Mỹ có thật muốn đàm phán với Triều Tiên ?

20/12/2017 | 08:21 GMT+7

Gần đây, dư luận cho rằng Mỹ đang có kế hoạch đàm phán với Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Điều này có phải là sự thật đang là vấn đề được nhiều người đặc biệt quan tâm.

Nguồn: BUSINESS RECORDER

Mới đây, cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) đã công bố báo cáo xác định một loạt nội dung có thể được đề cập trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên, trong trường hợp hai nước này đồng ý tiến hành đàm phán.

Báo cáo này nêu rõ: “Trước đây, Mỹ tập trung đàm phán về việc ngừng các chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, một số vấn đề tranh cãi khác cũng có thể được đưa ra đàm phán trong tương lai”.

Theo đó, những vấn đề bao gồm các chương trình vũ khí hóa học và sinh học của Triều Tiên mà nhiều nhà phân tích cho rằng đang đặt ra mối đe dọa ngày càng tăng; các lực lượng chính quy của Triều Tiên; các biện pháp xây dựng lòng tin, như tăng cường tính minh bạch của hai lực lượng Triều Tiên và Mỹ - Hàn Quốc để giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Báo cáo cũng liệt kê các điều kiện về nhân quyền của Triều Tiên, các vụ bắt giữ người Mỹ ở Triều Tiên, viện trợ nhân đạo quốc tế, việc đoàn tụ của người Mỹ gốc Hàn và người thân của họ ở Triều Tiên, tìm kiếm hài cốt của các binh lính Mỹ đã chết trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, cũng như việc trao đổi văn hóa, giáo dục và thể thao.

Báo cáo được chuẩn bị cho các nghị sĩ Mỹ cũng đã nêu chi tiết các cuộc đàm phán trước đây của Mỹ với Triều Tiên, từ những cuộc thảo luận đưa ra Thỏa thuận khung năm 1994 cho đến Thỏa thuận Leap Day (Ngày Nhuận) hồi năm 2012.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) Nhà Trắng khẳng định chính quyền Tổng thống Donald Trump “nhất trí nhấn mạnh rằng bất kỳ đàm phán nào với Triều Tiên sẽ cần phải đợi cho đến khi Bình Nhưỡng cải thiện về cơ bản cách hành xử của mình”. Theo đó, chính sách về Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Trump là không thay đổi. Người phát ngôn NSC cũng tái khẳng định Mỹ để ngỏ khả năng đối thoại với Triều Tiên, với mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, song Bình Nhưỡng “trước hết cần ngừng khiêu khích cũng như có các hành động chân thành đối với tiến trình phi hạt nhân hóa”.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson khẳng định: Mỹ sẵn sàng đàm phán bất kỳ lúc nào Triều Tiên muốn đối thoại, và Washington sẵn sàng có cuộc gặp đầu tiên mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Tuyên bố của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đã được nhiều nhà phân tích xem là dấu hiệu về một sự chuyển hướng trong chính sách nhất quán của Mỹ với Triều Tiên. Tuy nhiên, sau đó Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã rút lại tuyên bố của mình do phải đối mặt với áp lực phản đối mạnh mẽ từ Nhà Trắng.

Cùng thời gian này, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và nhiều quốc gia liên quan tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, với mong muốn Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và ngồi vào bàn đàm phán. Điều này càng làm cho Triều Tiên lâm vào cảnh khó khăn.

Trong khi đó, Triều Tiên đã nhiều lần khẳng định sẽ tiếp tục chương trình phát triển hạt nhân của mình, đồng thời tuyên bố chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng nhằm mục đích đối phó với Mỹ.

Theo cựu chỉ huy tối cao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Đô đốc về hưu James Stavridis, ngoài một cuộc tấn công phủ đầu, Mỹ còn có 3 phương án quân sự để lựa chọn nếu biện pháp ngoại giao không thành. Các phương án đó là phong tỏa đường biển, tấn công mạng và tăng cường phòng thủ tên lửa. Tuy nhiên, ông Stavridis cũng nhấn mạnh rằng biện pháp ngoại giao vẫn là then chốt trong thời điểm hiện nay.

Mặc dù có những động thái cho thấy khả năng Mỹ sẽ đàm phán với Triều Tiên, nhưng những mâu thuẫn giữa Washington và Bình Nhưỡng vẫn còn quá nặng nề, nhất là các cuộc “khẩu chiến” tiếp tục gia tăng giữa hai bên. Cho nên đàm phán khó có thể diễn ra trong thời gian gần đây nếu các bên liên quan chưa chủ động hạ nhiệt căng thẳng.

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>