Bình thường hóa đến thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc

20/02/2024 | 08:33 GMT+7

74 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc (18-01-1950) đến nay mặc dù có lúc thăng trầm và tồn tại những bất đồng, những điểm khác biệt nhưng hữu nghị và hợp tác luôn là dòng chảy chính trong quan hệ giữa hai nước...

Về chính trị, ngoại giao

Từ ngày 5 đến 10-11-1991, nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân và Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Bằng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đây là mốc thời gian đánh dấu chính thức bình thường hóa và mở ra một trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Hai bên tuyên bố hai nước Việt Nam - Trung Quốc sẽ phát triển quan hệ hữu nghị và láng giềng thân thiện, trên cơ sở 5 nguyên tắc: Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và cùng tồn tại hòa bình.

Từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991, quan hệ hai nước được khôi phục nhanh chóng, về tổng thể cơ bản phát triển toàn diện theo xu thế ngày càng ổn định, tích cực.

Khuôn khổ quan hệ hai nước không ngừng được bổ sung, hoàn thiện với phương châm 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” (năm 1999), tinh thần “bốn tốt” là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (năm 2002) và thiết lập khuôn khổ quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” (năm 2008). Sau 15 năm triển khai khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (2008-2023), quan hệ hai nước về tổng thể phát triển tích cực trên các lĩnh vực, tin cậy chính trị được tăng cường qua các chuyến thăm, trao đổi cấp cao và các cấp, đặc biệt là quan hệ giữa hai đồng chí Tổng Bí thư. Sự kiện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Cửa khẩu Hữu Nghị (tháng 8-2023) và “Tuyên bố chung về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc” được đưa ra trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (12/12 - 13/12/2023) đã tăng cường định hướng chiến lược, tiếp thêm động lực phát triển cũng như sức lan tỏa mạnh mẽ cho quan hệ Việt - Trung.

Hợp tác giữa hai đảng được đẩy mạnh, góp phần quan trọng vào việc xây dựng quan hệ tin cậy giữa hai nước. Hai bên duy trì trao đổi đoàn và thiết lập cơ chế giao lưu, hợp tác thường xuyên giữa các ban đảng, nhất là trong lĩnh vực đào tạo cán bộ, xây dựng đảng,...; tổ chức thành công cơ chế gặp gỡ cấp cao hai đảng và hội thảo lý luận để trao đổi về kinh nghiệm xây dựng đảng, quản lý nhà nước, đổi mới, cải cách mở cửa và hội nhập quốc tế; ký kết và triển khai hiệu quả kế hoạch hợp tác giữa hai đảng. Những hoạt động này đã góp phần định hướng chiến lược, tạo động lực và bảo đảm chính trị cho quan hệ song phương phát triển lành mạnh, ổn định.

Giao lưu, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Nhân Đại Trung Quốc, giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính hiệp Trung Quốc và các bộ, ngành như ngoại giao, quốc phòng, an ninh không ngừng được tăng cường. Đến nay, hai bên đã phối hợp tổ chức thành công 11 kỳ Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương cũng như triển khai tốt hoạt động Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung, Đối thoại an ninh chiến lược, Đối thoại chiến lược quốc phòng,...

Quan hệ giữa các địa phương được tăng cường với các cơ chế, như: Ủy ban công tác liên hợp giữa 4 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc); Nhóm công tác liên hợp giữa 4 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); Hội nghị kiểm điểm tình hình hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương Việt Nam với tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc); Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) và Côn Minh (Trung Quốc).

Giao lưu, trao đổi giữa các đoàn thể quần chúng ngày càng mở rộng, góp phần tăng cường tin cậy, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, tạo cơ sở vững chắc cho quan hệ hai nước. Hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động phong phú như Diễn đàn nhân dân, Liên hoan hữu nghị nhân dân, Liên hoan nhân dân biên giới, Gặp gỡ hữu nghị thanh niên, Liên hoan thanh niên...

Về kinh tế

Về thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều không ngừng phát triển, đặc biệt là trong những năm đầu thế kỷ XXI. Chỉ số trao đổi thương mại của hai nước cho thấy mức độ gia tăng không ngừng hợp tác kinh tế hai nước và không ngừng vượt qua các kế hoạch và dự báo của hai bên cho mỗi giai đoạn. Năm 1991, kim ngạch thương mại hai bên chỉ là 32 triệu USD, năm 2010, kim ngạch thương mại song phương đã lên tới 27,3 tỉ USD. Năm 2022, chỉ số này là 175,56 tỉ USD. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Bộ Công thương, trong 10 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt - Trung ước đạt 139,2 tỉ USD; với chỉ số này, Trung Quốc là đối tác thương mại đầu tiên của Việt Nam đạt quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu từ 100 tỉ USD trở lên trong năm 2023 và tiếp tục duy trì vị thế bạn hàng lớn nhất nước ta; đồng thời Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại Trung Quốc - ASEAN, là đối tác thương mại thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới.

Về đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam không ngừng gia tăng: Từ tháng 11-1991 đến tháng 12-1999, Trung Quốc mới có 76 dự án với tổng số vốn đầu tư theo giấy phép là 120 triệu USD. Nhưng chỉ 10 năm sau (tháng 12-2009), Trung Quốc đã có 657 dự án tại Việt Nam với số vốn đăng ký là hơn 2,6 tỉ USD. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2011, số vốn đăng ký của Trung Quốc (bao gồm Đài Loan) là 1,3 tỉ USD thì tính đến năm 2023, số vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là 2,92 tỉ USD, chiếm 14,5% tổng lượng vốn đầu tư.

Về giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch

Những năm gần đây, hợp tác giáo dục - đào tạo hai nước phát triển rất mạnh mẽ. Năm 2022, hai nước ký kết Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa; theo đó, hàng năm Trung Quốc duy trì tổng số 150 suất học bổng toàn phần đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục đại học Trung Quốc và Việt Nam duy trì tổng số 15 suất học bổng toàn phần dành cho Trung Quốc đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Ngoài ra, tại chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 11-2022, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc; trong đó, phía Trung Quốc cam kết trong 5 năm tới cung cấp cho Việt Nam không dưới 1.000 suất học bổng Chính phủ Trung Quốc và giúp đỡ Việt Nam bồi dưỡng giáo viên tiếng Trung Quốc.

Hợp tác trên lĩnh vực văn hóa giữa hai bên cũng đạt được nhiều thành tựu, nhất là giao lưu văn hóa truyền thống, triển lãm hội họa, xuất bản, báo chí, điện ảnh... Từ năm 1991 đến nay, Việt Nam đã cử hơn 200 đoàn đại biểu văn hóa sang Trung Quốc biểu diễn, khảo sát, học hỏi; Trung Quốc cũng cử hàng trăm đoàn giao lưu văn hóa hữu nghị với Việt Nam.

Về du lịch, kể từ khi bình thường hóa quan hệ đến nay, hợp tác du lịch hai nước ngày càng mạnh mẽ. Nếu như Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách hàng đầu của du lịch Việt Nam thì Việt Nam cũng là 1 trong 5 thị trường nước ngoài lớn nhất gửi khách tới Trung Quốc trong nhiều năm. Lượng khách đi lại giữa hai nước tiếp tục tăng lên khi các sản phẩm du lịch hấp dẫn liên tục được đưa ra thu hút du khách.

Về biên giới lãnh thổ

Về biên giới trên bộ, hai nước Việt Nam - Trung Quốc có đường biên giới trên đất liền dài hơn 1.400km. Sau khi bình thường hóa quan hệ, hai bên đã tiến hành đàm phán thực chất và ký kết “Hiệp ước biên giới trên đất liền” ngày 30-12-1999. Tháng 2-2009, sau 10 năm đàm phán, hai nước đã hoàn thành việc cắm mốc biên giới trên đất liền.

Về Vịnh Bắc Bộ, năm 2000, hai nước ký “Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa” và “Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ”, có hiệu lực từ năm 2004. Hiện nay, các Hiệp định trên được triển khai tương đối thuận lợi, công tác quản lý đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi hải sản dần đi vào nền nếp. Hai bên cũng thực hiện tốt công tác điều tra liên hợp nguồn thủy sản và tuần tra chung của hải quân hai nước ở Vịnh Bắc Bộ.

 Về vấn đề Biển Đông, ngay từ khi bình thường hóa quan hệ, hai bên đã đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về việc kiểm soát bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Hai bên đã ký kết “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” (năm 2011), thiết lập và duy trì thường xuyên cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ, các cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao hai nước và 3 cơ chế đàm phán; từ đó, góp phần tạo tiền đề, niềm tin để hai bên tiếp tục đàm phán, tìm kiếm biện pháp tăng bước giải quyết vấn đề Biển Đông trên cơ sở quan hệ hữu nghị hai nước, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002 (DOC) giữa Trung Quốc và ASEAN.

Về quốc phòng, an ninh

Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc có những bước tiến mạnh mẽ với việc hai bên thường xuyên trao đổi đoàn tạo sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, đẩy mạnh chia sẻ nhằm bảo vệ thành quả của chủ nghĩa xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, an ninh chế độ. Quân đội hai nước thống nhất nhận thức về sự chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của hai nước thông qua các thủ đoạn chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, chia rẽ Đảng với Quân đội, Quân đội với nhân dân và mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Về an ninh, hai bên ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác ở các cấp, từ Trung ương đến địa phương. Bắt đầu từ năm 2015, Việt Nam và Trung Quốc triển khai cơ chế đối thoại an ninh cấp Thứ trưởng, thúc đẩy hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc. Hai bên hợp tác hiệu quả trong phòng, chống một số vấn đề an ninh phi truyền thống, mở nhiều đợt cao điểm trấn áp tội phạm về ma túy, buôn bán người, truy nã tội phạm,... ở khu vực biên giới và tổ chức hội nghị tổng kết công tác hàng năm.

74 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc (18-01-1950) đến nay mặc dù có lúc thăng trầm và tồn tại những bất đồng, những điểm khác biệt nhưng hữu nghị và hợp tác luôn là dòng chảy chính trong quan hệ giữa hai nước. Những thành quả trong quan hệ Việt - Trung đặc biệt trong hơn 30 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ là tài sản quý báu của Nhân dân hai nước, cần tiếp tục được kế thừa, bảo vệ và phát huy như lời khẳng định tại Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc trong chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước tới Việt Nam (tháng 12-2023) của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình “Việt Nam - Trung Quốc vừa là láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt, đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, chế độ chính trị tương đồng, lý tưởng niềm tin tương thông, con đường phát triển gần gũi, cùng chung chí hướng, chia sẻ tương lai chung, đều nỗ lực vì Nhân dân hạnh phúc và đất nước giàu mạnh, nỗ lực vì sự nghiệp cao cả hòa bình và tiến bộ của nhân loại”.

 

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>