Mang hơi thở biển, đảo đến gần hơn với đất liền

19/06/2017 | 07:25 GMT+7

Với mỗi người dân Việt Nam, sẽ rất đỗi tự hào và vinh dự khi được một lần đến thăm Trường Sa - quần đảo thân yêu của Tổ quốc. Đối với phóng viên báo chí, những chuyến đi ấy gắn liền với trách nhiệm mang hơi thở biển, đảo đến gần hơn với đất liền.

Phóng viên Nhật Tân (ngồi, bìa phải) cùng các nhà báo tác nghiệp ở Trường Sa.

Niềm tin mãnh liệt

Trở về đất liền hơn 5 tháng sau chuyến tác nghiệp ở quần đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, phóng viên Nhật Tân (Báo Hậu Giang) vẫn lưu giữ những kỷ niệm đẹp về biển, đảo thiêng liêng.

Phóng viên Nhật Tân chia sẻ: “Trong chuyến đi, được gặp gỡ, trao đổi với cán bộ, chiến sĩ ở một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa giúp tôi có thêm niềm tin, cảm phục tình yêu quê hương, đất nước. Tất cả được thể hiện trên khuôn mặt, nụ cười rạng rỡ và trên hết là bản lĩnh chính trị vững vàng với ý chí quyết tâm “còn người là còn đảo”.

Lần đầu tiên chông chênh trên chiếc tàu vượt trùng khơi khiến anh Nhật Tân say sóng, nôn mửa nhiều lần. Ấy vậy mà khi đặt chân lên bất cứ đảo nào lòng anh thấy tươi khỏe, lâng lâng khác thường bởi ước mơ một lần đến Trường Sa đã thành hiện thực. Đến đảo cũng là lúc các chiến sĩ tổ chức đón Tết cổ truyền của dân tộc. Vui tết là thế nhưng cán bộ, chiến sĩ trên đảo vẫn không quên nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Những ngày thường, cán bộ, chiến sĩ ở đảo Trường Sa đều có kế hoạch trực sẵn sàng chiến đấu, cảnh giác cao dưới mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ. Còn những ngày tết, nhiệm vụ này càng được đặc biệt quan tâm khi huy động lực lượng trực 24/24 giờ, sẵn sàng ứng phó khi cấp trên yêu cầu cũng như bảo vệ chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Tinh thần “còn người là còn đảo” của những người lính đã giúp phóng viên Nhật Tân không ngừng suy nghĩ, sáng tạo để viết bài gửi về đất liền, cốt làm sao để bạn đọc cảm nhận hết cuộc sống nơi đảo xa. Và rồi, hàng chục tác phẩm ra đời. Mỗi tác phẩm là một góc nhìn, cách tiếp cận vấn đề khác nhau ca ngợi sự tươi đẹp, giàu có của biển, đảo, tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa quân - dân trên đảo và khí thế bất khuất, kiên cường của những người lính…

Các anh vẫn ở đó…

“Những nhà giàn lẻ loi giữa đại dương mênh mông, gặp lúc biển động sóng to, gió lớn đập vào liên hồi như muốn “nuốt chửng” nhưng các chiến sĩ vẫn bám trụ ở đó để bảo đảm an toàn tuyệt đối chủ quyền biển, đảo của quê hương. Ngày cũng như đêm, các cán bộ nhà giàn luôn tăng cường quan sát, phát hiện những động thái từ xa và sẵn sàng chiến đấu khi có lệnh”, phóng viên Hữu Phước (Báo Hậu Giang) hồi tưởng lại ký ức khó phai về những ngày anh “vật lộn” với những con sóng để đến thăm các nhà giàn DK cách đây hơn 3 năm.

Dù lòng háo hức mong sớm đến nơi nhưng phóng viên Hữu Phước không ngờ việc lên thăm các nhà giàn lại vất vả đến thế. Con tàu phải đậu cách nhà giàn 2 hải lý, sau đó cả đoàn phải di chuyển đến nhà giàn bằng tàu nhỏ. Để lên được nhà giàn cũng không đơn giản, từng người được kéo lên bằng ròng rọc. Có khi đi tàu nhỏ tới nhà giàn gặp sóng to, gió lớn cả đoàn phải quay lại tàu lớn, chờ thời tiết thuận lợi mới tiếp tục lên. Phóng viên Hữu Phước nhớ lại, khi lên nhà giàn DK10, dự tính của đoàn là ở lại 1 ngày nhưng cuối cùng phải nán lại 3 ngày vì sóng biển quá dữ dội.

Bấy nhiêu đó cũng đủ để anh thán phục nghị lực, ý chí phi thường của những người lính ngày đêm bám biển, bám nhà giàn để làm tròn nghĩa vụ với Tổ quốc. Tất cả tạo cho phóng viên này niềm tin mãnh liệt rằng vùng biển, đảo của Việt Nam sẽ mãi trường tồn, đứng vững nhờ tình yêu, bản lĩnh và ý chí kiên định của những người lính kiên trung.

Yêu nhà giàn và những người lính bao nhiêu thì lòng phóng viên Hữu Phước lại thấy ray rứt, dù gì thì chuyến đi này nhiệm vụ của anh là truyền tải thật hay, cảm xúc những gì mục sở thị ở các nhà giàn đến với người dân đất liền, nhất là “lửa” niềm tin về quyết tâm giữ vững chủ quyền biển, đảo quê hương của những người lính.

Phóng viên Hữu Phước đã thực hiện nhiều tác phẩm, trong đó ấn tượng nhất là phóng sự ảnh về không khí đón tết và sự lạc quan trong tinh thần của những người lính. Phóng viên Hữu Phước bộc bạch: “Đề tài biển, đảo quê hương luôn rất đặc biệt với những người làm báo. Tôi thực hiện phóng sự ảnh với mong muốn giúp mọi người trên đất liền dù chưa một lần đặt chân đến các nhà giàn cũng có thể nhìn thấy và cảm nhận được những giá trị vô giá của vùng biển, đảo quê hương”.

Yêu lắm những người lính nhà giàn

13 ngày trong chuyến tác nghiệp ở các nhà giàn vào đầu năm nay, phóng viên Kim Thoa (Đài PT&TH Hậu Giang) nhiều phen vất vả với những cơn say sóng kéo tới liên hồi. Nhưng đến nơi, chị mới thấy sự cơ cực mình trải qua chẳng đáng là bao so với những gì mà chiến sĩ hàng ngày phải đối mặt.

Gió giật cấp 6, 7 trong chuyến đi nên cả đoàn chỉ ghé thăm 3 trong số 10 nhà giàn theo lịch trình. Ở các nhà giàn không thể ghé thăm thì quà được chuyển lên bằng dây, còn những lời chúc tết được phát đi bằng loa trên tàu. “Tôi nhớ nhất là có một chị phóng viên ở Đài PT&TH Trà Vinh qua loa đã hát bài Sóc sờ bai Sóc Trăng tặng cho các chiến sĩ ở nhà giàn. Nhưng mới hát được nửa bài thì chị khóc vì không kiềm chế được cảm xúc. Cả đoàn người trên tàu ai cũng ngấn lệ”, Kim Thoa hồi tưởng.

Đến giờ, phóng viên Kim Thoa vẫn chưa thể quên nét mặt của những người lính dù trẻ măng nhưng đầy bản lĩnh, nghị lực. Ở nơi đầu sóng ngọn gió như thế, chỉ có những người kiên trung, giàu lòng yêu nước mới có đủ dũng khí bám trụ nơi nhà giàn. Mỗi nhà giàn đoàn đến thăm không rộng lắm nhưng các chiến sĩ vẫn trồng được rau, nuôi heo, cá. Tại đây, Kim Thoa và nhiều người khác được nghe kể các câu chuyện cảm động về sự hy sinh, cống hiến lớn lao của người lính khi làm nhiệm vụ. “Chuyện là có anh lính trẻ tranh thủ mấy ngày nghỉ để về quê cưới vợ. Nhưng vì thời tiết không tốt nên tàu ở đất liền không thể ra rước như đã hẹn. Thế là đám cưới vẫn diễn ra nhưng thiếu… chú rể”, Kim Thoa bùi ngùi.

Trong chuyến đi ấy, Kim Thoa thực hiện được 4 tác phẩm về hành trình đầy gian nan mang quà tết từ đất liền ra tặng cho các nhà giàn, không khí đón tết ở các nhà giàn, rồi những phút chia tay bịn rịn giữa thành viên trong đoàn với các chiến sĩ. Đến giờ, lòng Kim Thoa vẫn vấn vương mãi câu hát “cửa miệng” của các chiến sĩ:

“Sóng gió mặc sóng gió

Lính nhà giàn bọn tôi ở đó…”

Có thể nói, được tác nghiệp ở vùng biển, đảo quê hương luôn là niềm tự hào với mỗi người cầm bút. Rồi đây, sẽ còn nhiều phóng viên tiếp tục theo chân những con tàu vượt sóng trùng khơi ra nơi đầu sóng ngọn gió. Những chuyến đi ấy sẽ cho ra đời nhiều tác phẩm báo chí có giá trị để mang hơi thở của biển đảo quê hương đến gần hơn với đất liền, như lời bài hát:

“... Không xa đâu Trường Sa ơi

Không xa đâu Trường Sa ơi

Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh

Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em...”

“Đọc các bài viết, phóng sự về biển, đảo do các cơ quan báo chí trong tỉnh đăng tải giúp tôi yêu hơn về vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi cũng tràn đầy niềm tin chủ quyền biển, đảo quê hương sẽ được giữ vững nhờ tinh thần, ý chí quyết tâm sắt đá của những người lính đang ngày đêm bám biển, giữ đảo…”, anh Trần Văn Phường, công tác tại Tỉnh đoàn Hậu Giang, chia sẻ.

 

TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>