“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”

10/12/2018 | 08:02 GMT+7

Bên cạnh công tác điều trị bệnh thì công tác y tế dự phòng được xem là then chốt để chăm sóc sức khỏe người dân trong tình hình mới với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Công tác tiêm chủng mở rộng được triển khai hiệu quả đã góp phần quan trọng vào thành công dự phòng bệnh cho người dân.

Tiêm vắc-xin cho trẻ ở xã Tân Bình.

Ngày nay, qua nhiều năm thực hiện công tác tiêm chủng đã có được nhận thức cao từ phía người dân. Các gia đình khi có con đều đưa trẻ đến cơ sở y tế để tiêm đầy đủ các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng bệnh đối với những loại bệnh có vắc-xin. Nhờ vậy, đa số trẻ từ khi mới sinh đến 12 tháng tuổi được tiêm vắc-xin miễn dịch đầy đủ bảo vệ trẻ khỏi các căn bệnh nguy hiểm. Bà Lâm Thị Cẩm Hồng, có con trai là bé Nguyễn Lâm Mạch Nhân, 12 tháng tuổi, ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Khi cháu mới chào đời đã được tiêm vắc-xin, đến nay thì cũng đã tiêm đầy đủ các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, gần đây nhất là ngày 4-12, gia đình đưa cháu đi tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản. Cán bộ Trạm Y tế xã Tân Bình bảo tiêm mũi 2 sau mũi 1 một tuần, tức là vào ngày 11-12. Đến ngày đó, tôi cũng sẽ đưa cháu đi tiêm vắc-xin để phòng bệnh”.

Không chỉ có bà Cẩm Hồng mà nhiều gia đình khác cũng biết và đưa trẻ đến tiêm chủng ở các trạm y tế. Bà Huỳnh Thị Hanh, cán bộ phụ trách công tác tiêm chủng, Trạm Y tế xã Tân Bình, chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, trạm đã duy trì tiêm vắc-xin cho trẻ định kỳ hàng tháng vào các ngày 3, 4 và ngày 5 tiêm cho thai phụ. Lịch tiêm chủng được cố định nên hầu hết người dân biết. Trong năm 2018, chúng tôi đã tiêm cho 304 trẻ được miễn dịch đầy đủ, đạt tỷ lệ 97%. Mấy năm gần đây, khi triển khai quản lý tiêm chủng trên phần mềm đã nắm được những trường hợp trẻ mới sinh. Cộng tác viên dân số cũng đến tuyên truyền, vận động để người dân biết lịch tiêm”. Việc đảm bảo an toàn tiêm chủng cũng rất được quan tâm, sau khi tiêm vắc-xin, cán bộ y tế giữ sổ của trẻ khoảng 30 phút để gia đình ngồi đợi không để gia đình đưa trẻ về ngay sau khi tiêm, nhằm kịp thời xử trí nếu có phản ứng sau tiêm vắc-xin.

Định kỳ hàng tháng vào ngày 3, 4, 5 tất cả 76 trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực trên địa bàn tỉnh đều triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ và thai phụ. Mạng lưới cán bộ làm công tác tiêm chủng đã phủ kín ở các địa phương và đều đạt yêu cầu về chuyên môn. Ông Nguyễn Văn Lành, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, khẳng định: “Việc đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác tiêm chủng luôn được thực hiện thường xuyên. Tất cả cán bộ ở y tế xã, phường, thị trấn đều có trình độ trung cấp trở lên. Công tác giám sát tiêm chủng cũng duy trì hàng tháng và giám sát chặt chẽ hạn chế thấp nhất các trường hợp sai sót, phản ứng sau tiêm vắc-xin”. Trong năm qua, tỉnh đã thực hiện đạt trên 95% trẻ được miễn dịch đầy đủ, cụ thể vắc-xin sởi có gần 11.000 trẻ tiêm, bại liệt trên 11.000 trẻ, lao trên 10.400 trẻ, viêm não Nhật Bản trên 10.800 trẻ,… riêng vắc-xin Quinvaxem chỉ có trên 9.700 trẻ tiêm mũi 1 và mũi 2, mũi 3 số lượng thấp hơn.

Thực tế, các bệnh có vắc-xin dự phòng số mắc rất ít. Theo bà Huỳnh Thúy Hoa, Trưởng trạm Y tế xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy: “Thời gian qua nhờ làm tốt công tác tiêm chủng nên các bệnh ho gà, uốn ván, viêm não Nhật Bản, bệnh sởi, bại liệt,… hầu như không ghi nhận địa bàn. Trong khi, các bệnh lưu hành khác chưa có vắc-xin phòng bệnh như bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng vẫn có nhiều trẻ mắc bệnh dù số trẻ mắc hai bệnh truyền nhiễm này ở xã cũng giảm so với năm 2017”.

Trên địa bàn tỉnh, mấy năm gần đây cũng ghi nhận rất ít các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm não Nhật Bản,… Những tháng gần đây, chỉ ghi nhận 14 cas bệnh ho gà, bệnh sởi hầu như không có, chỉ có vài trường hợp mắc sốt phát ban dạng sởi. Theo chia sẻ của ông Lành: “Những tháng gần đây, công tác tiêm chủng gặp khó khăn do không có vắc-xin Quinvaxem để tiêm cho trẻ, nên không ít trẻ trong diện tiêm chủng phải hoãn tiêm. Dự kiến trong năm tới sẽ triển khai tiêm vắc-xin ComBE Five thay thế vắc-xin Quinvaxem, đã triển khai thí điểm ở 7 tỉnh trong cả nước. Trong thời gian không có vắc-xin Quinvaxem, nhiều người dân muốn tiếp tục tiêm vắc-xin cho con mình đủ mũi đã chuyển sang tiêm vắc-xin 6 trong 1 dịch vụ. Cho thấy, nhận thức về vấn đề tiêm chủng đã được nâng lên và hiệu quả công tác tiêm chủng đã được người dân nhìn nhận.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>