Cấp thiết đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp

04/07/2017 | 08:40 GMT+7

Hạ tầng xây dựng dở dang, đầu tư theo kiểu nối khớp từng đoạn không chỉ tác động không tốt tới môi trường đầu tư mà còn ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của các doanh nghiệp.

Đường 3B - Cụm CNTT Đông Phú có chiều dài khoảng 300m hiện phục vụ cho Tổng kho phân phối Vinafco và các hộ dân sống trong cụm.

Mức độ hỗ trợ hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ở tỉnh Hậu Giang mới dừng lại ở việc cung cấp chỗ cho nhà đầu tư xây dựng nhà máy, thay vì phải tạo được các cơ sở hạ tầng liên hoàn. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư trong và ngoài nước còn ngần ngại thực hiện dự án tại Hậu Giang.

Đầu tư dở dang

Khu công nghiệp (KCN) Sông Hậu thuộc xã Đông Phú, huyện Châu Thành, có vị thế khá đẹp vì nằm ngay mặt tiền Quốc lộ Nam Sông Hậu và ven sông Hậu nên thuận lợi cả giao thông thủy, bộ. Hiện, đây là KCN đầu tiên hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 1, bao gồm trục đường chính, hệ thống cảnh quan bảo đảm mật độ cây xanh. Nhìn từ xa là những nhà xưởng sừng sững rất quy mô. Nhưng nếu xét về nhu cầu thực tế vẫn còn thiếu, trục đường nội bộ và hệ thống xử lý nước thải chưa hoàn chỉnh.

Quy hoạch ban đầu Cụm công nghiệp tập trung (CNTT) Đông Phú - đối diện KCN Sông Hậu hơn 200ha nhưng điều chỉnh thu gọn lại chỉ còn 120ha. Hiện nay, Cụm CNTT Đông Phú - giai đoạn 1 chưa được UBND tỉnh cho chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng. Cụm có duy nhất đường 3B dài 300m phục vụ Tổng kho phân phối Vinafco, còn một doanh nghiệp khác trong cụm công nghiệp đang đi nhờ đường dân sinh. Bà Trần Thị Mai Phương, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Hóa nông Lúa vàng Hậu Giang, cho rằng: “Công ty TNHH Hóa nông Lúa vàng Hậu Giang đang nằm chơi vơi giữa Cụm CNTT Đông Phú. Từ công ty chưa có đường nào thông ra Quốc lộ Nam Sông Hậu. Nhà máy đã hoạt động từ cuối năm 2015, nếu vận hành đúng công suất sẽ đạt sản lượng 9.500 tấn/năm, tương đương 800 tấn/tháng nên lượng hàng hóa cần di chuyển rất lớn”.

Khác với Cụm CNTT Đông Phú, KCN Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A có hạ tầng rất đẹp, ngay cả trạm xử lý nước thải cũng vào hoạt động nhưng khổ nỗi đường giao thông đầu tư rất chắp vá. Nhọc nhằn nhất là công nhân thuộc Công ty TNHH Lạc Tỷ II và Công ty TNHH MTV Dược phẩm DHG. Theo phản ánh của công nhân 2 doanh nghiệp này, tuyến đường số 6 hiện bị hư hỏng nặng, mặt đường bị bong tróc, lồi lõm. Khi có mưa to, công nhân thậm chí còn phải bì bõm lội vào làm việc. Thêm vào đó, trục giao thông duy nhất của KCN không đủ đáp ứng cho hơn 8.000 công nhân khi hết giờ làm việc.

Ưu tiên chỗ bức xúc

Theo quy hoạch, có rất nhiều tuyến đường nhánh rẽ nối với trục đường chính khu, cụm công nghiệp kể trên. Nhưng sau khi hoàn thành hạ tầng phía trong hàng rào mỗi doanh nghiệp, đến nay vẫn chưa có con đường kết nối nào phía ngoài được hoàn thiện bảo đảm tiêu chuẩn phục vụ hoạt động sản xuất. Để giải quyết đường tạm vào Công ty TNHH Hóa nông Lúa vàng Hậu Giang, tỉnh đã cho phép các phương tiện giao thông có tải trọng dưới 5 tấn được đi tạm trên tuyến đường dân sinh nối UBND xã Đông Phú về trung tâm huyện Châu Thành. Đây là đường dân sinh có mặt cắt nhỏ, thiết kế chịu tải thấp, thực tế chỉ cho phép xe tải trọng dưới 5 tấn lưu thông.

Cũng theo các doanh nghiệp, khi có ý kiến gửi về các cơ quan của tỉnh đầu tư đường thì sự phúc đáp là chờ đợi khiến các doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư nản lòng. Những khó khăn trên đã dẫn đến tình trạng đầu tư xây dựng công trình bị manh mún. Hình thức đầu tư kiểu “nối khớp” làm tăng chi phí cho các hạng mục. Còn Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho rằng, khi tiếp nhận phản ánh, đơn vị không thể trả lời được vì còn đợi tỉnh cân nhắc nguồn vốn. Do vậy mà bức xúc kéo dài hết năm này qua năm khác.

“Để từng bước hiện thực hóa kiến nghị của doanh nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã xin ý kiến UBND tỉnh bố trí vốn đầu tư các công trình bức xúc cùng với đó sẽ tìm mọi nguồn lực, kết hợp cùng với doanh nghiệp triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng một cách toàn diện nhằm tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư. Bước đầu tính toán, nhu cầu vốn khoảng 98,8 tỉ đồng đầu tư các công trình bức xúc là Trạm xử lý nước thải KCN Sông Hậu với kinh phí khoảng 11,8 tỉ đồng, đầu tư tiếp đường số 4 và một phần đường số 8 với kinh phí khoảng 20 tỉ đồng, đường số 6 với kinh phí khoảng 34 tỉ đồng và bố trí 33 tỉ đồng đầu tư xây dựng đường số 1 KCN Tân Phú Thạnh. Những công trình này được doanh nghiệp phản ánh rất nhiều lần. Nếu hoàn chỉnh, vạt đất dọc theo con đường mới mở sẽ hấp dẫn nhà đầu tư”, ông Nguyễn Ngọc Điện, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, kỳ vọng.

Mới đây, UBND tỉnh đã cho chủ trương đầu tư đường số 3B kéo dài thêm 500m ở Cụm CNTT Đông Phú và hoàn chỉnh đường số 6 KCN Tân Phú Thạnh. Phương án xây dựng đường số 1 - KCN Tân Phú Thạnh, sẽ nghiên cứu đầu tư một nửa đường trước về phía bên phải nhưng đảm bảo 2 làn xe chạy (khoảng 8m). “Các KCN nằm cặp quốc lộ ở tỉnh bạn đều xây dựng trước các đường gom, thậm chí là có thêm trục đường song song với đường gom như Vĩnh Long, Long An chẳng hạn. Hậu Giang khó khăn hơn nên đầu tư từng phần như KCN Tân Phú Thạnh hiện có 1 trục đường kéo từ cổng đến sông Ba Láng, đường số 4 và số 6 làm được một đoạn. Cụm CNTT Đông Phú cũng làm được một đoạn đường 3B 300m… Vì thế mà tỉnh tiếp tục dành nguồn lực để đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Trong điều kiện nguồn vốn còn hạn hẹp, tỉnh chủ động xây dựng các phương án đầu tư, đáp ứng đủ công suất, nhu cầu theo từng thời kỳ của các doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Tuấn cho biết.

Bài, ảnh: KIM ĐIỀU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>