Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ bên bờ vực chiến tranh

28/08/2020 | 07:02 GMT+7

Căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ xung quanh việc thăm dò địa chất vùng biển tranh chấp Địa Trung Hải có nhiều nguy cơ dẫn đến chiến tranh.

Tàu khảo sát Oruc Reis được các tàu Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ hộ tống. Nguồn: AFP

Quan hệ giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu “nóng lên” hơn bao giờ hết khi hai nước liên tục có những hành động “ăn miếng trả miếng” lẫn nhau. Theo đó, kể từ ngày 10-8, Thổ Nhĩ Kỳ điều các tàu hải quân hộ tống tàu nghiên cứu địa chất tới vùng biển tranh chấp tại Đông Địa Trung Hải với mục đích thăm dò và khai thác dầu khí tại đây. Trước động thái này, Hy Lạp đã triển khai một số tàu chiến liên tục giám sát các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ tại vùng biển tranh chấp.

Đến ngày 12-8, một vụ va chạm xảy ra giữa tàu khu trục của hai nước (đều là thành viên trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)) khiến cho căng thẳng giữa Athens và Ankara tiếp tục leo thang.

Vụ việc càng đẩy lên cao khi từ ngày 25-8, lực lượng hải quân và không quân của Hy Lạp cùng các quốc gia như Pháp, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Cộng hòa Síp tiến hành một cuộc tập trận quân sự chung trong 3 ngày ở phía Đông Nam đảo Crete. Động thái này của Hy Lạp được cho là nhằm đáp trả quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ khi tiếp tục thực hiện hoạt động thăm dò địa chất trên vùng biển tranh chấp ở Địa Trung Hải.

Ông Michael Tanchum, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh và châu Âu của Áo, cho biết: “Tranh chấp lãnh thổ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã âm ỉ trong khu vực suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc phát hiện các nguồn khí đốt tự nhiên ngoài khơi đã làm thay đổi mọi thứ ở phía Đông Địa Trung Hải, biến nó thành một chiến trường quan trọng, với những rạn nứt về địa chính trị liên quan đến cả EU, Trung Đông và Bắc Phi. Nếu hai bên có những tính toán sai lầm hoặc xảy ra sự cố ngoài mong muốn thì điều đó có thể dẫn đến một cuộc “xung đột mở” mà không bên nào lường trước được”.

Hiện tại, Đức - quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) - đang tiên phong trong nỗ lực hòa giải tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Từ 25-8, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas thăm hai nước nhằm thúc đẩy đàm phán giữa hai bên, tuy nhiên, những nỗ lực hòa giải này đã vấp phải trở ngại khi Ankara và Athens đều công bố kế hoạch tiến hành tập trận hải quân riêng tại cùng vùng biển phía Nam đảo Crete.

Hồi tháng 7, Đức cũng có những động thái tương tự nhưng những nỗ lực của nước Chủ tịch EU nhằm đạt được một thỏa thuận giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã thất bại. Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm dừng các cuộc khảo sát địa chất trong khu vực tranh chấp khi các cuộc đàm phán đang diễn ra. Tuy nhiên, hoạt động này đã tái khởi động sau khi Hy Lạp và Ai Cập đã ký một thỏa thuận phân định hàng hải nhằm thiết lập khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) giữa hai nước.

Trong tuyên bố mới đây của Bộ Ngoại giao Đức, Ngoại trưởng Heiko Maas nhấn mạnh sự leo thang căng thẳng giữa hai quốc gia này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các bên. Do đó, thay vì những hành động khiêu khích mới, hai quốc gia cần bình tĩnh và thực hiện những biện pháp nhằm xoa dịu căng thẳng hiện nay dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Trước đó, Ngoại trưởng 27 quốc gia thành viên EU cho rằng những động thái vừa qua của Ankara sẽ dẫn tới những bất đồng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh khu vực. Các ngoại trưởng EU đã khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của EU để tái khởi động lại đối thoại và có hành động ngay lập tức với Thổ Nhĩ Kỳ đối với những căng thẳng quân sự ở ngoài khơi phía Đông Địa Trung Hải.

Dự kiến, các ngoại trưởng EU sẽ tổ chức một cuộc họp không chính thức trong hai ngày 27 và 28-8 tại Berlin trong đó sẽ đề cập đến những vấn đề liên quan tới mối quan hệ của khối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Giới quan sát nhận định, cả hai nước dường như chưa sẵn sàng cho việc “tháo ngòi” căng thẳng bất chấp những nỗ lực hòa giải của các quốc gia trong EU. Đây sẽ là tác nhân chính dễ dẫn đến chiến tranh giữa Athens và Ankara.

Theo một nghiên cứu năm 2010 của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ, ước tính có khoảng 3,5 nghìn tỉ mét khối khí đốt tự nhiên và 1,7 tỉ thùng dầu thô ở vùng Levant Basin, Đông Địa Trung Hải. Tranh chấp lãnh hải để khai thác dầu khí chính là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian gần đây.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>