Phụ nữ Hậu Giang kết nối tiêu thụ sản phẩm

28/09/2020 | 19:20 GMT+7

Các điểm giới thiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm của hội viên phụ nữ tại Hậu Giang đã kết nối hiệu quả các gia đình sản xuất nhỏ lẻ, cải thiện đời sống của chị em, hơn hết là nâng cao nhận thức của người dân về kinh doanh và sử dụng nông sản, thực phẩm an toàn của địa phương.

Các điểm giới thiệu sản phẩm của hội viên phụ nữ tại khu vực chợ thu hút người tiêu dùng đến tìm mua nông sản địa phương.

Ghé thăm điểm bán hàng của chị Đặng Thị Lê, ở khu vực 6, phường Ngã Bảy, thành phố Ngã Bảy, dù sắp đến giờ nghỉ trưa nhưng không khí mua bán ở đây vẫn còn nhộn nhịp, khách ra vào tấp nập. Phải đợi đến khi qua giờ cao điểm, khách hàng giãn bớt, chị Lê mới có thời gian ngồi trò chuyện với chúng tôi. Trước đây, chị Lê cũng buôn bán nhỏ tại nhà, chủ yếu hàng nông sản lấy của thương lái mỗi thứ một ít. Nhờ địa điểm gần khu dân cư lại có duyên buôn bán nên chị Lê vẫn thu hút lượng khách hàng nhất định dù không bán tại chợ. Vừa qua, tại điểm bán của chị cũng được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Ngã Bảy lựa chọn làm nơi giới thiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm của hội viên phụ nữ trong phường. 

Chị Đặng Thị Lê với điểm giới thiệu kết nối và tiêu thụ sản phẩm của hội viên phụ nữ phường Ngã Bảy.

Chị Lê nói rằng, sau khi được hỗ trợ và xây dựng thành điểm liên kết, quy mô bán hàng mở rộng, chị có thêm kệ trưng bày kiên cố, sắp xếp hàng hóa bài bản theo từng loại cho khách hàng dễ lựa chọn. Từ chỗ chỉ lấy hàng qua thương lái, hiện nay 80-90% nông sản bày bán tại điểm này là sản phẩm của chị em hội viên phụ nữ phường với hàng chục loại khác nhau. Nếu sản phẩm nào trùng lặp, chị em sắp xếp ngày thu hoạch để giao lệch thời gian, tạo điều kiện cho người nào cũng được tiêu thụ sản phẩm ổn định. Người bán và người mua đều là hội viên nên liên kết rất chặt chẽ, gắn bó. Khi gặp khó về sản xuất hay tiêu thụ đều có sự sẻ chia và giúp đỡ kịp thời.

Bà Nguyễn Thu Mãi, Chủ tịch Hội LHPN phường Ngã Bảy, thông tin: Trước khi liên kết, Hội LHPN phường cùng ngành chức năng tư vấn và hướng dẫn quy trình, định hướng làm nông sản an toàn cho hội viên tham gia. Hàng hóa biết tận nguồn gốc, không sợ dư lượng phân, thuốc trừ sâu, không qua nhiều khâu trung gian nên giá cả phải chăng, bản thân người bán tự tin giới thiệu mà khách hàng cũng rất hài lòng. Ngoài ra, đây cũng là nơi tiêu thụ các sản phẩm từ mô hình “Vườn rau nghĩa tình” của 5 gia đình hội viên tại phường. Mỗi hộ trồng một số loại nông sản khác nhau để trao đổi trong nhóm khi có nhu cầu, nếu trồng nhiều cũng mang đến điểm bán để có thêm thu nhập.

Các điểm giới thiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm khu vực nông thôn có điểm chung là mặt hàng chủ yếu nông sản đặc thù tại địa phương hoặc các sản phẩm từ cơ sở sản xuất, chế biến nhỏ lẻ. Tại phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, điểm bán này nằm tại chợ nên có lợi thế nhất định, lượng khách hàng tập trung khá đông nhất là vào buổi sáng. Chị Vũ Thị Kim Ba, tiểu thương cũng trực tiếp bán tại điểm giới thiệu hào hứng chia sẻ rằng từ khi trở thành điểm tập trung các loại nông sản của chị em hội viên, hàng hóa tập trung tăng lên về số lượng và cả chất lượng. Số lượng hàng hóa nhập vào cũng tăng, mỗi lần nhập khoảng 10kg rau ăn sống, từ 5-10kg rau, củ nấu canh các loại… đều tiêu thụ khá nhanh. Mặt hàng bán chạy nhất là rau ăn lá trồng trong nhà lưới, tuy bề ngoài rau không bắt mắt nhưng mọi người đều chuộng vì biết rõ nguồn gốc, biết là sản phẩm an toàn. Bản thân tiểu thương khi bán cam kết thực hiện đúng theo quy định về an toàn thực phẩm, giữ vệ sinh môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông…

Bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” (Đề án 939) từng bước phát huy hiệu quả. Chị em nhận thức cao hơn, thay đổi tư duy sản xuất, chuyển dần từ sản xuất tiêu dùng sang sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra, nhất là những sản phẩm đặc thù địa phương vẫn gặp khó khi tiêu thụ do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa đủ các tiêu chí vào siêu thị hay xuất khẩu. Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch và phát động 2 mô hình “Vườn rau nghĩa tình” (đổi rau trong từng nhóm ở nông thôn) và “Điểm liên kết giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm”.

Tùy tình hình, mà mỗi điểm có những sản phẩm và cách trao đổi riêng nhưng mục đích chung là kết nối giữa sản xuất với tiêu dùng ngay trong hội. Những thành viên tham gia cam kết về các tiêu chí an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ giống, nơi bày bán... Bước đầu thành công khi mô hình thu hút được số lượng đông đảo thành viên và tạo sinh khí mới trong sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết khó khăn về sinh kế cho hội viên ít đất sản xuất, những hộ kinh doanh nhỏ lẻ ở chợ nông thôn, hình thành thói quen tiêu dùng ưu tiên sản phẩm địa phương của hội viên.

Từ điểm giới thiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu tiên ra mắt dịp 8-3-2020 tại nhà hàng Tân Hậu Giang, đến nay toàn tỉnh có 27 điểm với 253 thành viên tham gia. “Cuối năm 2020, chúng tôi sơ kết mô hình, nâng chất và nhân rộng để có những điểm giới thiệu sản phẩm quy mô hơn. Phối hợp với các ngành chức năng nâng chất, xây dựng thương hiệu và các tiêu chí để đưa những sản phẩm có triển vọng ra thị trường ngoài tỉnh, vào siêu thị và xây dựng website riêng cho mô hình để chị em tự tin hơn trong sản xuất, kinh doanh. Hy vọng có nhiều hội viên vươn lên khá giàu từ mô hình này”, bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, thông tin.

 

Bài, ảnh: THIÊN NGỌC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>