“Điểm nóng” Syria

13/03/2018 | 07:57 GMT+7

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis mới đây cảnh báo sẽ tấn công nếu phát hiện quân Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học.

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh, sẽ là không “khôn ngoan” nếu lực lượng Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học. Ông James Mattis cũng nhắc lại vụ không kích bằng tên lửa hành trình của Mỹ ngày 6-4-2017 nhằm vào một căn cứ quân sự của Syria sau cáo buộc có tấn công bằng vũ khí hóa học ở quốc gia Trung Đông này. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Tổng thống Mỹ có đầy đủ khả năng chính trị để đưa ra bất cứ quyết định nào mà ông cho là phù hợp.

Chính phủ Syria bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ở Đông Ghouta hồi tháng 4-2017. Ảnh: AFP

Mặc dù đưa ra cảnh báo đối với Chính phủ Syria, song bản thân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng thừa nhận, ông không có bằng chứng rõ ràng nào về tấn công vũ khí hóa học ở Syria dù có nghe được những thông tin từ giới truyền thông. Cho đến nay, Mỹ và các nước phương Tây vẫn cáo buộc quân đội Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học ở miền Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus. Mỹ cho rằng kể từ đầu tháng 1-2018 đến nay, đã xảy ra ít nhất 6 vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học clo tại khu vực do phiến quân chiếm đóng, khiến hàng chục người bị thương.

Về phần mình, Chính phủ Syria bác bỏ bất cứ lý do nào mà các nước đưa ra nhằm đe dọa hay tấn công Syria. Phát biểu tại một buổi họp báo ở thủ đô Damascus, Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad cho rằng, ngoài lý do ủng hộ cho các tổ chức khủng bố, không có quốc gia nào trên thế giới có lý do biện minh cho việc cảnh báo hay tấn công Syria. Ông Faisal Mekdad cũng một lần nữa phủ nhận việc Chính phủ Syria sở hữu vũ khí hóa học. Khẳng định của Chính phủ Syria đưa ra sau một cuộc điều tra chung của Liên Hiệp Quốc và Tổ chức cấm vũ khí hóa học cho rằng, Chính phủ Syria đã sử dụng khí độc hóa học trong một số vụ tấn công.

Cáo buộc Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học diễn ra trong bối cảnh nội chiến ở quốc gia Trung Đông này đã bước sang năm thứ 8, song vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Khởi nguồn từ làn sóng biểu tình hòa bình, bất ổn ở Syria nhanh chóng leo thang thành một cuộc chiến ác liệt, đẫm máu với số người thiệt mạng lên tới hàng trăm nghìn người và đẩy hàng triệu người khác phải đi sơ tán.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh cho biết, hơn 1.000 người thiệt mạng trong các cuộc giao tranh tại khu vực Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus của Syria trong gần 3 tuần qua. Trong đó, ít nhất 215 trẻ em đã thiệt mạng trong các vụ tấn công này. Còn theo Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF), tình trạng đang rất nguy cấp tại khu vực Đông Ghouta, với gần 400.000 người dân đang phải tiếp tục sống trong giao tranh và bạo lực. Các cơ sở y tế tại Đông Ghouta cần bổ sung khẩn cấp thuốc men và các thiết bị y tế thiết yếu.

Trong khi đó, các chuyến hàng viện trợ nhân đạo quốc tế liên tiếp bị trì hoãn tới khu vực này vì lý do an ninh. Cuộc khủng hoảng nhân đạo tại miền Đông Ghouta đang được đánh giá là rất nghiêm trọng.

Thống kê cho thấy hàng ngày có rất nhiều người thiệt mạng và bị thương do trúng bom đạn, trong khi thuốc men và thiết bị y tế đang dần cạn kiệt, các cơ sở y tế liên tiếp bị giội bom đạn và các nhân viên y tế phải làm việc hết công suất.

Tổ chức Bác sĩ không biên giới cho biết, trong 20 cơ sở y tế được tổ chức này hỗ trợ tại Đông Ghouta, có 15 địa điểm đã bị trúng không kích hoặc đạn lạc. Tổ chức kêu gọi các bên tham chiến tại Syria ngừng giao chiến để tạo điều kiện sơ tán người bệnh.

Theo thông báo của lực lượng quân đội Chính phủ Syria, quân chính phủ đã chiếm được 52% số khu vực bị lực lượng nổi dậy nắm giữ tại khu vực phía Đông Ghouta. Hiện Chính phủ Syria đã gửi thêm quân tới hỗ trợ chiến trường Đông Ghouta và quyết tâm sớm giải phóng khu vực này khỏi lực lượng phiến quân.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>