Đàm phán hòa bình Nga - Ukraine còn quá xa vời

14/12/2023 | 09:28 GMT+7

Ngừng bắn tiến tới đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đang trở nên xa vời khi quá nhiều bất đồng giữa các bên liên quan.

Xung đột ở Ukraine. Ảnh: Reuters

Một nguồn tin cấp cao nói với nhật báo Izvestia của Nga rằng Điện Kremlin sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán với Ukraine, kể cả khi được tổ chức ở một quốc gia phương Tây.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tiết lộ với Izvestia rằng Hungary vẫn sẵn sàng tham gia với tư cách là trung gian hòa giải cho cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng cả Ukraine và các đồng minh phương Tây đều không sẵn sàng đàm phán với Nga.

Ông Rodion Miroshnik, đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Nga, cho rằng: “Chắc chắn, chúng tôi đánh giá cao mong muốn của Hungary góp phần ngăn chặn đổ máu, nhưng hòa giải chỉ là công cụ để tổ chức đàm phán. Câu hỏi mấu chốt vẫn là: Ai ở bên đó (ám chỉ Ukraine và phương Tây) sẵn sàng tiến hành đàm phán? Bởi lẽ, hiện Kiev đã và đang kiên trì tuân theo chỉ đạo từ phương Tây để chiến đấu với Nga đến cùng”.

Trong một động thái liên quan, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra kế hoạch hòa bình riêng và ban hành luật cấm đàm phán với Chính phủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong khi đó, Nga tuyên bố quyết tâm đạt được các mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt thông qua các nỗ lực chính trị và ngoại giao, đồng thời bác bỏ kế hoạch của Kiev là phi thực tế.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov thừa nhận lệnh ngừng bắn khó có thể xảy ra vào năm 2024, khi Kiev và Mỹ tiếp tục thúc đẩy công thức hòa bình của Tổng thống Zelensky như giải pháp khả thi duy nhất cho cuộc xung đột.

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine, một số quốc gia đã đứng ra đề nghị làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột quy mô lớn này. Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đạt được nhiều thành tựu hòa giải nhất. Tuy nhiên, thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen, được ký kết tại Istanbul vào tháng 7-2022 dưới sự bảo trợ của Ankara, chỉ kéo dài một năm do Nga phản đối gia hạn vào ngày 17-7. Hồi tháng 2, Trung Quốc đã công bố kế hoạch hòa bình 12 điểm để chấm dứt xung đột. Tiếp đến, vào tháng 4, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva lại đưa ra ý tưởng thành lập một giải pháp thay thế cho Nhóm G-20 làm phương tiện để tổ chức các cuộc đàm phán về Ukraine. Indonesia và Tòa thánh Vatican cũng đã đưa ra đề xuất riêng. Mùa hè này, có thông tin cho hay Ấn Độ và Pháp cũng đang nghiên cứu các sáng kiến để giải quyết xung đột Matxcơva - Kiev.

Đối với khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Bogdan Bezpalko, thành viên Hội đồng Quan hệ giữa các sắc tộc của Tổng thống Nga, cho rằng một số quốc gia thành viên này có thể tham gia tổ chức các cuộc đàm phán hoặc đóng vai trò trung gian. Tuy nhiên, những quốc gia không phải là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và NATO sẽ có cơ hội tốt hơn để được tất cả các bên chấp nhận làm trung gian hòa giải.

Ông Bezpalko nhấn mạnh: “Mặc dù Hungary và có lẽ ngay cả Slovakia có thể làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, nhưng từ quan điểm quan hệ quốc tế hiện đại, sẽ hợp lý hơn nếu nhấn mạnh rằng một quốc gia trung lập, chẳng hạn như Ấn Độ, đảm nhận vai trò đó”. Ông lưu ý: “Ít nhất, Ấn Độ cũng có ảnh hưởng lớn trong nền chính trị quốc tế và giữ thái độ trung lập trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Và New Delhi duy trì quan hệ với cả Nga và phương Tây”.

Dù có nhiều tổ chức quốc tế, các quốc gia liên quan rất mong muốn làm trung gian để hòa giải nhằm có được lệnh ngừng bắn tiến tới hòa bình giữa Nga - Ukraine nhưng những bất đồng giữa những người trong cuộc vẫn chưa có tiếng nói chung. Do vậy, bài toán khó này vẫn chưa tìm được lời giải thỏa đáng.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>