Chưa có lời giải cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên

06/12/2017 | 07:53 GMT+7

Đúng như thông lệ, mỗi lần Mỹ và Hàn Quốc tập trận thì Triều Tiên trả đũa bằng việc phóng tên lửa đạn đạo. Hành động của Bình Nhưỡng nhằm thách thức không chỉ đối với Mỹ mà cả lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên. Ảnh: KCNA

Ngày 29-11 vừa qua, Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và khẳng định nó có thể tấn công thủ đô Washington D.C. của Mỹ. Tên lửa này được gọi là Hwasong-15, đạt độ cao quỹ đạo tới 4.500km và bay được quãng đường 992km trước khi rơi xuống vùng biển gần Nhật Bản. Triều Tiên khẳng định đây là ICBM lớn chưa từng có, đồng thời tuyên bố hoàn thiện sức mạnh hạt nhân của mình.

Sự kiện thử tên lửa của Triều Tiên làm “nóng lên” vấn đề hạt nhân của nước này vốn đã lắng dịu những tháng gần đây. Sự việc càng căng thẳng hơn khi mới đây, không quân Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu một cuộc tập trận chung quy mô lớn kéo dài 5 ngày diễn ra từ ngày 4 đến hết ngày 8-12, nhằm đối phó với các mối đe dọa từ phía Triều Tiên. Tham gia cuộc tập trận mang tên Vigilant Ace (Át chủ bài cảnh giác) có khoảng 12.000 binh sĩ cùng hơn 230 máy bay các loại của hai bên, trong đó có hàng chục máy bay chiến đấu tàng hình và các máy bay tối tân như F-22 và F-35. Cuộc tập trận được tiến hành với nhiều kịch bản, như mô phỏng tấn công chính xác nhằm vào các mục tiêu hạt nhân và tên lửa giả định của Triều Tiên.

Được lên kế hoạch trước khi Triều Tiên phóng tên lửa, nhưng cuộc tập trận này đang thu hút sự chú ý đặc biệt của báo giới do có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh cuộc tập trận lần này nhằm mục đích tăng cường khả năng phối hợp tác chiến giữa các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc vào mọi thời điểm và trong mọi điều kiện thời tiết.

Mặc dù, Triều Tiên chưa có phản ứng gì sau khi Mỹ và Hàn Quốc tiến hành cuộc tập trận này. Tuy nhiên, trước đó, tờ Rodong Sinmun của Đảng Lao động Triều Tiên đã đăng một bài xã luận, trong đó gọi Mỹ và Hàn Quốc là “những kẻ hiếu chiến”. Bài xã luận mô tả cuộc tập trận là “sự khiêu khích toàn lực và công khai nhằm vào Triều Tiên, có thể dẫn đến một cuộc chiến hạt nhân bất cứ lúc nào”. Trước đó, Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng cáo buộc Mỹ “muốn gây ra chiến tranh hạt nhân” với việc tổ chức cuộc tập trận không quân nói trên.

Trước đó, Bình Nhưỡng khẳng định cuộc tập trận không quân giữa Mỹ và Hàn Quốc có thể dẫn tới chiến tranh hạt nhân trong tương lai. Ngoại trưởng Triều Tiên khẳng định chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang liều lĩnh với “chiến tranh hạt nhân” khi triển khai tập trận không quân. Điều này cũng được Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R.McMaster cho biết nguy cơ chiến tranh hạt nhân với Bình Nhưỡng đang gia tăng từng ngày.

Trong khi khẩu chiến giữa Bình Nhưỡng và Washington vẫn tiếp tục leo thang thì hành động khiêu khích của Triều Tiên cũng như phô trương sức mạnh của Mỹ như đổ thêm dầu vào lửa nhiều khả năng châm ngòi cho cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chiến tranh chỉ là phương án cuối cùng bởi thủ đô Seoul của Hàn Quốc, nơi cư trú của 10 triệu người, chỉ cách biên giới Triều Tiên 50km.

Trong một động thái liên quan, Thượng viện Nhật Bản cũng vừa thông qua một nghị quyết lên án Triều Tiên về vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vừa qua. Ngoài lên án chương trình phát triển tên lửa hạt nhân là thách thức đối với an ninh khu vực, kêu gọi Bình Nhưỡng cần chấm dứt mọi hành động khiêu khích, và tuân thủ đầy đủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an LHQ, nghị quyết cũng kêu gọi Chính phủ Nhật Bản tăng cường mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Triều Tiên, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống bất ngờ nhằm đảm bảo an ninh và an toàn cho người dân Nhật Bản.

Không chỉ Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc…, phản ứng mạnh mẽ, mà cộng đồng quốc tế cũng đã bày tỏ sự quan ngại đối với an ninh trong khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng căng thẳng tái diễn trên bán đảo Triều Tiên sau 2 tháng tình hình tương đối lắng dịu là một điều rất đáng tiếc. Các bên nên tiến hành tham vấn để tìm giải pháp đàm phán hòa bình.

Mới đây, Đức cho biết, Berlin đang nỗ lực mở lại các kênh liên lạc với Triều Tiên nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng hiện nay rơi vào vòng xoáy chiến tranh. Đức cũng là một trong số ít các nước phương Tây vẫn duy trì Đại sứ quán tại Bình Nhưỡng cũng như Đại sứ quán Triều Tiên tại thủ đô Berlin của Đức.

Những quan ngại và đề xuất giải pháp của các quốc gia liên quan về vấn đề Triều Tiên xem ra chưa khả thi mà cần có giải pháp căn cơ mang tính đồng thuận của các bên liên quan. Nếu chưa tìm được lời giải cho bài toán khó này thì vấn đề hạt nhân của Triều Tiên vẫn chưa thể giải quyết.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>