Đàm phán chấm dứt xung đột Israel – Palestine: Giải pháp hai nhà nước cần được lập lại

01/12/2023 | 08:59 GMT+7

Mặc dù đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn tạm thời nhưng đàm phán hòa bình giữa Israel và Hamas vẫn là bài toán khó.

Cảnh hoang tàn tại thành phố Khan Younis, phía nam Dải Gaza, hôm 24-11. Ảnh: REUTERS

Mới đây, Hamas đã thả thêm 16 con tin, gồm 10 người vì thỏa thuận ngừng bắn với Israel và 6 người nhờ nỗ lực ngoại giao riêng biệt. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Qatar sau đó thông báo Israel đã thả 30 tù nhân người Palestine, gồm 15 phụ nữ và 16 trẻ vị thành niên. Quân đội Israel xác nhận số con tin này đã về tới đất nước an toàn và đang chờ được kiểm tra y tế trước khi đoàn tụ với gia đình.

Trong 4 ngày qua, hai bên cơ bản tuân thủ nghiêm túc lệnh ngừng bắn cũng như trao trả con tin và tù nhân. Đây được coi là yếu tố nền tảng giúp cho các nỗ lực trung gian của Qatar, Ai Cập và Mỹ đạt thêm kết quả mới, đó là thỏa thuận gia hạn lệnh ngừng bắn thêm 2 ngày, tức đến sáng 30-11.

Như vậy, đến nay 70 con tin Israel đã được phóng thích để đổi lấy sự tự do của 210 tù nhân người Palestine. Khoảng 30 công dân nước ngoài, hầu hết là người Thái Lan, cũng được trả tự do nhờ nỗ lực ngoại giao ngoài thỏa thuận ngừng bắn.

Xung đột ở Dải Gaza nổ ra sau khi Hamas tấn công Israel hôm 7-10, khiến 1.200 người chết và khoảng 240 người bị bắt cóc. Israel đã mở các đợt tấn công để đáp trả, gây thiệt hại nặng nề cho Dải Gaza. Cơ quan y tế tại dải đất này cho biết gần 15.000 người đã thiệt mạng. Mới đây, nguồn thạo tin cho rằng Hamas sẵn sàng gia hạn lệnh ngừng bắn thêm 4 ngày và thả thêm con tin Israel để đổi lấy tự do cho các tù nhân người Palestine.

Tuy nhiên, dư luận khu vực lo ngại sau khi thời gian gia hạn ngừng bắn kết thúc, chiến sự tái diễn và sẽ có thêm nhiều thương vong về cả hai phía, đặc biệt là với dân thường Palestine. Lo ngại này càng gia tăng sau tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallent: “Ngay sau lệnh ngừng bắn, quân đội Israel sẽ lập tức mở lại chiến dịch quân sự tại Gaza với mức độ ác liệt còn hơn cả giai đoạn trước”.

Theo giới phân tích, cảnh báo của Bộ trưởng Quốc phòng Israel nhằm gây áp lực buộc Hamas phải chấp nhận phóng thích thêm con tin để kéo dài lệnh ngừng bắn, nhưng đồng thời cũng là bước đi thăm dò phản ứng quốc tế về khả năng nước này mở lại chiến dịch tấn công quy mô lớn vào Gaza trong giai đoạn tới.

Lo ngại trên của giới phân tích hoàn toàn có cơ sở, bởi lẽ hàng chục năm qua Israel và Hamas luôn đối đầu gay gắt nhau. “Giọt nước tràn ly” khi hôm 7-10, Hamas bất ngờ tấn công Israel khiến hàng ngàn người thương vong. Từ đó, Israel trả đũa bằng việc liên tục tấn công Hamas làm hàng chục ngàn người thương vong. Giao tranh đang có dấu hiệu lan rộng ra khắp Trung Đông.

Trong lịch sử, mặc dù Hamas tuyên bố sẽ “tiêu diệt Israel”, ngược lại Israel cũng coi Hamas là kẻ thù không đội chung trời nhưng tùy từng lúc mà Israel và Hamas có sự lợi dụng qua lại lẫn nhau vì lợi riêng. Israel muốn lợi dụng Hamas để kiềm chế các thế lực chính trị khác của Palestine, trong khi Hamas tận dụng chính sách hòa hoãn của Tel Aviv để tích lũy và xây dựng lực lượng cũng như tầm ảnh hưởng. Tuy nhiên, lần này thì thù địch đã biến thành hành động khi giao tranh ác liệt xảy đã vượt quá mức nhân nhượng giữa các bên liên quan.

Trước tình thế trên, Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và nhiều quốc gia liên quan đã lên tiếng kêu gọi Israel và Hamas ngay lập tức ngừng bắn tiến tới đàm phán hòa bình. Quan điểm mà các tổ chức quốc tế và những quốc gia liên quan ủng hộ và kêu gọi chính là lập lại giải pháp hai nhà nước. Đây cũng là giải pháp khả thi hiện nay để mang lại hòa bình cho người dân Dải Gaza mặc dù vẫn còn nhiều khó do bất đồng giữa các bên liên quan.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>