Ngành điện nỗ lực xóa điện câu đuôi

07/09/2023 | 05:40 GMT+7

Dù ngành điện đã nỗ lực rất lớn, song tình trạng lưới điện “đứt khúc, đứt quãng”, nhiều hộ dân phải “câu đuôi”, kéo chuyền đường điện vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Chưa có điện nên anh Nguyễn Hữu Phước, ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, sử dụng máy dầu để bơm nước tưới cho vườn sầu riêng.

Cuộc sống bất tiện

Do chưa có lưới điện quốc gia nên cứ vài ngày 1 lần, anh Nguyễn Hữu Phước, ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, phải sử dụng máy dầu để bơm nước tưới cho gần 3ha sầu riêng từ 3 đến 7 năm tuổi của mình. Anh Phước cho hay, tiền phân thuốc, cộng với tiền dầu để bơm tưới khiến chi phí chăm sóc vườn bị “đội” lên rất nhiều.

“Không có điện khó khăn lắm. Cách đây 2 năm, tôi đã đầu tư gần 50 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới phun cho vườn sầu riêng. Người dân ở đây mong muốn có điện, vì ở đây nông dân làm vườn rất nhiều. Do vậy, mong có điện để gắn môtơ, tưới cây cho khỏe, thay vì phải sử dụng máy dầu như hiện nay. Có điện thì chỉ ở một chỗ bật công tắc là tưới nước cho vườn cây tiết kiệm được chi phí mua dầu rất nhiều”, anh Phước chia sẻ.

Cũng vì không có điện, cuộc sống của gia đình ông Trần Văn Lân lâu nay phải sống nhờ vào nguồn điện câu đuôi chập chờn. Nguồn điện yếu nên hầu như gia đình không mua sắm nhiều thiết bị điện mà chỉ sử dụng những nhu cầu cơ bản. Dẫu vậy, gia đình luôn phải tính toán, xài cái này thì tắt cái kia mới có đủ điện trong nhà. Không chỉ cuộc sống, mà công việc canh tác vườn tược cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Ông Lân bày tỏ: “Mười mấy năm nay gia đình câu đuôi kéo điện về thì mới có xài vậy thôi. Bây giờ có cái tưới cây thì bằng máy đuôi tôm, chứ đâu có điện. Mong muốn làm sao có điện để ở đây bà con sinh hoạt, tưới cây được dễ dàng”.

Gia đình anh Phước và ông Lân là 2 trong số 16 hộ dân đang sinh sống dọc khoảng 1km theo tuyến kênh Xã Của thuộc ấp Mỹ Phú, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, chưa có lưới điện quốc gia. Để có điện sử dụng, vài hộ dân ở đây đã phải “câu” đuôi nguồn điện kéo từ kênh 26/3 của thị trấn Cây Dương, dài hơn 500m về sử dụng. Dù có điện tạm thời nhưng hầu như bà con nào cũng lo vì tiềm ẩn nhiều rủi ro do trụ điện là những cây tre làm trụ thậm chí nhiều đoạn dây thả dọc theo rẫy mía.

Nối liền lưới điện

Thống kê của Công ty Điện lực Hậu Giang, hiện nay tỷ lệ hộ dân chưa có điện còn rất ít (516 hộ, chiếm 0,34%). Tuy nhiên, do đặc điểm tự nhiên vốn có của khu vực nông thôn, hầu hết các hộ dân này sinh sống chủ yếu dọc theo kênh rạch, dân cư sống rải rác, thưa thớt và không tập trung nên việc thực hiện đầu tư lưới điện không thuận lợi do suất vốn đầu tư lưới điện trên mỗi hộ dân rất lớn. Qua khảo sát có khu vực chỉ có vài hộ dân nhưng phải đầu tư hàng ki-lô-mét lưới điện trung hạ áp với chi phí hàng tỉ đồng, suất đầu tư lên đến trên 300 triệu đồng/hộ.

Khảo sát thống kê, hiện nay còn khoảng 528 tuyến cần đầu tư lưới điện để cấp điện cho các hộ dân và đảm bảo sử dụng điện an toàn với khối lượng cần đầu tư là 256km đường dây trung thế, 686km đường dây hạ thế, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 372 tỉ đồng. Do nguồn vốn đầu tư được phân bổ cho công ty hàng năm rất hạn chế, mặc dù công ty đã nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn vay thương mại từ ngân hàng để đầu tư, nhưng do nhu cầu đầu tư còn quá lớn như kể trên nên cùng lúc Công ty Điện lực Hậu Giang không thể cân đối đủ được nguồn vốn để bố trí đầu tư toàn bộ lưới điện tại các khu vực chưa có lưới điện.

Dự án “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2015-2020” (gọi tắt là dự án 2081) do tỉnh Hậu Giang làm chủ đầu tư mặc dù đã được Bộ Công thương phê duyệt, tuy nhiên đến nay chưa được Chính phủ phân bổ nguồn vốn để tỉnh thực hiện dự án cũng là một khó khăn dẫn đến làm chậm việc xóa dần tình trạng lưới điện đứt khúc, đứt quãng, điện không an toàn.

Ông Nguyễn Khoa Hải Long, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hậu Giang, cho biết: “Đối với các hộ dân trong khu vực câu đuôi, câu chuyền thì chúng tôi phối hợp với địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân gia cố, cải tạo lưới điện để đảm bảo an toàn. Về lâu dài hàng năm, Công ty Điện lực Hậu Giang phối hợp với Sở Công thương và chính quyền địa phương rà soát nhu cầu sử dụng điện rồi tính cấp bách của từng công trình tuyến điện để đưa vào kế hoạch ưu tiên, đưa vào kế hoạch phân kỳ đầu tư hàng năm tùy theo nguồn vốn chúng tôi được phân bổ”.

Cũng theo ông Long, hiện tỷ lệ hộ dân có điện sử dụng trên địa bàn tỉnh đạt 99,75%, trong đó số hộ dân nông thôn đạt 99,66%, còn 0,34% chưa có điện. Nguyên nhân đặc thù do tập quán sinh hoạt, sinh sống của người dân ở khu vực nông thôn, sống không tập trung, rải rác, do đó nguồn vốn không đảm bảo để đầu tư. Trong thời gian ngắn, đơn vị chưa thể giải quyết và đầu tư ngay để cung cấp điện cho người dân. Trước mắt, Công ty Điện lực Hậu Giang tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra, bảo dưỡng lưới điện, đường dây để đảm bảo an toàn, chất lượng điện năng cho khách hàng sử dụng điện.

Dẫu còn nhiều thách thức như địa bàn chia cắt, nhiều hộ vùng sâu, vùng xa nhưng với quyết tâm và nỗ lực của ngành điện tỉnh, hy vọng trong thời gian không xa, ánh sáng điện quốc gia sẽ phủ khắp địa bàn, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn. Bên cạnh đó, ngành điện còn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn góp phần nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do điện gây ra.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>