Khó giải quyết khủng hoảng nhân đạo tại Libya

02/06/2017 | 08:37 GMT+7

Nội chiến liên tục diễn ra, khủng bố đẫm máu hoành hành cộng với làn sóng di cư trái phép từ châu Phi tìm đường sang châu Âu ngày càng gia tăng đã làm cho Libya rơi vào tình cảnh khủng hoảng nghiêm trọng.

Những người di cư bất hợp pháp được giải cứu và đưa tới một căn cứ hải quân ở Tripoli (Libya) ngày 26-5. Nguồn: AFP

Mặc dù cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi của Libya đã trải qua hơn 5 năm nhưng quốc gia Bắc Phi này vẫn chìm trong hỗn loạn. Khủng hoảng kinh tế cùng suy thoái về chính trị, an ninh, xã hội đang đẩy quốc gia này vào tình trạng tệ hại. Nghiêm trọng hơn, Libya đã trở thành cái nôi của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và khủng bố, đồng thời là điểm trung chuyển chính của dòng người di cư từ châu Phi tới các nước châu Âu.

Theo thống kê của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), kể từ đầu năm đến nay đã có tới 1.481 trường hợp người di cư thiệt mạng trên Địa Trung Hải và hơn 1.720 người mất tích. Mới đây, có thêm 3.400 người di cư đã được giải cứu ở ngoài khơi, nâng tổng số người di cư châu Phi được giải cứu trong những ngày qua lên 10.000 người. Còn theo số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc thì từ đầu năm tới nay, hơn 50.000 người di cư đã đặt chân tới các khu vực bờ biển Italia. Trong số này có hơn 1.400 người đã chết đuối hoặc mất tích trên biển. Cũng theo thống kê, trong số 181.000 người di cư đến Italia năm 2016, khoảng 90% đi qua Libya. Quốc gia Bắc Phi này đã hối thúc châu Âu, đặc biệt là Italia, hỗ trợ kiểm soát biên giới phía Nam, con đường người di cư từ các nước Nam sa mạc Sahara đi qua để vào nước này.

Từ thực tế trên đã dẫn đến hàng nghìn người dân Libya đang thiếu đói cần sự hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp. Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết hiện tổ chức này đã kêu gọi huy động 75,5 triệu USD để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và di cư ngày càng trở nên trầm trọng tại Libya. Số tiền trên sẽ được dành cho việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho những người buộc phải rời bỏ nhà cửa, người tị nạn và những người đang xin hưởng quy chế tị nạn. UNHCR cũng sẽ phối hợp với IOM triển khai sáng kiến này. Người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi nhấn mạnh cần chung tay để tháo gỡ những việc cấp bách ở Libya, đồng thời khẳng định Liên Hiệp Quốc đang nỗ lực tạo ra sự thay đổi cho hàng trăm nghìn người dân đang sống trong cảnh thiếu đói vì chiến tranh tại quốc gia Bắc Phi này. Trước đó, IOM cũng đã kêu gọi quyên góp 180 triệu USD trong ba năm nhằm cải thiện điều kiện nhân đạo tại Libya - nơi vốn được xem là một “trạm chung chuyển” của những người di cư châu Phi tìm đường đến châu Âu với hy vọng sẽ có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trong khi đó, chiến sự ở Libya vẫn đang diễn ra ác liệt làm nhiều người thương vong. Giới chức bệnh viện al-Hereish ở thành phố Derna của Libya mới đây xác nhận lãnh đạo Hội đồng Shura của lữ đoàn Majlis Mujahideen Derna Abu Mus’ab al-Shaaria, còn được gọi là al-Amir đã bị tiêu diệt sau các cuộc không kích do không quân Ai Cập tiến hành trong những ngày qua.

Hội đồng tổng thống của GNA được quốc tế công nhận tại Libya đã ra tuyên bố ngày 31-5 khẳng định quyết tâm đưa ra các biện pháp nhằm hồi hương những người phải rời bỏ nhà cửa trước khi kết thúc tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo. Động thái này được cho là quyết tâm của Libya để đối phó với nạn di cư hiện nay.

Trong một động thái liên quan, trước đó Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã cam kết đóng cửa tuyến đường di cư trên Địa Trung Hải, nối Libya với Italia, nhằm ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp. Mục đích chính của Liên minh châu Âu là ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp từ Libya tới châu lục này. Đây là cách duy nhất ngăn chặn hàng nghìn người chết trên sa mạc, trên Đại Trung Hải và đây cũng là cách duy nhất để kiểm soát vấn đề nhập cư ở châu Âu.

Giới phân tích cho rằng, đóng cửa biên giới chỉ là giải pháp tình thế chỉ giải quyết phần ngọn còn phần gốc là các chính sách hỗ trợ kịp thời để người di cư ổn định cuộc sống trên chính quê hương, đất nước mình mới thật sự mang tính căn cơ. Phần việc này đòi hỏi các quốc gia liên quan cần hợp tác chặt chẽ mới mang tính bền vững. Tuy nhiên, việc này không hề dễ khi các nước vẫn chưa có sự đồng thuận.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>