Giữ chất và nâng tầm nghệ thuật dân ca, dân nhạc

Không dễ !

14/03/2017 | 09:12 GMT+7

Hội thảo “Từ dân ca, dân nhạc đến sáng tác mới trong đời sống âm nhạc đồng bằng sông Cửu Long” đã mang đến góc nhìn khá hoàn thiện về sự ảnh hưởng của các làn điệu dân tộc trong sáng tác của các nhạc sĩ !

Đại biểu, nhạc sĩ chia sẻ về thực trạng sáng tác âm nhạc tại hội thảo.

Sâu lắng lời ru ngàn đời…

Từ thuở nằm nôi, ai cũng từng được tắm mát tâm hồn bằng những lời ru của bà, của mẹ. Những giai điệu mộc mạc, trữ tình với những nhấn nhá đã làm nên một nét riêng khó hòa lẫn, nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi người. Với người sáng tác, để viết nên những giai điệu hay, lời nhạc thấm sâu vào lòng người, rất cần sự trải nghiệm từ những làn điệu dân ca. Nhạc sĩ Lê Nghiệp, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ thành phố Cần Thơ, chia sẻ: “Đây là điều tôi cảm nhận sâu sắc nhất. Ba tôi là nghệ nhân đờn tài tử, mẹ tôi cũng hát hay, nên tôi được nuôi dưỡng một tâm hồn âm nhạc và những làn điệu dân ca ấy thấm đẫm vào tâm hồn, chảy vào máu, mà đến giờ nó vẫn chảy. Đây chính là chất liệu quý giúp tôi sáng tác”. Mỗi vùng, miền có kho tàng dân ca không giống nhau, làm nên đặc trưng của từng vùng, miền. Ở ĐBSCL có một kho tàng dân ca rất phong phú, bắt nguồn từ những câu hò, điệu lý, hát, nói thơ, nói vè… Những làn điệu dân ca mộc mạc, chân tình nhưng đầy nghĩa khí đã khắc họa hình ảnh, nhân cách của người dân nơi đây trải qua bao thế hệ, làm cho mảnh đất này thêm trù phú và giàu đẹp.

Có lẽ vì thế, mà chất liệu dân ca, dân nhạc đã được giới nhạc sĩ khai thác khá nhiều, trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ và cả những năm sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, trong số đó phải kể đến “Lên đàng” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (Cần Thơ), “Tiểu đoàn 307” của Nguyễn Hữu Trí (Bạc Liêu), “Kỵ binh Việt Nam” của Nguyễn Minh Triết, “Nam bộ kháng chiến” của Tạ Thanh Sơn (Vĩnh Long), “Trăng về Cần Thơ” của Thế Phương, “Khi thành phố của chúng ta xuống đường” của Thanh Trần, “Chiếc ba lô xanh” của Lý Cảnh, hợp xướng 4 chương “Cửu Long giang” của Phan Miêng… Đó là chưa kể những ca khúc ngọt ngào, da diết với giai điệu du dương, là một bức tranh đẹp về miền quê Tây Nam bộ, như: “Cần Thơ mến yêu” (Đắc Nhẫn), “Trở về dòng sông tuổi thơ” (Hoàng Hiệp), “Chiều về trên sông Ô Môn” (Triều Dâng), vở opera “Người giữ cồn” của Ca Lê Thuần…

Muốn hay: Phải học tập, trải nghiệm và sáng tạo

Âm nhạc dân tộc độc đáo không ai có thể bàn cãi, những nhạc sĩ trong quá khứ đã vận dụng để những sáng tác có giá trị, sống với thời gian cũng không ai không đồng tình. Điều đáng bàn là trong cuộc sống hối hả đầy bon chen của nhịp sống hiện đại, liệu các nhạc sĩ có đủ thời gian và kiên nhẫn để đi tìm những câu hò, lời ru, để thuộc, để yêu và thẩm thấu? Đây cũng chính là nội dung đề cập và có những đánh giá sát thực của những nhạc sĩ nổi tiếng, của những nhạc sĩ đang làm nhiệm vụ sáng tác ở các địa phương.

Kho tàng phong phú, nhưng cách vận dụng sao cho mới, sáng tạo, vẫn giữ chất và nâng tầm nghệ thuật quả là không dễ dàng. Nhạc sĩ Quốc Nam, Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc tỉnh Bến Tre, chia sẻ: “Đội ngũ sáng tác chuyên và không chuyên có đến hơn 50 người. Mỗi người sáng tác dù có kinh nghiệm hay các tác giả trẻ đều luôn học tập và trải nghiệm, nhất là tìm hiểu kỹ để đưa vào trong những sáng tác của mình và qua thực tế, những tác phẩm mang âm hưởng dân ca đều được người dân nhiệt tình hưởng ứng, nhưng phải nhìn nhận thật rằng số lượng này không nhiều. Đây là điều mỗi người cần phải phấn đấu tiếp để thừa hưởng nét độc đáo, tinh hoa của âm nhạc dân tộc”.

Khai thác chưa nhiều, chưa sâu là điểm yếu của các nhạc sĩ đồng bằng. Đó là nhận xét của không chỉ các nhạc sĩ trong khu vực, mà cả những người nghiên cứu về âm nhạc, lấy thực tế từ những sáng tác mới được giới thiệu tại Liên hoan Âm nhạc khu vực ĐBSCL lần này. Nhạc sĩ Đức Trịnh, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đánh giá: “Dân ca, dân nhạc rất phong phú, nhưng các nhạc sĩ hôm nay ít khai thác hoặc có thẩm thấu nhưng chưa đủ để “nhả” ra được. Điều này có nhiều nguyên nhân, có thể do họ chưa yêu thích và tìm hiểu bằng cái tâm, chưa học được cái cốt lõi của dân ca, dân nhạc. Vì thế, trong các sáng tác, chỉ thấy đa phần các giai điệu gần giống nhau là trữ tình, dịu dàng, ít đột phá. Quan trọng là phải làm. Phải học tập, trải nghiệm, sáng tạo. Phải đi tìm những làn điệu hay để nghiền ngẫm, cải biên, để nó dần ngấm vào hồn. Công việc không phải của riêng ai, mà của tất cả những người sáng tác, trong đó có tôi”.

Hội thảo là dịp để những người sáng tác nhìn lại hành trình sáng tác, thấy được những điểm mạnh để phát huy, những điểm yếu để khắc phục. Quá trình khắc phục đòi hỏi thời gian, cộng với sự cầu tiến và dám nghĩ, dám thể hiện…

Nêu vấn đề không gắn nội dung hội thảo vì thấy bức xúc

Nhạc sĩ Huỳnh Anh Kiệt (Vĩnh Long) mang đến hội thảo ý kiến bức xúc, không gắn với nội dung hội thảo, nhưng rất đáng quan tâm, đó là sự trỗi dậy của dòng nhạc tiền chiến xưa ở miền Nam trước giải phóng đang dần mất kiểm soát, khi khán giả lẫn người tổ chức lẫn lộn và đánh đồng ý nghĩa sâu xa của từng ca khúc trong từng thời điểm, sự kiện khác nhau. Để tìm hiểu kỹ mục đích sáng tác của các ca khúc thời đó, cần có nghiên cứu cẩn trọng, để tránh sự nhầm lẫn này. 

Về vấn đề này, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhấn mạnh, đây là vấn đề sẽ tiếp tục được đưa ra công luận, có công trình nghiên cứu, đánh giá một cách xác thực trong thời gian tới…

 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>