Sạt lở phức tạp, khó lường

23/02/2024 | 08:27 GMT+7

Chưa đầy 2 tháng đầu năm 2024 mà Hậu Giang đã ghi nhận 6 điểm sạt lở đất bờ sông gây thiệt hại hơn 1 tỉ đồng. Qua đây cho thấy diễn biến sạt lở ngày càng phức tạp và khó lường hơn.

Khu vực ấp Thạnh Lợi A1 và Thạnh Lợi A2 trở thành điểm nóng về sạt của huyện Phụng Hiệp. Ảnh: D.KHÁNH

Liên tiếp xảy ra sạt lở đất

Mới đây, vào trưa ngày 21-2, trên tuyến kênh xáng Nàng Mau đoạn qua địa phận ấp Thạnh Lợi A2, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, xảy ra sạt lở bờ sông, ước thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.

Theo đó, vụ sạt lở đã làm sập gần như hoàn toàn căn nhà cấp 4, diện tích 70m2 của ông Bùi Thanh Hải, ở ấp Thạnh Lợi A2, xã Tân Long và kè bê tông dài 30m của các hộ xung quanh. Theo ông Hải, khi nghe căn nhà có những tiếng động lạ, tường răn nứt mạnh, 7 thành viên của gia đình gồm 4 người lớn và 3 trẻ nhỏ vừa kịp sơ tán ra ngoài thì 1/2 căn nhà đã bị kéo sập hoàn toàn xuống sông, tiếp đó là hai bờ kè lân cận tiếp tục bị sụp lún.

Ông Hải cho biết thêm: “Gia đình thuộc diện hộ nghèo, không đất canh tác, quanh năm làm thuê làm mướn. Căn nhà là nơi trú ngụ của 9 thành viên. Thời điểm xảy ra sạt lở trong nhà còn 7 người. Khi nghe có tiếng động bất thường thì các thành viên chủ động sơ tán ra ngoài. Rất may vụ sạt lở xảy ra ban ngày, chứ nếu xảy ra ban đêm khả năng sẽ có thiệt hại về người”.

Ngay khi sự việc xảy ra, UBND xã Tân Long đã huy động lực lượng tại chỗ nhanh chóng xuống hiện trường hỗ trợ gia đình ông Hải di dời đồ đạc. UBND huyện Phụng Hiệp cũng hỗ trợ gia đình ông Hải 40 triệu đồng để ổn định cuộc sống. Ông Lê Hoàng Kinh, Chủ tịch UBND xã Tân Long, cho biết: Trước mắt UBND xã sẽ hỗ trợ gia đình ông Hải tìm một nơi ở tạm, đồng thời hỗ trợ di dời tất cả những đồ đạc vật dụng của gia đình đến nơi ở mới. Song song đó tiến hành phong tỏa, bởi khu vực này còn nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ tiếp tục xảy ra sụp lún khi triều cường lên.

Theo UBND xã Tân Long, hai bên bờ kênh xáng Nàng Mau, thuộc  ấp Thạnh Lợi A1 và Thạnh Lợi A2, trước đây có 120 hộ dân sinh sống. Những hộ có điều kiện đã chủ động di dời đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống. Hiện còn 90 hộ, vì nhiều lý do khác nhau đành phải tiếp tục bám trụ. Trong đó, khoảng 30 căn nhà có nhiều vết nứt có thể sụp lún bất cứ lúc nào. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, khu vực này xảy ra 3 vụ sạt lở, gây sụp lún 7 căn nhà của người dân.

Trước đó, chỉ trong vòng nửa tháng 2 thì xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, cũng đã xảy ra 5 điểm sạt lở đất bờ sông, với tổng chiều dài sạt lở 99m; diện tích mất đất 443m2; ước thiệt hại 556 triệu đồng.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Ngã Bảy, bên cạnh các điểm sạt lở trước đó thì vào ngày mùng 3 tết (12-2-2024) cũng đã  xảy ra sạt lở đất bờ kênh tại 2 hộ dân. Cụ thể, tại hộ ông Võ Thanh Hải, ở kênh Bảy Chánh, ấp Cái Côn, xã Đại Thành, đoạn sạt lở dài khoảng 19m, sâu vào bờ nơi rộng nhất khoảng 3,5m, diện tích mất đất gần 67m2. Tại hộ bà Trang Thị Hạnh, ở kênh Bưng Thầy Tầng, ấp Đông An A, xã Đại Thành, đoạn sạt lở dài khoảng 13m, sâu vào bờ nơi rộng nhất khoảng 3,2m, diện tích mất đất gần 42m2. Nguyên nhân xảy ra sạt là do ảnh hưởng dòng chảy. Ước tổng thiệt hại 2 điểm sạt lở gần 230 triệu đồng. Nhận được tin báo, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Ngã Bảy đã xuống hiện trường phối hợp UBND xã Đại Thành điều động dân quân tự vệ, công an và các đoàn thể cùng với người dân tham gia khắc phục, dọn dẹp điểm sạt lở.

Khẩn trương khắc phục

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, chỉ tính riêng trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 63 điểm sạt lở, tổng chiều dài 1.550m, diện tích mất đất 9.362m2, ước tổng thiệt hại 5,606 tỉ đồng. So với cùng kỳ năm 2022 tăng 46 điểm sạt lở, chiều dài sạt lở tăng 1.089m, diện tích mất đất tăng 6.528m2, ước thiệt hại tăng 3,544 tỉ đồng. Còn chưa đầy 2 tháng của năm 2024, toàn tỉnh cũng đã xảy ra 6 điểm sạt lở đất bờ kênh, chiều dài sạt lở 129m; diện tích mất đất 623,1m2; ước thiệt hại là 1,056 tỉ đồng.

Trong năm 2023, tỉnh Hậu Giang tiếp tục được Trung ương hỗ trợ 400 tỉ đồng để thực hiện 3 kè chống sạt lở với chiều dài 3.748m và đầu tư bố trí ổn định dân cư khu vực thiên tai, sạt lở bờ sông Cái Côn, huyện Châu Thành. Trung ương hỗ trợ 200 tỉ đồng để thực hiện tuyến kè kênh Lái Hiếu, phường Lái Hiếu, thành phố Ngã Bảy và kênh Nàng Mau, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp. Ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho biết: Huyện đang khẩn trương hoàn tất các bước thủ tục cuối cùng để di dời người dân sống hai bên bờ kênh xáng Nàng Mau, thuộc 2 ấp Thạnh Lợi A1 và Thạnh Lợi A2 vào Khu tái định cư sạt lở Tân Long. Phấn đấu đến hết quý II/2024 sẽ hoàn tất việc di dời người dân để bàn giao lại mặt bằng cho đơn vị thi công làm kè kênh xáng Nàng Mau.

Để khẩn trương xử lý vụ sạt lở tại ấp Thạnh Lợi A1, cũng như triển khai các giải pháp hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông tại kênh xáng Nàng Mau đoạn qua địa phận ấp Thạnh Lợi A1 và Thạnh Lợi A2, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, sáng ngày 22-2, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang đã có buổi kiểm tra thực tế hiện trường vụ sạt lở. Theo ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, qua kiểm tra thực tế tình hình sạt lở thì khu vực này diễn biến khá phức tạp, khả năng sẽ tiếp tục xảy ra sạt lở. Do đó, đề nghị địa phương khẩn trương điều tra, xác minh lại số lượng nhà nằm trong khu vực có nguy cơ cao, đồng thời cắm mốc cảnh báo sạt lở. Riêng Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh sẽ khẩn trương tham mưu cho lãnh đạo tỉnh sớm di dời những hộ dân này ra khỏi vùng sạt lở để đảm bảo tài sản và tính mạng. Song song đó, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án kè chống sạt lở kênh xáng Nàng Mau để hạn chế tình trạng sạt lở ăn sâu vào đất liền.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, việc phát triển hồ chứa ở thượng nguồn hệ thống sông Mê Kông đã làm thay đổi chế độ dòng chảy trên sông, làm mất cân bằng bùn cát dẫn đến hạ thấp đáy sông, xói lở bờ sông kênh rạch. Bên cạnh đó, các hoạt động khai thác khoáng sản, khai thác cát dọc các con sông cũng làm cho lòng dẫn bị xói sâu, hạ thấp, bờ sông, kênh rạch bị sạt lở, môi trường nước bị ảnh hưởng. Trong thời gian tới, tình hình sạt lở bờ sông, kênh rạch ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Hậu Giang nói riêng sẽ tiếp tục diễn ra phức tạp và nghiêm trọng.

T.TRÚC - D.KHÁNH - V.MINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>