Hàn Quốc tăng cường năng lực không quân

06/12/2023 | 08:03 GMT+7

Động thái mua thêm máy bay vận tải quân sự hạng nặng và trang bị nhiều vũ khí hiện đại của Hàn Quốc đã khiến Triều Tiên phản đối và làm căng thẳng hơn quan hệ liên Triều, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Một máy bay chiến đấu F-35A của Hàn Quốc cất cánh từ căn cứ không quân ở Cheongju, cách Seoul 112km về phía Nam, ngày 26-10-2023.

Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) vừa xác nhận đã quyết định mua máy bay vận tải quân sự hạng nặng C-390, do công ty Embraer của Brazil sản xuất, để trang bị cho Lực lượng Không quân nước này (ROKAF). Hiện ROKAF sử dụng máy bay vận tải quân sự hạng nặng C-130J của hãng Lockheed Martin (Mỹ).

Theo Ủy ban Xúc tiến Dự án Quốc phòng trực thuộc DAPA, máy bay C-390 được lựa chọn để triển khai dự án trị giá 710 tỉ won (544,4 triệu USD), có hiệu lực đến năm 2026. Tuy nhiên, cơ quan này không tiết lộ cụ thể số lượng máy bay mới sẽ được mua sắm theo dự án, mặc dù Hàn Quốc dự kiến sẽ mua 3 chiếc. DAPA khẳng định: “Dự án này sẽ góp phần nâng cao năng lực vận chuyển hàng không và khả năng triển khai các hoạt động gìn giữ hòa bình”.

Trong một động thái được nhiều người quan tâm, DAPA cũng chính thức lựa chọn máy bay F-35 của hãng Lockheed Martin (Mỹ) cho dự án trang bị thêm chiến đấu cơ thế hệ mới. Trong dự án trị giá 4,26 ngàn tỉ won, có hiệu lực đến năm 2028, Hàn Quốc dự kiến sẽ mua thêm 20 chiếc F-35 như một phần trong nỗ lực tăng cường năng lực răn đe trước các mối đe dọa quân sự ngày càng nghiêm trọng từ Triều Tiên.

Hàn Quốc hiện sở hữu phi đội gồm 40 chiếc F-35, trong đó có 1 chiếc đã bị thanh loại vào tuần trước do đâm phải chim ưng hồi tháng 1-2022.

Ngoài ra, Ủy ban Xúc tiến Dự án Quốc phòng cũng đã phê duyệt kế hoạch sản xuất trực thăng vũ trang hạng nhẹ nội địa, trị giá khoảng 5,7 ngàn tỉ won cho đến năm 2031 nhằm thay thế những chiếc 500MD và AH-1S đã lỗi thời. Ủy ban trên cũng thông qua kế hoạch lần thứ tư sản xuất xe chiến đấu bộ binh K21, trị giá khoảng 780 tỉ won và dự kiến kéo dài đến năm 2028.

Trước đó ngày 28-11, Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) cho biết nước này sẽ thúc đẩy việc sử dụng vệ tinh thương mại ở quỹ đạo Trái đất tầm thấp trong hệ thống liên lạc quân sự để nâng cao năng lực tác chiến của các lực lượng vũ trang.

Theo hãng tin Yonhap, DAPA cho biết Cơ quan phát triển quốc phòng Hàn Quốc đã ký một dự án trị giá 39,8 tỉ won (30,6 triệu USD) với Hanwha Systems Co. để phát triển hệ thống liên lạc quân sự sử dụng vệ tinh thương mại của Hanwha hoạt động dưới độ cao 2.000km.

Trong một động thái liên quan, trước đó Quân đội Mỹ cho biết lực lượng Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành tập trận chung tác chiến đặc biệt đa vùng trong khoảng thời gian từ ngày 16 đến 20-10 nhằm tăng cường khả năng phối hợp tác chiến.

Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt Mỹ tại Hàn Quốc (SOCKOR), cho biết cuộc tập trận diễn ra trên biển, trên không và đất liền, tăng cường khả năng phối hợp tác chiến của hai nước và năng lực tác chiến trong các môi trường khác nhau.

Thời gian gần đây, Triều Tiên và Mỹ - Hàn luôn “khẩu chiến” về những mâu thuẫn liên quan. Phía Triều Tiên cáo buộc Mỹ - Hàn thường xuyên tập trận với ý đồ muốn xâm lược nước này; Ngược lại, phía Mỹ - Hàn tố cáo Triều Tiên liên tục phóng thử tên lửa đạn đạo và theo đuổi chương trình hạt nhân đe dọa đến hòa bình khu vực.

Căng thẳng càng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên kể từ khi Bình Nhưỡng phóng thành công vệ tinh do thám quân sự vào ngày 23-11 vừa qua. Nguy hiểm hơn khi phía Hàn Quốc đã đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự năm 2018. Ngay sau đó, Triều Tiên đã tuyên bố hủy bỏ hoàn toàn thỏa thuận này và lập tức khôi phục lại tất cả các biện pháp quân sự như trước khi có thỏa thuận.

Những động thái gần đây của cả Triều Tiên và Hàn Quốc vô hình trung đã làm gia tăng căng thẳng giữa các bên liên quan, đẩy Bán đảo Triều Tiên ngày càng gần bên bờ vực chiến tranh.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>