49 năm lập bàn thờ Bác tại nhà

14/06/2018 | 08:56 GMT+7

Đến nhà cô Trương Thị Chí Linh (ở ấp 12, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ) vào buổi chiều mưa nhưng không khí rất ấm cúng bởi có bàn thờ Bác đặt trang trọng giữa nhà. Theo lời kể của cô Linh, bàn thờ được cha chồng của cô lập từ năm 1969 khi hay tin Bác mất.

Cô Linh và gia đình vẫn ngày ngày dâng hương tưởng nhớ Bác.

Cô Linh kể, ngay sau khi Bác mất, gia đình cùng một số bà con hàng xóm tiến hành làm lễ truy điệu, để tang Bác 7 ngày giống như ông bà trong nhà. Những năm tháng chiến tranh ác liệt, nhiều lần giặc càn quét, đôi khi nhà bị đốt nhưng cha chồng cô vẫn quyết tâm giữ gìn di ảnh Bác. Để che mắt giặc, di ảnh được đặt trong thanh trúc treo trên nóc nhà, còn lư hương vẫn đặt giữa nhà giống như thờ tổ tiên. Cô Linh bộc bạch: “Gia đình tôi, cũng như tất cả người dân Việt Nam đều rất quý và mang ơn Bác, nhờ Bác mà đất nước hòa bình, ấm no. Lập bàn thờ Bác trong nhà là tâm nguyện của cả gia đình, để chúng tôi nhìn vào đó mà học tập, làm việc, sống cho đúng, có trách nhiệm với xã hội”.

Chắc hẳn những ngày tháng bên gia đình chồng đã giúp cô Linh, một giáo viên trẻ (lúc bấy giờ) lại càng thấm thía và hiểu hơn về vị Cha già kính yêu của dân tộc. Thêm vào đó, trong thời chiến, gia đình chồng cô Linh từng tham gia và nuôi chứa bộ đội nên truyền thống cách mạng đã thấm sâu vào máu. Ngày hôm nay, nhiệm vụ của con cháu đời sau được gia đình duy trì là noi gương truyền thống cách mạng, nuôi dạy con tốt, trở thành người có ích cho xã hội.

Để thể hiện lòng tôn kính và tưởng nhớ Bác, đều đặn từ ngày lập bàn thờ đến nay, đã 49 năm qua, gia đình cô luôn làm mâm cơm dâng lên Bác vào 2 ngày 3-9 và 19-5 hàng năm. Lúc ấy, các thành viên trong gia đình đều quây quần về, thắp cho Bác nén hương để tỏ lòng tưởng nhớ. Đối với gia đình cô Linh, Bác vẫn sống mãi mãi trong lòng, là ánh sáng chỉ đường cho họ. Ông Trần Thanh Nghĩa, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Viễn, nói: “Hàng năm, địa phương thường tổ chức đoàn đến thăm và dùng với gia đình cô Linh bữa cơm thân tình nhân dịp 3-9 và 19-5. Việc lập bàn thờ Bác tại nhà cô Linh là việc làm đáng quý, ý nghĩa cần được giữ gìn và phát huy”.

Cô Linh hiện là giáo viên Trường THPT Tây Đô, huyện Long Mỹ. Với trách nhiệm một người đứng trên bục giảng, cô luôn học Bác nhiều điều như khiêm tốn, chí công vô tư, giản dị và có trách nhiệm với công việc. Cô xem việc học Bác là việc làm thường xuyên, kim chỉ nam trong mọi hoạt động. Với trách nhiệm là một giáo viên có hơn 30 năm công tác, trong tiết dạy hay hoạt động ngoài giờ cô thường sinh hoạt, giáo dục cho học sinh hiểu hơn về Bác, kể những mẩu chuyện về Bác như lúc Bác bôn ba nước ngoài, nhường cơm sẻ áo cho người nghèo,… để giúp các em nhận thức, phấn đấu học tập. Từ đó, giúp học sinh hiểu, ý thức rằng học là để chiến thắng bản thân và cống hiến sức mình cho đất nước, thi đua ra sức học tập tốt để làm rạng danh nước nhà. Ông Phạm Tấn Lợi, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tây Đô, huyện Long Mỹ, cho biết: “Bản thân cô Linh luôn gương mẫu và hoàn thành tốt các nhiệm vụ của trường. Cô luôn sống hòa nhã, gần gũi và hết lòng giúp đỡ đồng nghiệp”. Cô Linh đã nhận được giấy khen của Huyện ủy Long Mỹ với thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015; bằng khen của UBND tỉnh có thành tích thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2015-2016,…

Chia tay gia đình cô Linh khi cơn mưa vẫn nặng hạt những ngày tháng 6, ngoài trời tuy có lạnh nhưng lòng người lại cảm thấy ấm áp bởi chứa đựng tình cảm của những người con đất Việt nặng lòng với Bác…

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích