Chống bệnh sợ sai: Sớm có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

04/03/2024 | 16:06 GMT+7

Đóng góp ý kiến dự thảo tổng kết công tác xây dựng Đảng, đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm để chống sợ sai, sợ trách nhiệm.

Hội nghị đóng góp ý kiến cho dự thảo đề cương báo cáo của Tiểu ban Điều lệ Đảng với các tỉnh Tây Nguyên ngày 4-3 - Ảnh: TẤN LỰC

Ngày 4-3 tại TP Pleiku (Gia Lai), Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội XIV tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến dự thảo các đề cương báo cáo của tiểu ban với các tỉnh vùng Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, thành viên tiểu ban - chủ trì hội nghị.

Góp ý dự thảo tổng kết công tác xây dựng Đảng

Tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho hay theo dự kiến, Đại hội XIV của Đảng sẽ tổ chức trong quý 1-2026 để đánh giá 40 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam.

Theo ông Nghĩa, tầm nhìn Đại hội XIV đến năm 2030 sẽ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng. Đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tại buổi làm việc, ông Nghĩa đề nghị các địa phương góp ý cho dự thảo đề cương báo cáo tổng kết 5 năm xây dựng Đảng và đề cương tổng kết 15 năm thực hiện Điều lệ Đảng.

Trong đó tập trung thảo luận về những thuận lợi, khó khăn của tình hình trong nước và quốc tế tác động tới công tác xây dựng Đảng; nguyên nhân chủ quan, khách quan về nhận thức đối với công tác xây dựng Đảng; quán triệt, cụ thể hóa chủ trương của Đảng;

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương trong tổ chức các nhiệm vụ về xây dựng Đảng; việc triển khai 3 nhiệm vụ trọng tâm và 3 giải pháp đột phá được các tổ chức Đảng, cấp ủy thực hiện trong thời gian qua;

Cho ý kiến các bài học kinh nghiệm, tư vấn nhiệm vụ, giải pháp công tác xây dựng Đảng; dự báo tình hình, phương hướng, giải pháp công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới…

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Ông Châu Ngọc Tuấn - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Gia Lai - đề nghị bổ sung các nội dung về công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ và kết quả đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thực hiện cơ chế khuyến khích, bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Ông Châu Ngọc Tuấn - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Gia Lai - Ảnh: TẤN LỰC

Trong khi đó, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk Phạm Minh Tấn đề nghị báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng cần làm rõ công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đánh giá sâu hơn về công tác bảo vệ chính trị nội bộ và việc thể chế hóa chủ trương thực hiện dân chủ cơ sở. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tổ chức cán bộ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và biểu dương kịp thời các nhân tố tích cực, hành động tốt đẹp.

Việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, chống hiện tượng sợ sai, sợ trách nhiệm trong cán bộ được nhiều đại biểu quan tâm đóng góp ý kiến. Nói về vấn đề này, ông Dương Văn Trang - bí thư Tỉnh ủy Kon Tum - cho hay việc tăng cường siết chặt kỷ luật kỷ cương đi đôi với thúc đẩy đổi mới sáng tạo và có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm đã được nói đến nhiều.

Tuy nhiên hiện nay cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm chưa rõ, dẫn tới có bộ phận cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm.

"Cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu khó khăn là dễ thôi, nhưng phải nhanh có cơ chế" - bí thư Tỉnh ủy Kon Tum góp ý.

Góp ý kiến dự thảo công tác xây dựng Đảng, ông Trang đề nghị bổ sung nội dung đẩy mạnh kiểm soát quyền lực toàn diện và đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác dân vận và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.

Nói đơn giản nhưng làm không dễ

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Ánh Đông - trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lâm Đồng - đề nghị dự thảo đề cương tổng kết công tác xây dựng Đảng cần bổ sung nội dung đánh giá tổng kết về vấn đề dám nghĩ dám làm.

Theo ông Đông, dám nghĩ dám làm nói đơn giản làm gì không có yếu tố cá nhân, không vụ lợi, không vi phạm nguyên tắc là được, nói là vậy nhưng thực tế không dễ. Ông Đông dẫn ví dụ về sáng kiến Khoán 10, Khoán 100 thời kỳ bao cấp là chủ trương xé rào, khi ấy cán bộ phải tù tội, nhưng sau này tổng kết lại thì thấy đó là sáng kiến có lợi.

Như vậy giữa quy định và quy chế có những cái cần đánh giá nghiêm túc, cần có bổ sung làm rõ. Có như thế cán bộ mới dám tháo gỡ, chứ cứ nghĩ cán bộ làm không có cá nhân, không có vụ lợi nhưng sai quy định là khó khăn ngay.

Theo TẤN LỰC (tuoitre.vn)

Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>