Đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách

27/06/2022 | 07:48 GMT+7

Các tổ công nghệ số cộng đồng khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung hỗ trợ người dân cài app Hậu Giang, ví điện tử, tuyên truyền kế hoạch không dùng tiền mặt... với mục tiêu đưa chuyển đổi số thâm sâu mọi ngõ ngách của cuộc sống, nền tảng để xây dựng thành công chính quyền điện tử.

Tổ công nghệ số cộng đồng ở các địa phương đang ra quân quyết liệt hỗ trợ người dân tạo tài khoản dịch vụ công, cài đặt ví điện tử, tạo mã QR...

Hào hứng khi đi chợ không cần… tiền mặt

Không mang theo tiền mặt, người dân vẫn có thể dễ dàng mua hàng khi đến chợ với nhiều mức giá khác nhau thông qua thanh toán bằng ví điện tử như: Viettel Pay, VNPT Money, VNPT Pay… Đây là cách thức thanh toán đang được triển khai rộng rãi tại các chợ trên địa bàn thành phố Vị Thanh. Dù mới được triển khai, nhưng việc cài đặt và sử dụng ví điện tử trong thanh toán thay cho hình thức dùng tiền mặt đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng từ người dân và các tiểu thương trên địa bàn thành phố.

Ông Lý Minh Tâm, tiểu thương tại chợ Vị Thanh, tâm sự: “Bản thân sử dụng điện thoại thông minh, nhưng thường để nghe gọi hoặc vào zalo, facebook chứ trước giờ không biết có thể cài ví điện tử để thanh toán thay cho hình thức dùng tiền mặt. Giờ được hướng dẫn cài ví điện tử, tôi thấy rất tiện lợi, mình có thể thanh toán tiền hàng nhanh gọn, không mất nhiều thời gian như trước. Nếu ai cũng cài ví điện tử, khi đến mua hàng hóa ở các chợ có thể thanh toán dễ dàng, mà không cần mang theo nhiều tiền mặt, sẽ vừa an toàn lại tiện lợi”.

Địa bàn rộng, nhiều xã nằm ở vùng nông thôn, người dân phần lớn chưa sử dụng điện thoại thông minh hoặc chưa biết truy cập vào mạng, nắm bắt thực trạng của địa phương, tổ công nghệ số cộng đồng các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Long Mỹ, đang tập trung hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi số với các bước đơn giản nhất. Sau khi được hỗ trợ cài đặt aap Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Bằng, ở xã Vĩnh Thuận Đông, chia sẻ: “Mấy đứa nhỏ mua cho cái điện thoại thông minh, nhưng trước giờ tôi chỉ để gọi zalo cho con cháu, giờ được tổ công nghệ số cộng đồng ở xã hướng dẫn cài app Hậu Giang, ví điện tử thanh toán không dùng tiền mặt trên điện thoại, tôi thấy các ứng dụng rất hay. Qua app Hậu Giang, tôi có thể theo dõi thông tin về dịch Covid-19, đặt lịch hẹn khám bệnh, đặt lịch đến làm thủ tục hành chính… rất tiện lợi”.

Xu hướng tất yếu

Xác định chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng gắn với phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, cuối tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thành lập và tổ chức hoạt động tổ công nghệ số cộng đồng tại các ấp, khu vực trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Mỗi ấp, khu vực thuộc các xã, phường, thị trấn thành lập 1 tổ công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ việc tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng số cho người dân trên địa bàn.

Mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2022, hầu hết các doanh nghiệp, hộ gia đình tại các ấp, khu vực có kỹ năng số, có khả năng thực hiện dịch vụ công trực tuyến, sử dụng các nền tảng số để phát triển kinh tế số, tham gia các ứng dụng xã hội số. Đến hết năm 2023, hầu hết người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh có kỹ năng số để tương tác với cơ quan nhà nước, sử dụng nền tảng số phục vụ phát triển kinh tế số, tham gia các ứng dụng xã hội số.

Cụ thể, đến quý III năm nay, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được nộp và xử lý trực tuyến trên tổng số hồ sơ phát sinh đạt 30%; 70% hộ gia đình tại các ấp, khu vực có kỹ năng số, có khả năng tham gia các nền tảng số để phát triển kinh tế số, xã hội số; 40% hộ gia đình cài ứng dụng di động Hậu Giang. Đến quý IV/2022, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được nộp và xử lý trực tuyến trên tổng số hồ sơ phát sinh đạt 50%; 90% hộ gia đình tại các ấp, khu vực có kỹ năng số, có khả năng tham gia các nền tảng số để phát triển kinh tế số, xã hội số; 70% hộ gia đình cài ứng dụng di động Hậu Giang.

Đến nay, hầu hết các địa phương đã thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng. Ông Hồ Văn Út, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tổ công nghệ số cộng đồng huyện Châu Thành A, cho biết: “Trên địa bàn huyện có 79/79 ấp đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng. 8/10 xã, thị trấn của huyện đã hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi số. Đối với tiểu thương buôn bán tại chợ, chúng tôi sẽ tạo tài khoản dịch vụ công, cài đặt ví điện tử, tạo mã QR để người mua quét mã khi không dùng tiền mặt. Với người dân, tổ hỗ trợ cập nhật thông tin sim chính chủ, tạo tài khoản dịch vụ công và tải app Hậu Giang. Bước đầu hỗ trợ, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn khi người dân còn e dè vì không rành việc sử dụng ví điện tử hoặc sử dụng các thao tác trên các ứng dụng. Tuy nhiên, qua tuyên truyền và hướng dẫn của các thành viên, người dân trên địa bàn khá đồng tình và tích cực sử dụng tiện ích của các ứng dụng”.

Tính đến thời điểm hiện nay, hầu hết tiểu thương ở các chợ truyền thống trên địa bàn huyện Châu Thành A, đã được hướng dẫn thực hiện chuyển đổi số để tiến tới thực hiện mô hình chợ 4.0. Riêng về người dân, nhất là các nhà vườn cũng được hỗ trợ cài đặt ứng dụng voso.vn để buôn bán các mặt hàng nông sản trên sàn thương mại điện tử.

Dù là bước khởi đầu, nhưng có thể thấy chuyển đổi số đã mở ra cơ hội để người dân bình đẳng tiếp cận các dịch vụ, đào tạo, tri thức, mang lại nhiều tiến bộ lớn về cuộc sống cho người dân. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và địa phương, tin rằng mục tiêu thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số của tỉnh sẽ sớm đạt kế hoạch đề ra.

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>