EU, Trung Quốc cam kết thực thi đầy đủ JCPOA

19/07/2018 | 09:14 GMT+7

Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, cả EU, Trung Quốc và Tehran đều cam kết thực thi đầy đủ thỏa thuận này.

EU triển khai cơ chế pháp lý chống các lệnh trừng phạt Iran của Mỹ. Nguồn: SPUTNIK INTERNATIONAL

Theo đó, mới đây Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã tái khẳng định cam kết về việc thực thi đầy đủ và toàn diện thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc, Anh và Đức), còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) được ký từ năm 2015. Trong tuyên bố chung được đưa ra sau Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc diễn ra tại Bắc Kinh, hai bên đã ghi nhận tầm quan trọng của JCPOA đối với cấu trúc quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân. Trong đó nêu rõ: “EU và Trung Quốc cho rằng JCPOA là một yếu tố then chốt trong cấu trúc quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân. Đây cũng là một thành tựu ngoại giao quan trọng được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đồng loạt ủng hộ trong Nghị quyết 2231...”.

Trước đó, ngày 6-7, Ngoại trưởng các nước Anh, Pháp, Đức cùng với Nga, Trung Quốc và Iran đã nhóm họp tại thủ đô Vienna của Áo cũng ra tuyên bố chung khẳng định giữ cam kết duy trì quan hệ kinh tế với Iran, trong đó có việc Tehran tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt cũng như các sản phẩm năng lượng khác. Các ngoại trưởng cũng nhất trí với danh sách các mục tiêu chung gồm 11 điểm, đồng thời khẳng định duy trì các kênh tài chính; thúc đẩy hỗ trợ tín dụng xuất khẩu và các tuyến vận tải trên đất liền, trên biển và trên không; cùng hợp tác để bảo vệ các công ty trước những tác động đặc quyền ngoại giao từ lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận JCPOA. Đi kèm với đó là tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với quốc gia Trung Đông này. Trong đó, biện pháp mạnh nhất là đánh vào kinh tế Iran thông qua việc bao vây, cấm vận nước này xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt.

Để trả đũa lại việc Mỹ rút khỏi JCPOA và các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, mới đây Tehran đã mạnh dạn tuyên bố từ chối đàm phán với Washington. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ông Bahram Ghasemi tuyên bố: “Có thể một ngày nào đó ông ấy (Tổng thống Trump) sẽ gọi tới Tehran và đề nghị đàm phán. Đây là trường hợp có nhiều khả năng xảy ra hơn”. Theo ông Ghasemi, nếu ông Trump gọi điện, không rõ liệu có ai sẽ trả lời, khi giới lãnh đạo hàng đầu của nước này bác bỏ việc đàm phán với Mỹ.

Trước đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố rằng Tehran đã gửi đơn khiếu nại tới Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) về việc Mỹ áp đặt những lệnh trừng phạt đơn phương, phi pháp nhằm vào Iran. Tuy nhiên, ông Zarif không nêu rõ thông tin chi tiết về động thái này của Tehran. Hiện ICJ chưa đưa ra bình luận gì về thông tin này.

Còn Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei tuyên bố, để giải quyết các vấn đề kinh tế của đất nước, Iran phải dừng việc dựa vào thỏa thuận JCPOA. Đồng thời Lãnh tụ tối cao Khamenei cho biết: “Các nước châu Âu liên quan đến JCPOA cần có nghĩa vụ đưa ra những bảo đảm cần thiết liên quan đến thỏa thuận, nhưng kinh tế của Iran không được gắn với vấn đề này”.

Trong một động thái liên quan, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định việc bảo vệ và duy trì thỏa thuận JCPOA giữa Tehran và các quốc gia còn lại vẫn là “một thắng lợi của ngoại giao đa phương” bất chấp sự rút lui của Washington. Nhận định trên hoàn toàn có cơ sở bởi lẽ hiện các nước Anh, Pháp, Đức cùng với Nga, Trung Quốc đã cam kết bảo vệ thỏa thuận JCPOA và quyền lợi kinh tế của Iran. Điều này đồng nghĩa với thỏa thuận JCPOA vẫn tồn tại mà không cần có Mỹ.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>