“Uống nước nhớ nguồn”

27/07/2018 | 09:41 GMT+7

Huyện Châu Thành A luôn thực hiện tốt các chế độ dành cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng, giúp mọi người có đời sống tốt hơn.

Mẹ Điều kể chuyện kháng chiến khi làm công tác giao liên.

Mẹ anh hùng thấy ấm lòng

Năm nay, Mẹ Việt Nam anh hùng Châu Thị Điều, ở ấp Trường Thuận, xã Trường Long Tây, đã 80 tuổi, nhưng mẹ vẫn còn minh mẫn và nhớ rõ những chuyện ngày xưa. Trong câu chuyện cùng con, cháu trong nhà, mẹ luôn kể về truyền thống cách mạng của gia đình, sự hy sinh của chồng và người con trai của mẹ. Mẹ Điều kể, chồng mẹ - liệt sĩ Lý Kỳ Quân tham gia cách mạng từ thời trai trẻ và giữ chức Đại đội trưởng Địa phương quân tỉnh Kiên Giang. Còn mẹ làm giao liên. Đến năm 1968, khi ông đang tập huấn, thì bị quân địch bao điểm, ông đã hy sinh. Lúc ông hy sinh mẹ mới sinh người con trai út được 2,5 tháng.

Lo sợ mẹ sinh non ngày, non tháng, người thân không dám cho mẹ hay, đến 19 ngày sau mẹ mới biết tin chồng mất. Nuốt nước mắt vào lòng, mẹ đứng lên để lo cho các con và tiếp tục cống hiến sức mình cho cách mạng. Trong những năm làm công tác giao liên, với trí thông minh, nhanh nhẹn, mẹ Điều đã nhiều lần qua mặt quân địch. Mẹ Điều cho biết: “Những năm làm công tác giao liên, đem tài liệu cho bộ đội, mẹ không biết người nhận tài liệu là ai, chỉ biết ám hiệu để liên lạc là X., hoặc T., hoặc H... Cũng vì hoạt động mật, nên không ít lần mẹ bị bộ đội của ta nghi ngờ, bắt giữ”.

Sau khi chồng hy sinh 2 năm, mẹ xin nghỉ công tác để lo cho 4 người con thơ dại và may quần áo cho bộ đội. Quê hương còn bóng giặc, mẹ lại động viên người con trai thứ hai là Lý Thành Công lên đường làm nhiệm vụ người trai. Ngày tiễn con lên đường mẹ chỉ mong đất nước sớm im tiếng súng, con trai lành lặn trở về. Nào ngờ, năm 1973, mẹ chết lặn lần nữa khi đồng đội cho hay người con trai hy sinh…

Nỗi đau chồng nỗi đau, nhưng mẹ phải cố gắng vì còn lo cho 3 người con còn lại. Niềm mong mỏi hòa bình cũng đến. Khi đất nước thống nhất, mẹ tiếp tục tham gia công tác ở địa phương. Đến gần năm 1990, do tuổi cao nên mẹ xin nghỉ. Tri ân những đóng góp của mẹ và gia đình, huyện Châu Thành A cùng với xã Trường Long Tây luôn thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách với mẹ và gia đình. Hàng năm, mẹ đi điều dưỡng tập trung, được chăm sóc sức khỏe, được thăm hỏi...

Mất đi hai người thân yêu, nhưng mẹ đã có thêm nhiều người luôn hết lòng quan tâm, chăm lo cho mẹ. Căn nhà nhỏ của mẹ luôn ấm áp khi luôn có sự quan tâm, thăm hỏi thường xuyên của đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con làng xóm… Với mẹ Điều, đây là món quà vô giá.

Không chỉ với gia đình mẹ Điều, huyện Châu Thành A luôn thực hiện tốt công tác chăm lo gia đình chính sách. Từ đó, giúp các gia đình có cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Thực hiện tốt công tác chăm lo

Hầu hết gia đình có công trên địa bàn huyện đều có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình so với người dân trên cùng địa bàn. Ông Đoàn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú Thạnh, cho biết: “Những năm chiến tranh ác liệt, những người con ưu tú của địa phương đã hy sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nay sống trong hòa bình, trách nhiệm của chúng tôi là phải làm sao để chăm lo tốt cho các gia đình. Từ đầu năm đến nay, với sự hỗ trợ của cấp trên, toàn xã có 30 gia đình chính sách được hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà tình nghĩa”.

Cùng với chăm lo xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, huyện Châu Thành A còn chỉ đạo các phòng ban ngành, đoàn thể, xã, thị trấn thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm thể hiện lòng kính trọng, biết ơn đối với người có công.

Dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), huyện Châu Thành A sẽ tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực như đẩy mạnh công tác tuyên truyền truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước, tổ chức họp mặt 140 gia đình chính sách tại UBND thị trấn Một Ngàn; thăm hỏi, tặng quà cho 250 gia đình chính sách, người có công với cách mạng tiêu biểu tại các xã, thị trấn. Ngoài ra, các xã, thị trấn tích cực vận động xã hội hóa để trao tặng nhiều phần quà đến các gia đình…

“Chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng là trách nhiệm của thế hệ hôm nay. Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống người có công với cách mạng như cấp phát thẻ bảo hiểm y tế, thực hiện đúng, đủ, kịp thời việc chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Đẩy mạnh vận động xã hội hóa, để tiếp tục hỗ trợ nhà ở cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng…”, ông Phan Vũ Cường, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành A, cho biết.

Toàn huyện Châu Thành A có 11 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, 12 thương binh có tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên, 256 thương binh có tỷ lệ thương tật từ 80% trở xuống, 36 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày…

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>