Dịch tay - chân - miệng tăng cao

Phải thận trọng và phòng ngừa tốt

04/01/2024 | 09:18 GMT+7

Trong 3 tháng cuối năm 2023, tỉnh ghi nhận số ca bệnh tay - chân - miệng (TCM) tăng cao, chiếm gần 2/3 tổng số ca mắc của cả năm 2023, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát nếu không chủ động dự phòng trong thời điểm này.

Bác sĩ khám bệnh và dặn dò rất kỹ đối với trẻ bệnh TCM ở Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Hậu Giang.

Ghi nhận trên 1.200 ca bệnh trong 3 tháng

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tháng 12 vừa qua, tỉnh ghi nhận 460 ca bệnh TCM, tháng 11 cũng ghi nhận số mắc cao là 485 ca bệnh, trong khi tháng 10 có 268 ca bệnh. Như vậy, chỉ trong quý IV/2023, đã ghi nhận trên 1.200 ca bệnh TCM, chiếm hơn 2/3 tổng số ca mắc bệnh này cả năm với 1.803 ca.

Theo thông tin của ngành y tế, năm 2023 số ca bệnh TCM đã tăng hơn 2 lần so với năm 2022 và có một trường hợp tử vong trong khi năm 2022 không có trường hợp tử vong. Ông Lê Văn Chúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Tình hình bệnh TCM gia tăng ở tất cả 8 huyện, thị, thành phố, trong đó, huyện có số mắc cao nhất là huyện Phụng Hiệp với 622 ca,  tăng 4 lần so với năm 2022”.

Ở huyện Phụng Hiệp, tình hình bệnh TCM diễn biến tăng cao, ở nhiều xã, thị trấn có số mắc trên 50 ca, đặc biệt xã Hoà Mỹ ghi nhận số ca mắc cao nhất tỉnh và có 1 ca tử vong.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng trạm Y tế xã Hòa Mỹ, cho biết: “Năm nay, xã ghi nhận 95 ca bệnh TCM, bệnh gia tăng nhiều vào 3 tháng cuối năm, trong đó, có 1 trường hợp tử vong. Đối với các ca bệnh ghi nhận, chúng tôi thực hiện giám sát phòng dịch, tuyên truyền, vận động người dân xung quanh phòng bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Trung tâm Y tế huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng tăng cường giám sát để hỗ trợ xã kiểm soát các ổ dịch nhỏ, không để dịch lây lan và phát triển thành ổ dịch lớn. Dù số mắc tăng nhưng tình hình dịch vẫn đang được kiểm soát”. Qua tình hình dịch bệnh tại địa phương, ông Hòa trăn trở một bộ phận người dân vẫn chưa quan tâm thực hiện tốt khâu phòng bệnh TCM, đây là khó khăn của xã để kéo giảm số mắc trong thời gian tới.

Chú trọng quan tâm điều trị và dự phòng

Ghi nhận tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, những trẻ bệnh TCM được quan tâm theo dõi sát tình hình bệnh. Bác sĩ Trần Kỷ, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, thông tin: “Công tác điều trị bệnh TCM được quan tâm đặc biệt. Chúng tôi luôn theo sát tình hình sức khỏe của trẻ điều trị nội trú, bác sĩ sẽ khám ngày 2 lần và theo dõi biểu hiện chuyển độ của bệnh nhi. Những trường hợp có dấu hiệu chuyển độ sẽ phối hợp với Khoa Hồi sức tích cực - chống độc để hội chẩn và đánh giá xem có thể xử trí tại bệnh viện hoặc chuyển viện. Nhằm xử trí kịp thời các trường hợp chuyển độ nặng, giảm thiểu các trường hợp tử vong”.

Ngoài ra, đối với các trẻ khám và điều trị ngoại trú, bác sĩ đặc biệt hướng dẫn gia đình theo dõi sát tình trạng, biểu hiện bệnh của trẻ. Chị Nguyễn Thị Thủy, ở thành phố Vị Thanh, đưa hai con đến khám bệnh tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, cho biết: “Cả hai con tôi đều mắc bệnh TCM. Một bé có dấu hiệu nổi mụn nước nhiều ở tay, chân và miệng, bé còn lại triệu chứng ít hơn. Hai bé sinh đôi được 10 tháng tuổi, bé này bị bệnh lây cho bé kia. Bác sĩ tư vấn tôi quan tâm theo dõi sức khỏe của con và chỉ cho thuốc 2 ngày phải trở lại tái khám để theo dõi tình trạng bệnh. Nếu có các dấu hiệu bất thường gì thì đưa ngay đến bệnh viện để được khám, chẩn đoán điều trị kịp thời”.

Bệnh TCM đang gia tăng, bên cạnh việc nỗ lực của y, bác sĩ để điều trị cho các trẻ mắc bệnh, việc quan tâm phòng bệnh là mấu chốt quan trọng để kéo giảm số ca mắc trong những ngày tới trên địa bàn tỉnh. Ông Lê Văn Chúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo tăng cường công tác giám sát, kiểm soát các ca nhiễm khi phát hiện tránh lây lan cho các trẻ khác. Tăng cường tuyên truyền vận động các gia đình quan tâm thực hiện các biện pháp phòng bệnh TCM cho con em mình. Phối hợp tuyên truyền ở các trường mầm non, mẫu giáo để quan tâm công tác phòng bệnh”.

Theo ngành y tế, việc phòng bệnh TCM cần có sự quan tâm thực hiện thường xuyên của các gia đình, người chăm sóc trẻ, góp phần cùng ngành y tế kéo giảm số ca mắc, giảm biến chứng và tử vong do bệnh TCM ở trẻ năm 2024 này.

Có 1 trường hợp tử vong trong năm 2023

Chỉ trong quý IV/2023, đã ghi nhận trên 1.200 ca bệnh TCM, chiếm hơn 2/3 tổng số ca mắc bệnh này cả năm với 1.803 ca.

Năm 2023 số ca bệnh TCM đã tăng hơn 2 lần so với năm 2022 và có 1 trường hợp tử vong, trong khi năm 2022 không có trường hợp tử vong.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>