Anh - EU lại “mặc cả” Brexit

01/02/2018 | 08:35 GMT+7

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng Anh và Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang vướng vào bất đồng khó giải quyết xoay quanh các quy định trong giai đoạn chuyển tiếp thời hậu Brexit.

Ảnh minh họa. Nguồn: BLOOMBERG

Mới đây, EU đã thông qua phương hướng đàm phán của mình về giai đoạn chuyển tiếp sau khi nước Anh rời EU, còn gọi là Brexit. Thời kỳ chuyển tiếp được xác định từ 30-3-2019 đến 31-12-2020. Theo đó, Anh sẽ vẫn phải tuân thủ nghĩa vụ như một nước thành viên EU nhưng không có quyền quyết định trong đời sống chính trị của EU. Ngoại trưởng 27 nước EU đã đưa ra các chỉ thị cho Trưởng đoàn đàm phán về Brexit của EU, ông Michel Barnier, để trong tuần này có thể bắt đầu tiến trình thương lượng với người đồng cấp Anh, ông David Davis, về giai đoạn chuyển tiếp.

Liên quan đến những ràng buộc trên, Phó Thủ tướng Bulgaria, bà Ekaterina Zaharieva, nước Chủ tịch luân phiên EU tuyên bố rằng các Ngoại trưởng EU đã đưa ra nhiệm vụ rõ ràng về những yêu cầu của họ cho giai đoạn chuyển tiếp kéo dài trong 1 năm 9 tháng, bắt đầu từ ngày 30-3-2019. Nữ Phó Thủ tướng Bulgaria nhấn mạnh rằng luật của EU sẽ vẫn được áp dụng trong giai đoạn chuyển đổi trong khi nước Anh không có quyền tham gia vào các thể chế châu Âu cũng như tham gia vào việc ra quyết định của EU. Cụ thể hơn, London sẽ không còn đại diện tại các thể chế châu Âu nên không có quyền bỏ phiếu, phía Anh cũng không được quyền tham dự vào hầu hết các cuộc họp của EU, ngay cả những cuộc họp có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nước Anh, đơn cử như việc quyết định về hạn ngạch đánh bắt hải sản. Trong khi đó, nước Anh tiếp tục phải tuân thủ các phán quyết của Tòa công lý châu Âu và đóng góp cho ngân sách chung EU.

Đây đều là những điều kiện hết sức ngặt nghèo mà EU áp đặt đối với Anh. Tất nhiên khi Anh bị dồn vào thế khó thì rất dễ nảy sinh tranh cãi, thậm chí là một cuộc khủng hoảng mới trong mối quan hệ đang rất khó xử giữa hai bên. Nhất là khi, EU dường như vẫn đang nắm thế chủ động trong cuộc chơi do phía Anh cần đến giai đoạn quá độ hậu Brexit hơn là EU.

Theo nguồn tin từ Chính phủ Anh, Thủ tướng Theresa May nhiều khả năng sẽ bác bỏ những điều kiện cứng rắn mà EU vừa đưa ra với Anh, trong khi các nhà đàm phán phía Anh cũng đang lên kế hoạch bước vào các cuộc đàm phán với EU trong tuần tới với những quan điểm không đồng nhất với nhau.

Trong khi đó, Bộ trưởng Brexit của Anh David Davis, trong một phát biểu tại một ủy ban của Hạ viện cũng vừa cảnh báo sẽ có “tranh cãi” khi đàm phán Brexit bắt đầu trong tuần tới liên quan đến việc Anh phải tuân thủ hoàn toàn các quy định của EU trong giai đoạn chuyển tiếp.

Chuyện “mặc cả” giữa Anh và EU không chỉ dừng lại ở những ràng buộc trên mà còn liên quan đến nhiều vấn đề khác. Trong đó, có việc nghĩa vụ tài chính của Anh với EU, việc duy trì tự do đi lại của công dân EU vào Anh cho tới cuối giai đoạn chuyển tiếp. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ Chính phủ Anh, nhiều khả năng Thủ tướng Theresa May sẽ không chấp nhận việc tự do đi lại hoàn toàn trong giai đoạn chuyển tiếp. Thay vào đó, bà Theresa May sẽ yêu cầu EU chấp nhận đề xuất của Anh về chương trình đăng ký nhân thân cho công dân EU đến Anh, mà không kèm theo đảm bảo họ sẽ được phép ở lại. Mặt khác, về lý thuyết, Anh có thể tham gia các cuộc thương lượng và ký kết các hiệp định thương mại với bên thứ ba trong quá trình chuyển đổi, tuy nhiên trên thực tế việc này là không khả thi và các hiệp định không thể được áp dụng trước khi giai đoạn chuyển đổi kết thúc.

Rõ ràng hiện còn không ít những trở ngại và thách thức đang chờ đợi hai bên trong giai đoạn đàm phán tiếp theo, khi mà các cuộc “mặc cả” khó khăn giờ mới chỉ bắt đầu. Hơn nữa, một thực tế không thể phủ nhận là Brexit vốn đã rất khó khăn, nhưng hậu Brexit lại càng khó khăn hơn, nhất là phải xây dựng một mối quan hệ mới giữa Anh và EU. Tất cả những vấn đề chông gai trên vẫn còn chờ ở phía trước.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>