Để Hậu Giang ngày thêm phát triển

31/12/2023 | 14:58 GMT+7

Năm 2023, Hậu Giang đón nhiều lãnh đạo Trung ương về thăm. Tại các buổi làm việc, lãnh đạo vui mừng trước thành tựu phát triển ấn tượng mà tỉnh trẻ đạt được. Với niềm tin, kỳ vọng Hậu Giang sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai, các đồng chí có nhiều góp ý, định hướng, gợi mở các giải pháp để tỉnh tập trung trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Xuất phát điểm thấp thì phải đi nhanh hơn”

- Chủ tịch Quốc hội đánh giá, Hậu Giang có nhiều cố gắng, nỗ lực, đạt được những kết quả ấn tượng. Kinh tế tăng trưởng cao, thu ngân sách đạt khá, thu nhập bình quân đầu người tăng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Các chỉ số năng lực cạnh tranh, cơ sở hạ tầng được cải thiện nhanh; an sinh xã hội được quan tâm; triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội; công tác cán bộ có nhiều đổi mới.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, quy mô nền kinh tế của Hậu Giang còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn cả nước. Do đó, đề nghị Hậu Giang quan tâm: “quy mô nhỏ thì khát vọng lớn, xuất phát điểm thấp thì phải đi nhanh hơn”.

Đồng thời, kỳ vọng đến năm 2030, Hậu Giang sẽ cố gắng phấn đấu trở thành tỉnh phát triển công nghiệp khá của cả nước. Đến năm 2050, tỉnh sẽ là trung tâm sản xuất công nghiệp, logistics của vùng ĐBSCL, trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá so với cả nước.

Đánh giá cao phương châm phát triển của tỉnh là “1 tâm, 2 tuyến, 3 thành, 4 trụ, 5 nhiệm vụ trọng tâm”, thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh cần tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của cả nhiệm kỳ đã đề ra.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý tỉnh quan tâm phát triển nông nghiệp bền vững; phát huy lợi thế, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đồng thời liên kết để hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp chung của vùng. Nông nghiệp phải chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy mô hình sáng kiến “đập thời vụ”. Coi trọng phát triển cả khu công nghiệp và cụm công nghiệp trong điều kiện quỹ đất đai phục vụ phát triển công nghiệp không còn nhiều, thu hút trên tinh thần lựa chọn rất kỹ lưỡng các nhà đầu tư sử dụng diện tích đất ít nhưng giá trị đầu tư cao.

Về giao thông, Hậu Giang cần khai thác tối ưu hiệu quả kinh tế các tuyến đường giao thông, quy hoạch đường gom, nội vùng, vì nếu không có đường gom kết nối thì cao tốc đi qua nhưng không mang lại giá trị kinh tế cho địa phương. Bên cạnh đó, cần chuyển dịch cơ cấu lao động, thu hút lao động, nhất là lao động có chuyên môn, tay nghề, chất lượng cao...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: “Chú trọng xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”

- Đánh giá về chặng đường phát triển của Hậu Giang sau 20 năm thành lập, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết kết cấu hạ tầng của tỉnh thay đổi rất lớn; chuyển đổi cơ cấu kinh tế có bước phát triển; chất lượng giáo dục được nâng cao; hệ thống y tế, công tác chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng được chú trọng; công tác xây dựng nông thôn mới là điểm sáng trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long; an ninh chính trị được bảo đảm, hệ thống chính trị được kiện toàn.

Để phát triển hơn nữa, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng Hậu Giang cần khai thác tiềm năng phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến; xây dựng nền nông nghiệp theo hướng gia tăng theo chuỗi giá trị gắn với phát triển du lịch sinh thái; tập trung cho công tác giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm nguồn thu ngân sách; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ phục vụ phát triển các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch; phải đặc biệt chú trọng công tác ứng phó biến đổi khí hậu để phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao.

Bên cạnh đó, tỉnh cần chú trọng xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; giữ vững đoàn kết thống nhất; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; tuyên truyền, vận động Nhân dân đoàn kết, tích cực hưởng ứng, tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp…

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái: “Hậu Giang cần quan tâm phát triển nguồn nhân lực”

- Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ấn tượng khi Tỉnh ủy Hậu Giang đã đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, trong đó có đổi mới trong việc xây dựng nghị quyết, đổi mới trong công tác cán bộ và thực hiện tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân.

Đánh giá Hậu Giang đang có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển đồng bộ cả về công nghiệp và nông nghiệp, Phó Thủ tướng Chính phủ mong muốn tỉnh cần khai thác tiềm năng, thế mạnh và tích cực liên kết vùng để phục vụ cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Chú trọng công tác giáo dục, đào tạo phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển. Tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao về giá trị, đảm bảo yếu tố cung - cầu trên thị trường. Tận dụng tốt các dự án trọng điểm về phát triển cơ sở hạ tầng do Trung ương đầu tư, trong đó có các tuyến cao tốc đi qua địa bàn…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: “Phát triển hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường”

- Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hậu Giang đang là điểm sáng trong bức tranh chung cả nước. Tuy nhiên, tốc độ tăng rất tốt nhưng quy mô nhỏ; hạ tầng giao thông còn thiếu và yếu; tỷ lệ đô thị hóa thấp; bị tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; lao động xuất cư cao.           

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Hậu Giang cần rà soát, bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tập trung thực hiện tốt việc phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh cần phát triển hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; quan tâm công tác chuyển đổi số, tăng trưởng xanh ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển hạ tầng chiến lược, đặc biệt là mạng lưới giao thông…

TRƯỜNG SƠN ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>