trường, nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần thực hiện Đề an Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

 Trong vụ lúa Đông xuân 2023-2024, huyện Long Mỹ đã hỗ trợ phân hữu cơ cho 1.209 hộ nông dân ở 16 hợp tác xã sản xuất lúa, với tổng diện tích 2.257ha.

MINH TIẾN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>