Điểm tin sáng 30 – 3: Cảnh giác những chiêu trò lừa đảo du lịch thường gặp

30/03/2024 | 05:48 GMT+7

Cùng những tin tức khác, mời Quý độc giả theo dõi: Xây trường 63 tỉ nằm cheo leo trên đồi, học sinh không thể học vì sợ...lở núi; Thừa Thiên - Huế khuyến khích người dân hỏa táng; Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên tặng ca khúc viết về Bác Tôn cho Bảo tàng Tôn Đức Thắng; Gần 123.000 vụ lạm dụng trẻ em vào năm 2023 tại Nhật Bản.

6 chiêu trò lừa đảo du lịch thường gặp

Với công nghệ ngày càng tinh vi và phát triển, nhiều chiêu trò lừa đảo mới đã xuất hiện nhắm vào khách du lịch. Sau đây là tổng hợp của các đơn vị liên quan về những chiêu trò lừa đảo du lịch thường gặp.

Website đặt phòng không minh bạch

Khi đặt vé du lịch trực tuyến, bạn nên nâng cao cảnh giác với những trang web nhỏ, không có thông tin minh bạch. Bạn nên đặt vé trực tiếp với hãng hàng không, khách sạn hoặc sử dụng các nền tảng đặt phòng lớn uy tín để đảm bảo an toàn hơn.

Các trang web đặt phòng không minh bạch có thể sẽ cố gắng đánh cắp thông tin cá nhân của bạn. Nếu giá vé trên trang web thấp hơn đáng kể so với giá thị trường, bạn cần phải đề cao cảnh giác.

Gói giảm giá du lịch

Các gói giảm giá du lịch là một chiêu trò lừa đảo mới xuất hiện trên mạng xã hội thời gian gần đây. Trên các nền tảng như Instagram hay Facebook, bạn có thể thấy một số quảng cáo về các gói giảm giá du lịch tới các điểm đến hấp dẫn như Bali hoặc Maldives. Bạn nên đặc biệt cảnh giác với những quảng cáo này vì một kỳ nghỉ “trong mơ” nhưng miễn phí hoặc giá rẻ bất ngờ là điều khó có thể tồn tại.

Cổng sạc công cộng

Việc có một số cổng sạc USB công cộng tại những nơi như khách sạn, sân bay đang ngày càng trở nên phổ biến, chúng có thể rất hữu ích đối với tất cả mọi người, đặc biệt là khách du lịch. Tuy nhiên, nếu sử dụng những cổng sạc này, bạn có thể bị kẻ xấu truyền phần mềm độc hại vào điện thoại và đánh cắp những thông tin quan trọng.

Mạng WiFi công cộng

Tương tự như các cổng sạc USB, bạn cũng nên cảnh giác với mạng WiFi công cộng. Tin tặc có thể thông qua mạng WiFi này tấn công điện thoại bạn. Khi đi tới những nơi công cộng, tốt hơn hết là bạn chỉ nên kết nối tới những mạng WiFi có nguồn gốc rõ ràng hoặc sử dụng dữ liệu di động của riêng mình. Hiện nay đã có nhiều công ty cung cấp các gói dữ liệu quốc tế với mức giá cực kỳ phải chăng.

Chia sẻ chuyến đi của bạn lên mạng xã hội

Một nguy cơ mới xuất hiện trong thời đại hiện nay là chia sẻ chuyến đi của mình lên mạng xã hội. Bạn có thể không suy nghĩ nhiều khi đưa thông tin và hình ảnh về chuyến đi của mình lên mạng xã hội, thậm chí cập nhật thông tin về việc đặt phòng hoặc đặt nhà hàng. Tuy nhiên, kẻ xấu có thể thông qua những thông tin đó để thực hiện rình rập và trộm cắp.

ATM không hoạt động

Một chiêu trò lừa đảo khác đang trở nên phổ biến hiện nay là “ATM không hoạt động”. Chiêu trò này bắt đầu với thông báo về tài khoản ATM của bạn bị lỗi, ngay sau đó sẽ có một người địa phương tiến tới nhiệt tình giúp đỡ bạn, thậm chí họ có thể đóng giả làm nhân viên ngân hàng, thông báo rằng máy ATM này hiện đang gặp vấn đề, và giới thiệu có ngay một máy ATM gần đó.

Máy ATM thứ hai được giới thiệu có thể đã cài sẵn máy quét thẻ, một thiết bị giúp kẻ gian lấy cắp số thẻ ngân hàng và mã PIN của bạn.

Xây trường 63 tỉ nằm cheo leo trên đồi, học sinh không thể học vì sợ...lở núi

Một trường học ở huyện miền núi Tây Giang, Quảng Nam được đầu tư 63 tỉ đồng nhưng học sinh chỉ mới vào học thời gian ngắn đã bị sạt lở núi. Bốn năm nay học sinh, giáo viên dạy phải đi học nhờ ở ngôi trường khác cách đó 40km.

Năm học 2019 trường đưa vào sử dụng, tuy nhiên học sinh học chưa được bao lâu thì sau những đợt mưa lũ cuối năm 2020, trường này xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở đồi núi sau trường.

Hàng nghìn khối đất đá từ taluy dương đổ xuống, kèm theo những vết nứt lớn ở phía đỉnh đồi gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc dạy và học.

UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trường Võ Chí Công, tổng kinh phí giai đoạn 3 này là gần 29 tỉ đồng.

Dự án sẽ tiến hành san gạt tạo mái dốc, đào xúc đất sạt lở năm 2020, xây kè bảo vệ taluy dương, gia cố bảo vệ mái dốc. Như vậy so với mức đầu tư ban đầu thì nay công trình này đã đội vốn thêm để khắc phục sạt lở.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên tặng ca khúc viết về Bác Tôn cho Bảo tàng Tôn Đức Thắng

Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Hiên - nguyên phó chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM - trao tặng ca khúc viết về Bác Tôn mang tên Cánh chim đại bàng do ông sáng tác.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên cho biết ông sáng tác ca khúc này vào năm 2018 trong một chuyến đến thăm viếng Khu lưu niệm của Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở cù lao Ông Hổ (tỉnh An Giang).

Qua trao đổi, giám đốc Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng lúc bấy giờ cho biết đã có nhiều bài hát viết về Bác Tôn nhưng có đề tài không ai viết, là chiếc máy bay từng chở Bác Tôn được trưng bày trong khu lưu niệm.

"Nghĩ không ai viết nên tôi viết ca khúc Cánh chim đại bàng được lấy cảm hứng từ kỷ vật mang nhiều ý nghĩa này.

Tôi viết và hoàn thiện ca khúc này chỉ vỏn vẹn trong 3 ngày" - nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên nói.

Đến thời điểm này, nhạc sĩ đã thu âm, làm MV để gửi tặng Bảo tàng Tôn Đức Thắng toàn quyền sử dụng mà không thu bản quyền.

Thừa Thiên - Huế khuyến khích người dân hỏa táng

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ tiền để khuyến khích người dân toàn tỉnh hỏa táng thay vì thổ táng người thân sau khi qua đời như truyền thống bấy lâu nay.

Theo đó tỉnh sẽ hỗ trợ chi phí hỏa táng 6,5 triệu đồng với người mất trên 10 tuổi có hộ khẩu thường trú ở tỉnh. Hỗ trợ 4,5 triệu đồng với trường hợp cải táng nhưng thân thể chưa tiêu và 3,5 triệu đồng đối với người mất dưới 10 tuổi.

Người chết không xác định được nhân thân hoặc có nhưng không có người thân lo an táng sẽ được hỗ trợ 100% chi phí theo hóa đơn của cơ sở hỏa táng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - nguyên giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết tỉnh đã rất mạnh dạn khi đưa ra chính sách này. Tuy nhiên theo ông Hoa, để thay đổi quan niệm của người Huế trong việc tổ chức an táng người thân thì với chính sách này là chưa đủ.

"Cư dân Huế có phần khác biệt với người dân ở các đô thị lớn khác trong cả nước khi có phần nặng lòng hơn trong việc chăm lo mộ phần của tổ tiên, người thân đã khuất. Do vậy để vận động người dân bỏ một tập quán thổ táng chuyển sang hỏa táng là rất khó khăn", ông Hoa nhận định.

Cần kèm theo đó là một cuộc vận động, tuyên truyền để người dân hiểu hơn việc hỏa táng, đem tro cốt người thân an táng tại nghĩa trang, gửi ở chùa hay đưa về nhà… là một xu hướng văn minh của thế giới.

Gần 123.000 vụ lạm dụng trẻ em vào năm 2023 tại Nhật Bản

Cảnh sát Nhật Bản đã cảnh báo các trung tâm phúc lợi trẻ em về con số kỷ lục 122.806 trẻ nghi bị lạm dụng vào năm 2023, tăng 6,1% so với năm trước đó.

Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh lo ngại và nhận thức ngày càng tăng về thực trạng lạm dụng trẻ vị thành niên, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản cho biết hôm 28/3.

Theo dữ liệu do Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản tổng hợp, cảnh sát nước này đã tiến hành 2.385 cuộc điều tra hình sự về các vụ lạm dụng trẻ em vào năm 2023, tăng 9,4% so với năm 2022 và cũng là con số cao nhất từ trước đến nay.

Số trẻ em dưới 18 tuổi được chuyển đến các trung tâm phúc lợi trẻ em vì bị bạo hành tinh thần đã tăng lên mức cao kỷ lục 90.761 trẻ, trong đó có 52.611 em chứng kiến bạo lực gia đình đối với các thành viên trong gia đình.

Những trẻ em bị lạm dụng thể chất là 21.520, trong khi 10.205 trẻ bị bỏ rơi hoặc bỏ mặc và 320 em bị lạm dụng tình dục.

Trong số các vụ án dẫn đến điều tra hình sự, 1.903 trẻ bị lạm dụng thể chất, 372 bị lạm dụng tình dục, 65 bị bạo hành tinh thần và 45 bị bỏ mặc hoặc bỏ rơi.

Bảo Nam tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>