Trái cây hút hàng, được giá

24/04/2017 | 07:00 GMT+7

Bước vào cao điểm của mùa khô là các mặt hàng trái cây trở nên hút hàng và bán được giá cao. Điều này đã làm nức lòng không ít nhà vườn trên địa bàn tỉnh.

Người dân ở ấp 2, xã Thuận Hòa đang phấn khởi vì giá mãng cầu xiêm ổn định ở mức cao.

Theo người dân ở các địa phương trong tỉnh, hiện cánh thương lái và chủ vựa trái cây trong và ngoài tỉnh đến tận vườn thu mua mãng cầu xiêm, cam sành, xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh từ 17.000-55.000 đồng/kg, tăng từ 5.000-15.000 đồng/kg tùy loại, so với thời điểm cách đây hơn một tháng. Chính vì thế, những ngày này, có dịp trở lại một số địa phương trong tỉnh như: huyện Long Mỹ, Châu Thành A, Châu Thành, Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy sẽ dễ dàng cảm nhận được niềm vui trúng giá của nhiều nhà vườn nơi đây.

Anh Đặng Thanh Cường, ở khu vực 1, phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Nếu so với cùng kỳ năm rồi, giá cam sành năm nay nhích lên từng ngày. Bây giờ cam sành loại 1 có giá khoảng 20.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng, nhu cầu các loại trái cây dùng làm thức uống tăng mạnh, trong khi nguồn cung ít nên hút hàng, bán được giá cao. Nhờ vậy mà 300 gốc cam sành được trồng trong khu vườn rộng hơn 1.000m2 của gia đình vừa thu hoạch trên 400kg và cân xô với giá 17.000 đồng/kg, tôi bỏ túi gần 7 triệu đồng”.

Nhìn vườn cam đang trĩu quả nên anh Cường ước đoán sản lượng trái sẽ thu hoạch trong tháng 5 tới đây không dưới 500kg. Do đó, trước tình hình thời tiết, khí hậu đang diễn biến khá khắc nghiệt như hiện nay (nắng nóng kéo dài, ít mưa), anh Cường luôn chủ động chăm sóc vườn cây bằng nhiều hình thức khác nhau. Theo đó, ngoài việc thăm vườn thường xuyên, anh còn tích cực cung cấp lượng phân bón, phun xịt thuốc hợp lý, nhất là không để cây thiếu nước gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của trái, bán không được giá cao.

Thời gian qua, cùng với việc sản xuất lúa, gạo, thủy sản, Hậu Giang được xem là nơi trồng và cung ứng các mặt hàng nông sản lớn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Cho nên, bên cạnh các mặt hàng trái cây chủ lực của tỉnh như: cam sành, xoài cát Hòa Lộc thì mãng cầu xiêm đang là loại nông sản tiềm năng, giúp mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Anh Trần Hoài Phong, Giám đốc Hợp tác xã mãng cầu xiêm, ở ấp 2, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, chia sẻ: Trước đây, địa phương chủ yếu làm lúa và nuôi thủy sản, còn trồng cây ăn trái chiếm diện tích rất ít. Bởi điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng nơi đây không thuận lợi như các vùng khác. Vì thế, để tìm hướng phát triển ổn định lâu dài, hơn 2 năm nay, người dân đã từng bước chuyển đổi, cải tạo vườn tạp và đất lúa kém hiệu quả sang thực hiện mô hình trồng cây mãng cầu xiêm được tháp trên gốc bình bát. Trong đó, gia đình anh đã lên liếp trồng hơn 18 công mãng cầu xiêm theo hình thức này.

“Mỗi năm, từ 18 công mãng cầu xiêm, ước sản lượng 16 tấn trái trở lên, gia đình tôi thu lợi nhuận không dưới 100 triệu đồng. Mặt khác, tôi còn sử dụng số vốn tiết kiệm của gia đình để liên kết với một số vựa nông sản khác thu gom sản phẩm mãng cầu xiêm của người dân trong và ngoài hợp tác xã từ 1,5-2 tấn/ngày. Hiện nay, giá thu mua khoảng 17.000 đồng/kg, điều này vừa góp phần ổn định đầu ra sản phẩm, vừa giúp người dân địa phương, kể cả gia đình tôi yên tâm sản xuất, hạn chế rủi ro, phát triển kinh tế lâu dài”, anh Phong chia sẻ thêm.

Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, nhận định: Những năm gần đây, người dân ở các địa phương trong tỉnh đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng cây ăn trái có giá trị khác là hướng đi tích cực, khẳng định sự thay đổi trong tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân, nhất là chủ động liên kết để giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Qua đó, không chỉ giúp người dân vươn lên thoát nghèo mà còn góp phần làm đa dạng thêm các mặt hàng nông sản, nâng cao giá trị sản xuất cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

“Người dân cần trồng theo quy hoạch, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để hạ giá thành sản xuất. Nhưng không nên vì áp lực giá cả mà lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, kích thích cho cây ra hoa, đậu trái sớm hơn thời gian sinh trưởng, cũng như tạo mẫu mã sản phẩm đẹp mắt mà vô tình gây tác hại xấu đến vườn cây sau này. Ngoài ra, khi thời tiết nắng nóng, người dân không nên tưới nước lên cả đọt, chồi non của cây nhằm hạn chế tình trạng đưa các mầm bệnh có sẵn trong nước, sâu bọ, côn trùng lây lan, tấn công nhanh trên cây trồng, gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm, tổn thất kinh tế gia đình”, ông Thể khuyến cáo.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, tính đến đầu tháng 4 năm nay, tổng diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh ở vào khoảng 38.600ha, tăng hơn 2.600ha so với cùng kỳ năm rồi, sản lượng ước đạt 282.000 tấn/năm, với đa dạng các loại cây ăn trái có giá trị như: bưởi, cam sành, quýt đường, cam xoàn, xoài cát Hòa Lộc, xoài Đài Loan, chanh không hạt, mãng cầu xiêm, phân bố đều ở hầu hết các địa phương trong tỉnh.

 

Bài, ảnh: CHÍ CÔNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>