Vịnh Oman “nóng hổi”

17/06/2019 | 08:25 GMT+7

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã thúc giục mở một cuộc điều tra độc lập để xác định ai đứng sau một loạt vụ tấn công bị nghi ngờ nhằm vào tàu chở dầu ở vùng Vịnh thời gian qua, làm dấy lên nỗi lo về nguy cơ nổ ra chiến tranh.

Vịnh Oman nối với vịnh Ba Tư qua eo biển Hormuz rộng 34km. 1/3 lượng dầu thô, 1/5 lượng khí tự nhiên của thế giới đi qua vùng biển này. Ảnh: CNN

Hôm 13-6, tàu chở dầu Kokuka Courageous của công ty có trụ sở tại Nhật Bản và tàu Front Altair của hãng tàu biển đến từ Na Uy thông báo đã bị tấn công, ngay sau khi qua eo biển Hormuz được khoảng 80-100 hải lý (150-200km). Hiện chưa rõ nguyên nhân cũng như ai đứng đằng sau vụ tấn công.

Vụ việc xảy ra vào thời điểm nhạy cảm bởi mới 1 tháng trước, 4 tàu thương mại cũng bị cho đã trúng mìn ngoài khơi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Liên tiếp sự cố liên quan đến 6 tàu thương mại đã làm dấy lên lo ngại an ninh xung quanh khu vực eo biển Hormuz - một trong những tuyến vận tải biển huyết mạch của thế giới. Ước tính có đến 40% lượng dầu mỏ của thế giới được chuyên chở qua eo biển này.

Những lần trước đó, Mỹ tố Iran hoặc lực lượng ủy nhiệm của Tehran tiến hành các vụ tấn công làm tê liệt 4 tàu chở dầu ở khu vực hôm 12-5. Sau đó, Tehran còn bị cáo buộc đứng sau các vụ tấn công của máy bay không người lái nhằm vào 2 trạm bơm dầu của Ả Rập Saudi hôm 14-5. Bất chấp Chính phủ Iran đã bác bỏ sự liên quan đến các vụ tấn công, Washington vẫn quyết định điều tàu sân bay Abraham Lincoln, máy bay ném bom chiến lược và 1.500 binh sĩ đến khu vực để củng cố khả năng phòng thủ của lực lượng Mỹ.

Lần này, cáo buộc của Mỹ nhằm vào Iran cũng mơ hồ và dấy lên không ít hoài nghi khi công bố hình ảnh, video mà họ cho là ghi lại cảnh các thành viên Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) gỡ mìn chưa nổ ra khỏi thân tàu Kokuka Courageous. Ông Shanahan sau đó cho biết Lầu Năm Góc vẫn đang xác định nguồn gốc loại mìn nói trên. Tuy nhiên, ông Yutaka Katada, Chủ tịch Công ty Kokuka Sangyo Co., hôm 14-6 không tin tàu Kokuka Courageous của họ trúng mìn khi cho biết thủy thủ đoàn đã thấy “các vật thể bay” trước khi vụ tấn công xảy ra.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 13-6 đã có cuộc họp kín thảo luận về vụ tấn công mới nhất, nhưng không có bất cứ thông báo chính thức nào được đưa ra sau cuộc họp. Đại sứ Kuwait tại Liên Hiệp Quốc Mansour al-Otaibi cho rằng, việc thảo luận là cần thiết nhưng không quốc gia nào đưa ra bất cứ bằng chứng có thể chỉ rõ trách nhiệm vụ tấn công do ai thực hiện.

Giới phân tích đang chia rẽ về các cáo buộc Iran đứng sau diễn biến gây căng thẳng mới nhất trên vịnh Oman. Một số chuyên gia cho rằng Iran không có lý do và lợi ích gì khi tấn công một tàu Nhật trong lúc Thủ tướng Shinzo Abe đang thăm Tehran. Ngược lại, cũng có ý kiến nói mục tiêu của Tehran là gây ra tình trạng bất ổn, từ đó khiến giá dầu tăng cao. Một diễn biến như thế có thể thúc đẩy những quốc gia đang dựa vào nguồn cung dầu từ Trung Đông, như Nhật Bản ép chính quyền ông Trump nới lỏng trừng phạt Iran. Cũng có ý kiến khác cho rằng những vụ việc vừa rồi nhiều khả năng nhất là “sản phẩm” của bên thứ ba nào đó muốn tìm cách kích động Mỹ và Iran xung khắc quân sự với nhau. Những kẻ này được lợi nhiều nhất từ chiến tranh hay đụng độ quân sự giữa Mỹ và Iran. Cho nên họ sẽ không dừng lại ở việc phá hoại hai con tàu chở dầu vừa rồi. Vì vậy, Mỹ và Iran càng cần phải tỉnh táo và kiềm chế. Việc điều tra sự thật như kiến nghị của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Gutteres càng thêm cần thiết. Nếu không thì lần thứ ba sẽ không để chờ đợi lâu và khi ấy khu vực này cũng như cả thế giới cách thảm họa không còn mấy xa.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>